| Hotline: 0983.970.780

Chè Đại Từ khẳng định thương hiệu

Thứ Tư 28/12/2022 , 11:05 (GMT+7)

Những sản phẩm chè Đại Từ sản xuất chuẩn VietGAP, hữu cơ, được chứng nhận OCOP 3 - 4 sao đang góp phần tạo nên vị thế bền vững cho thương hiệu chè Thái Nguyên.

7

Công nhân HTX chè La Bằng đang đóng gói sản phẩm. Ảnh: Toán Nguyễn.

Xây dựng vùng chè an toàn

Chè La Bằng là thương hiệu nổi tiếng từ hàng chục năm qua, không chỉ ở huyện Đại Từ mà đã trở thành một trong những địa chỉ chè đặc sản Thái Nguyên. Vùng chè này nằm cách trung tâm huyện Đại Từ khoảng 10km, giáp với sườn phía đông của dãy núi Tam Đảo có khí hậu mát mẻ, độ ẩm cao và đất đai màu mỡ. Chính những điều kiện tự nhiên như vậy rất phù hợp với cây chè phát triển, đã tạo ra hương vị chè nơi đây vô cùng thơm ngon, đậm đà.

Hợp tác xã chè La Bằng (HTX) được thành lập từ năm 2006 và hoạt động từ đó đến nay, chính là bàn đạp đưa thương hiệu chè của địa phương này có tên trên thị trường. Hiện HTX có 15 hộ thành viên, hơn 100 hộ liên kết, với tổng diện tích lên đến hơn 30 hecta. Trong đó 20ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2012, còn 10ha đã sản xuất theo hướng hữu cơ từ năm 2019 và được được cấp chứng nhận sản xuất hữu cơ vào năm 2021.

Hiện HTX chè La Bằng có 3 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP (2 sản phẩm 3 sao và 1 sản phẩm 4 sao). Nhờ làm chè sạch mà sản phẩm của HTX bán ra thị trường được nhiều người ưa chuộng, tin dùng và trở thành khách quen. Sản phẩm của HTX được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường, có mặt trên các kệ hàng của các siêu thị lớn, cửa hàng thực phẩm sạch trên cả nước.

Bà Nguyễn Thị Hải, Chủ tịch HĐQT - Giám đốc HTX chè La Bằng cho biết, khách hàng hiện nay đòi hỏi sản phẩm ngoài chất lượng tốt (thơm, ngon, đậm đà) phải có nguồn gốc xuất xứ, có sạch hay không nên đã quyết định làm chè theo tiêu chuẩn VietGAP, có giấy tờ đầy đủ để người tiêu dùng tin tưởng. Vừa qua, HTX cũng đã đề xuất một sản phẩm chè đạt chuẩn OCOP 5 sao và đang được các cơ quan cấp tỉnh xem xét.

2

Sản phẩm chè đang giúp cho hàng chục ngàn hộ dân ở huyện Đại Từ có thu nhập. Ảnh: Toán Nguyễn.

Xã Hoàng Nông là một trong những vùng trồng chè tập trung lớn của huyện Đại Từ, địa phương đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên triển khai mã số vùng trồng. Việc đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ, bà con nhân dân sản xuất trực tiếp là yêu cầu bắt buộc khi tham gia xây dựng mã số vùng trồng.

Qua đó giúp người dân nhận thức được sinh vật gây hại và biện pháp quản lý, diệt trừ; cách ghi chép nhật ký sản xuất… Những việc làm cụ thể như vậy, người trồng chè ở xã Hoàng Nông có cách sử dụng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật theo quy trình hơn.

Một vùng chè có truyền thống khác của huyện Đại Từ là xã Phú Cường, nới có 270ha chè, với 7 làng nghề chè và 4 HTX. Để nâng cao chất lượng cũng như giá trị cây chè, những năm gần đây người dân đã dần chuyển đổi sang sản xuất chè an toàn bởi những lợi ích của nó mang lại. Đây cũng là định hướng chung trong phát triển cây chè của xã Phú Cường.

Nổi bật trong đó là HTX Nông nghiệp bền vững Đại Từ, có địa chỉ tại xóm Na Quýt xã Phú Cường. HTX được thành lập từ tháng 3/2018 với 15 thành viên, đến nay đã có 5ha chè của các thành viên HTX được cấp chứng nhận chè Vietgap. Với diện tích chè còn lại, HTX định hướng sản xuất theo hướng GlobalGAP (tiêu chuẩn cao hơn của chè VietGAP), đáp ứng nhu cầu xuất khẩu của một số thị trường nước ngoài.

