| Hotline: 0983.970.780

Khoai lang Phú Thiện tính chuyện tương lai

Thứ Năm 19/01/2023 , 09:15 (GMT+7)

GIA LAI Một Phú Thiện với mỹ từ 'Đồng vàng trên cao nguyên xanh' là để nói về vựa lúa lớn nhất Tây Nguyên. Còn Phú Thiện hôm nay đã trở thành thủ phủ' khoai lang Nhật.

Từ trồng để "ăn chơi" đến cây trồng xuất khẩu làm giàu

Những ngày cận Tết, chúng tôi có dịp trở lại “thủ phủ” khoai lang Phú Thiện (Gia Lai), nơi người dân đang tất bật chăm sóc để chuẩn bị cho vụ thu hoạch ngay những tháng đầu năm Quý Mão. Sải chân trên những cánh đồng khoai lang mênh mông, xanh mướt, anh Bùi Trọng Thành, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phú Thiện cho biết, bên cạnh cây lúa, khoai lang Nhật được xem là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương. Những năm gần đây, cây khoai lang Nhật đang giúp người dân trở nên khấm khá, không còn cảnh phập phù như trước đây với cây khoai mì, hoa màu.

z3993100566196_6249ebf2acdd529d3bb7d034dc8d48a7

Khoai lang Nhật bén duyên với vùng đất Phú Thiện từ hơn 10 năm trước. Ảnh: Tuấn Anh.

Cũng theo anh Thành, cây khoai lang Nhật bắt đầu bén duyên với vùng đất Phú Thiện khoảng hơn chục năm về trước. Thời điểm đó, nhiều người dân từ khu vực phía Bắc vào Phú Thiện lập nghiệp, mang theo phương thức sản xuất khoai lang đến với vùng đất xã Ia Sol và xã Chư A Thai. Nhưng lúc bấy giờ, trồng khoai lang vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, sản xuất chủ yếu mang tính tự phát, trồng khoai lang Nhật để… “ăn cho vui"!

“Phải đến năm 2019, nhìn thấy tiềm năng của loại cây này phù hợp với vùng đất Phú Thiện, chính quyền địa phương đã quyết tâm xây dựng đề án phát triển cây khoai lang Nhật trên địa bàn huyện Phú Thiện đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Từ đây, cây khoai lang mới thực sự phát triển mạnh mẽ trên vùng đất vốn có truyền thống trồng lúa này”, anh Thành chia sẻ.

Từ chỗ chỉ có vài ha, đến nay, cây khoai lang Nhật đã phát triển rộng khắp trên địa bàn huyện Phú Thiện với gần 1.200ha. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, nhiều người dân Phú Thiện tiếp tục chuyển đổi một số diện tích cây trồng hiệu quả thấp sang trồng khoai lang Nhật, đi kèm với giấc mơ xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc trong một ngày không xa.

Đang cắt những dây khoai lang làm giống cho vụ sau, lão nông Đỗ Văn Năm (thôn Drok, xã Chư A Thai) cho biết, vừa rồi gia đình trồng được 6ha khoai lang Nhật, dự kiến khoảng tháng 2 năm sau sẽ cho thu hoạch. Năm nay thời tiết thuận lợi, cùng với việc gia đình chú trọng khâu chăm sóc nên cây khoai lang phát triển tốt, năng suất ước đạt khoảng 27 tấn/ha. Với giá bán 7,5 ngàn đồng/kg, trung bình 1ha thu về khoảng gần 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, gia đình lãi khoảng hơn 100 triệu đồng.

z3993100611080_f2788d7ccc7327da30c6219c81c938e3

Từ chỗ chỉ có vài ha, cây khoai lang đã được mở rộng thành những cánh đồng mênh mông. Ảnh: Tuấn Anh.

“So với trồng lúa thì khoai lang có lợi nhuận cao hơn rất nhiều mà lại không phải lo thị trường, bởi thương lái đến tận ruộng để thu mua”, ông Năm chia sẻ.

Trước thông tin khoai lang được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, ông Năm cũng như nhiều hộ dân trong vùng càng thêm phấn khởi. Để chuẩn bị cho khoai lang "xuất ngoại", ông Năm cùng nhiều hộ dân đã hạ quyết tâm từ vụ sản xuất tiếp theo sẽ trồng theo hướng VietGAP và đăng ký mã số vùng trồng.

Ngược về xã Ia Sol, nơi có diện tích trồng khoai lang lớn của huyện Phú Thiện với 450ha, ông Mã Văn Thủy ở thôn Thắng Lợi 1 đang cần mẫn chăm sóc những luống khoai lang mơn mởn xanh. Năm nay, gia đình ông Thủy trồng 1,2ha khoai lang Nhật, dự kiến đến khoảng tháng 3 năm 2023 sẽ cho thu hoạch.

Với thười tiết thuận lợi, với đất đai màu mỡ và nguồn nước thủy lợi dồi dào nhờ tận hưởng từ công trình đại thủy nông Ayun Hạ, ruộng khoai lang của gia đình ông dự kiến sẽ cho năng suất trên 30 tấn, trừ chí phí đầu tư, lợi nhuận dự ước sẽ đạt khoảng gần 150 triệu đồng. Với nhà nông thì đây là khoản lợi nhuận không hề nhỏ chút nào.

