| Hotline: 0983.970.780

Sản phẩm OCOP trở thành động lực phát triển kinh tế nông thôn

Thứ Năm 29/12/2022 , 08:32 (GMT+7)

Xây dựng sản phẩm OCOP cho các vùng sản xuất hàng hóa, đó là định hướng của huyện Đại Từ nhằm đưa nông sản thuận lợi ra thị trường.

Xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa

Triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm, tính đến hết năm 2021 huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đã có 26 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (19 sản phẩm 4 sao, 07 sản phẩm 03 sao). Dự kiến trong năm 2022, huyện Đại Từ sẽ có thêm 6 sản phẩm nữa. Các sản phẩm OCOP được đánh giá là đã tạo sức bật cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần xây dựng thành công Chương trình xây dựng Nông thôn mới của huyện Đại Từ.

Qua rà soát, hiện nay trên địa bàn huyện Đại Từ có khoảng 100 sản phẩm có tiềm năng trở thành sản phẩm OCOP, thuộc 4 nhóm ngành hàng là Thực phẩm, Đồ uống, Thảo dược, Dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng. Trong đó, nổi bật nhất là các sản phẩm chè, tiếp đến là các loại mặt hàng khác như, cây ăn quả, các loại thảo dược …

Huyện Đại Từ có hơn 6.300ha chè, với hàng chục ngàn hộ dân tham gia sản xuất. Ảnh: TN.

Huyện Đại Từ có hơn 6.300ha chè, với hàng chục ngàn hộ dân tham gia sản xuất. Ảnh: TN.

Riêng về sản xuất chè, huyện Đại Từ có trên 6300ha, tất cả 30/30 xã, thị trấn đều phát triển về loại cây có giá trị cao này. Hiện nay, cả huyện đã có 53 làng nghề chè, 16 doanh nghiệp, 28 hợp tác xã (HTX) và 74 tổ hợp tác, cùng hàng chục ngàn hộ gia đình chuyên sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ chè.

Huyện Đại Từ đã thực hiện quy hoạch vùng sản xuất chè gắn với du lịch sinh thái tại 3 xã: Phú Xuyên, Hoàng Nông, La Bằng với quy mô 140ha; Diện tích chè có lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm toàn huyện lên trên 1.400ha; Tổng diện tích chè VietGAP là gần 1.100ha.

Huyện Đại Từ cũng đã định hướng xây dựng nhiều vùng trồng cây ăn quả tập trung có quy mô lớn tại xã Quân Chu, thị trấn Quân Chu, xã Tiên Hội,… Tổng diện tích khoảng 600ha, với 2 cây trồng chủ lực là bưởi và nhãn (diện tích trồng bưởi khoảng 370ha, trồng nhãn là 230ha nhãn). Hiện các loại sản phẩm này đã có thu hoạch, đem lại thu nhập trung bình là hơn 200triệu đồng/ha.

Huyện Đại Từ cũng đã xây dựng nhiều vùng trồng cây ăn quả tập trung. Ảnh: TN.

Huyện Đại Từ cũng đã xây dựng nhiều vùng trồng cây ăn quả tập trung. Ảnh: TN.

Quảng bá thương hiệu, “chắp cánh” cho sản phẩm OCOP vươn xa

Theo ông Triệu Hồ Quang – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ: Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giúp khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, bảo vệ lợi ích người sản xuất và tiêu dùng. Từ đó đáp ứng nhu cầu của thị trường, giúp các mặt hàng có thể hội nhập kinh tế quốc tế nói chung. Việc tiêu chuẩn hoá sản phẩm OCOP và thực hiện công tác quảng bá xúc tiến thương mại, qua đó làm gia tăng giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp lên tâm cao hơn.

Để sản phẩm vươn ra thị trường, huyện Đại Từ cũng rất quan tâm tới việc quảng, giới thiệu sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng. Như việc liên kết tham gia quảng bá các mặt hàng OCOP tại các chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh và toàn quốc. Huyện Đại Từ cũng đã phối hợp với Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh Thái Nguyên khảo sát, lắp đặt biển hiệu các cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP cho các HTX, doanh nghiệp tại các xã, thị trấn.

Gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP huyện Đại Từ. Ảnh: QT.

Gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP huyện Đại Từ. Ảnh: QT.

Huyện Đại Từ cũng đã tổ chức khai trương điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, giao Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện quản lý và vận hành. Gian hàng có tổng diện tích khoảng 150 m2, gồm gian trưng bày và bán sản phẩm, với hàng trăm các sản phẩm được chứng nhận OCOP, sản phẩm chủ lực.

Ông Nguyễn Nam Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ đánh giá, Chương trình OCOP đã tạo nên những tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn, giúp sản xuất phát triển, tạo ra những sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập, phục vụ hiệu quả cho chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Đại Từ.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

5 điểm bán sản phẩm OCOP phục vụ giỏ quà tết tại Kiên Giang

Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đến nay đã thành lập được 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, với hàng trăm giỏ quà tết được tiêu thụ mỗi ngày.

Bình luận mới nhất