Ông Triệu Hồ Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đại Từ cho biết: Huyện Đại Từ thường xuyên phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên chọn những vùng chè, các chủ thể, các vùng có điều kiện thổ nhưỡng, điều kiện canh tác và tuyên truyền bà con nhân dân thực hiện việc cấp mã số vùng trồng và quản lý sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm để truy xuất nguồn gốc, tạo những sản phẩm đầu ra chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nhân dân trồng chè.

3

Huyện Đại Từ hiện đạt hơn 6.300ha, chiếm trên 30 % diện tích chè của cả tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Toán Nguyễn.

Xây dựng chiến lược phát triển cây chè

Huyện Đại Từ cũng xác định, cây chè là cây trồng chủ lực, không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà từ lâu đã trở thành cây làm giàu của người dân. Huyện có 19 xã nằm ven các dãy núi lớn như Tam Đảo, núi Hồng,… có điều kiện đất đai thổ nhưỡng, nguồn nước tưới, tiểu khí hậu rất thích hợp cho phát triển cây chè và phát triển du lịch sinh thái. Điều đó thể hiện qua việc, tổng diện tích chè của huyện Đại Từ hiện đạt hơn 6.300ha, chiếm trên 30% diện tích chè của cả tỉnh Thái Nguyên.

Cả 30 xã, thị trấn của huyện Đại Từ đều có người dân sinh sống bằng nghề trồng chè. Thậm chí kinh tế một số xã như La Bằng, Tân Linh, Phục Linh, Phú Lạc… sản xuất chè là nguồn thu nhập chính của người dân. Cả huyện khoảng 30 HTX, cùng nhiều tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh chuyên về cây chè. Những năm qua, cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm, nhiều cơ sở sản xuất, HTX đã chủ động trong việc cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm.

Để khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của cây chè và khẳng định giá trị là cây trồng mũi nhọn, huyện Đại Từ đã tiến hành quy hoạch phát triển cây chè. Từ đó triển khai áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất và chế biến sản phẩm trà xanh Thái Nguyên; thực hiện tốt biện pháp cải tạo giống, tiến hành trồng mới, trồng thay thế bằng các giống chè mới. Đồng thời, xây dựng và bảo hộ thành công nhãn hiệu tập thể “Chè Đại Từ” góp phần cùng chè Thái Nguyên nâng tầm thương hiệu, tạo ra một nhãn hiệu tập thể vững mạnh.

Chất lượng nguyên liệu chè xanh của huyện Đại Từ đã được các chuyên gia đánh giá và kiểm nghiệm có hàm lượng tannin dưới 30% (thấp hơn bình quân cả nước), nhưng hàm lượng đường khử chiếm 2,46%, cao hơn các vùng chè khác và rất phù hợp cho chế biến chè xanh. Các sản phẩm chè của huyện Đại Từ đã và đang được khẳng định trên thị trường trong nước và quốc tế.

6

Không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm, nhiều HTX, cơ sở sản xuất đã quan tâm tới việc cải tiến mẫu mã sản phẩm. Ảnh: Toán Nguyễn.

Mặc dù vậy, huyện Đại Từ vẫn còn không ít cơ sở, HTX có bao bì đơn giản, chưa hấp dẫn người tiêu dùng. Do vậy, việc hỗ trợ bao bì, tem nhãn sản phẩm là hoạt động hỗ trợ thiết thực, giúp quảng bá hiệu quả sản phẩm cho các HTX chè. Từ đó nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho sản phẩm chè Đại Từ.

Nhằm từng bước hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè, công tác hỗ trợ xây dựng, phát triển làng nghề, HTX sản xuất, chế biến trên địa bàn được cả hệ thống chính trị của huyện Đại Từ quan tâm. Ngoài ra, địa phương cũng đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại (Sở Công thương Thái Nguyên) hướng dẫn các HTX đăng ký mã số doanh nghiệp, mã vạch, tham gia website chè tích hợp hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm trà Thái Nguyên…

Hướng tới mục tiêu bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng, minh bạch về nguồn gốc, huyện Đại Từ đã chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn xây dựng, quản lý các vùng trồng chè an toàn gắn với cấp mã số vùng trồng. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm chè Đại Từ và được khách hàng tin dùng.

Xem thêm
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.