Nói về câu chuyện bén duyên với cây khoai lang, ông Thủy cho biết: “Khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều hộ dân trong vùng bắt đầu học theo mô hình trồng khoai lang Nhật, để rồi tạo thành cánh đồng lớn trong vùng. Khoai lang Nhật cho năng suất cao, thương lái đến mua tận ruộng nên người dân không phải lo về thị trường”.

Ngoài 2 xã Ia Sol và Chư A Thai phát triển mạnh cây khoai lang thì các xã Ia Peng, Ia Piar, Chrôh Pơnan và Ia Yeng cũng bắt đầu chuyển đổi diện tích lúa và cây ngắn ngày năng suất thấp sang trồng khoai lang. Không những vậy, nhiều nông dân từ các tỉnh Đắk Lắk, Kon Tum cũng đổ về thuê đất trồng nên diện tích khoai lang ở Phú Thiện ngày một tăng nhanh.

Lên phương án cho khoai lang "xuất ngoại"

Câu chuyện khoai lang được xuất khẩu chính ngạnh sang Trung Quốc đã tạo ra bước đột phá, sự hồ hởi mới với nông dân huyện Phú Thiện nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung. Để đạt niềm mong ước này, chính quyền địa phương đã mạnh dạn xây dựng phương án nhằm hướng người dân đẩy mạnh sản xuất khoai lang theo hướng VietGAP, đồng thời xây dựng, đăng ký mã số vùng trồng.

Nông dân Phú Thiện thu hoạch khoai lang

Nông dân Phú Thiện hiện nay đang tiếp cận với phương thức sản xuất khoai lang mới, chuyên nghiệp hơn để phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Tuấn Anh.

Dù khoai lang cho thu nhập cao nhưng anh Bùi Trọng Thành, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phú Thiện cho biết, chính quyền và ngành nông nghiệp huyện luôn khuyến cáo người dân nên hết sức cẩn trọng, bởi thị trường tiêu thụ thời gian qua chưa thực sự ổn định. Bài học cho thấy ở một số nơi, người dân ồ ạt mở rộng diện tích, không có sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất dẫn đến đầu ra một vài mùa vụ gặp khó khăn. Chính vì vậy, anh Thành cho biết trong năm nay, huyện đã bố trí nguồn kinh phí để xây dựng mô hình sản xuất khoai lang an toàn theo hướng VietGAP với diện tích 4ha tại xã Chư A Thai. Dự án do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Thiện thực hiện nhằm chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào trồng cho năng suất, chất lượng cao.

Ngoài ra, huyện cũng đã phối hợp với các doanh nghiệp để xây dựng mã số vùng trồng cho cây khoai lang. Theo đó có khoảng 300ha sẽ được xây dựng mã số vùng trồng tập trung tại địa bàn xã Ia Sol (100ha) và Chư A Thai (200ha).

“Để khoai lang có chất lượng, đảm bảo tính liên kết bền vững, huyện sẽ tập trung phát triển ở một số địa bàn có điều kiện về đất đai, cơ sở hạ tầng, xây dựng được lịch thời vụ và tạo thành vùng sản xuất chuyên canh chất lượng cao nhằm phục vụ thị trường xuất khẩu”, anh Thành chia sẻ.

z3972082951908_fce299c6dfedd149da4eeac81d3d1f1b

Từng là vựa lúa của tỉnh Gia Lai, Phú Thiện ngày nay đã chuyển thành vựa khoai lang bạt ngàn. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện cho biết, để chuẩn bị cho cơ hội xuất khẩu chính ngạch khoai lang vào thị trường Trung Quốc, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn vận động người dân thay đổi phương thức canh tác, ứng dụng công nghệ, xây dựng chuỗi giá trị trên cây khoai lang.

“Hiện trên địa bàn huyện vẫn chưa có nhà máy chế biến, bao tiêu đầu ra sản phẩm cho người dân. Trong thời gian tới, huyện sẽ kêu gọi các doanh nghiệp ký kết với người dân bao tiêu sản phẩm. Đồng thời đưa ra các giải pháp để thúc đẩy sản xuất, tăng cường kiểm tra chất lượng giống cây trồng, phân bón nhằm đảm bảo sản xuất khoai lang an toàn, bền vững. Đồng thời hỗ trợ thông tin các tiêu chuẩn, chất lượng, mã số vùng trồng… để khoai lang đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch, đặc biệt là thị trường Trung Quốc”, ông Tuấn chia sẻ.

Ông Phan Văn Vinh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Thiện cho biết, việc triển khai mô hình sản xuất khoai lang an toàn theo hướng VietGAP nhằm chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào trồng cho năng suất, chất lượng cao. Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước, giống, phân bón. Ngoài ra, các hộ dân được tập huấn quy trình sản xuất an toàn, tiết kiệm nhằm giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Tổng kinh phí thực hiện mô hình là 350 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp huyện.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.