| Hotline: 0983.970.780

Giá phân bón vẫn còn neo cao

Thứ Bảy 07/08/2021 , 09:12 (GMT+7)

Trong báo cáo gửi Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT, Cục Bảo vệ thực vật khuyên người dân sử dụng phân bón với lượng vừa đủ, và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp trực tuyến về tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo tại ĐBSCL. Ảnh: Đức Minh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp trực tuyến về tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo tại ĐBSCL. Ảnh: Đức Minh.

Sáng 7/8, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp trực tuyến về tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo tại ĐBSCL.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), từ đầu năm 2021 đến nay, giá phân bón trong nước và thế giới đã liên tục tăng dần qua từng tháng.

Cụ thể, với giá phân bón sản xuất trong nước: Phân urê (đạm Cà Mau): tăng 72% (từ 6.800 đ/kg lên 11.700 đ/kg); Phân DAP (Đình Vũ ) tăng: 67,3% (từ 8.550 đ/kg lên 14.300 đ/kg); Phân NPK (Bình Điền): tăng 24,3% (loại NPK 16-16-8+13S từ 8.860 đ/kg lên 10.760 đ/kg).

Với phân bón nhập khẩu: Phân SA bột của Trung Quốc tăng 60,6% (từ 3.270 đ/kg lên 5.250 đ/kg); Phân DAP 64% nhập khẩu TQ tăng 50% (từ 11.200 đ/kg lên 16.800 đ/kg);Phân Kali tăng 72,9% (kali miểng Israel từ 6.650 đ/kg lên 11.500 đ/kg).

"Tỷ lệ tăng giá của phân bón nhập khẩu cao hơn so phân bón sản xuất trong nước", báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật nhấn mạnh.

Giá phân bón liên tục tăng trên thị trường thời gian qua. Ảnh: TL.

Giá phân bón liên tục tăng trên thị trường thời gian qua. Ảnh: TL.

Về một số loại vật tư nông nghiệp khác, như: Các loại thuốc bảo vệ thực vật (thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh, thuốc trừ cỏ) có tăng nhẹ nhưng không đáng kể. Giá lúa giống: Bình ổn. Chi phí máy gặt đập và công lao động phổ thông bình ổn. Tuy nhiên, một số nơi thiếu lao động do giãn cách xã hội.

Nguyên nhân chính khiến giá phân bón tăng mạnh, theo Cục Bảo vệ thực vật, là do giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng cao. Trong 7 tháng qua, các nguyên liệu chính để sản xuất phân bón đã tăng mạnh, cụ thể giá lưu huỳnh tăng 233% (từ 95 USD/tấn lên 221 USD/tấn), giá axit sunfuric (H2SO4) tăng 232%, giá khí amoniac (NH3) tăng 220%, giá quặng apatit tăng 7,7%.

Bên cạnh đó, giá dầu thế  giới tăng và container rỗng bị thiếu đã kéo theo giá cước vận tải tăng lên 3-5 lần. 

Bảng giá một số loại phân bón trên thị trường. Nguồn: Tổng hợp từ AgroMonitor.

Bảng giá một số loại phân bón trên thị trường. Nguồn: Tổng hợp từ AgroMonitor.

Cục Bảo vệ thực vật cũng loại trừ lý do giá phân bón tăng đến từ việc mất cân đối cung cầu. Qua khảo sát, các doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn trong nước đang duy trì sản xuất, cung ứng phân bón ra thị trường ổn định. Một số nhà máy còn sản xuất với sản lượng cao hơn cùng kỳ năm 2020. 

Ví dụ: Nhà máy đạm Hà Bắc sản xuất và cung ứng ra thị trường 210.000 tấn - tăng 5% so với cùng kỳ năm trước; Nhà máy đạm Ninh Bình sản xuất và cung ứng ra thị trường 200.000 tấn urê - tăng 65.000 tấn, tương đương tăng 32% so với cùng kỳ năm trước); Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã sản xuất 267.000 tấn urê - đạt kế hoạch đề ra; Nhà máy DAP Đình Vũ sản xuất và cung ứng ra thị trường trên 140.000 tấn DAP - sản xuất hết công suất và đạt kế hoạch đề ra; Nhà máy Hóa chất Đức Giang sản xuất và tiêu thụ 54.000 tấn DAP và MAP - đạt kế hoạch đề ra.  

Về nguồn nhập khẩu, tổng lượng phân bón nhập khẩu đầu năm đến nay biến động không đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Phân kali và urê nhập khẩu vẫn tăng nhẹ trong khi lượng DAP nhập khẩu giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2020.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, chí phí vận tải tăng cao, chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu toàn cầu dễ bị đứt gãy, Cục Bảo vệ thực vật dự báo, giá phân bón trong nước cũng như trên thế giới từ giờ đến cuối năm 2021 duy trì ở mức cao.

"Nhìn toàn cảnh từ nhu cầu tăng cao đến các yếu tố đầu vào sản xuất, vận chuyển thì giá các loại phân bón trên thế giới dự báo trong tháng 8 vẫn tiếp tục tăng nóng và thậm chí khó có thể hạ nhiệt trong năm nay", báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật nêu. Tuy nhiên, mức độ tăng tại Việt Nam có thể ít và chậm hơn.

Các nhà máy sản xuất phân bón DAP và MAP có nguy cơ phải dừng máy nếu không được cung cấp kịp thời amoniac.

Các nhà máy sản xuất phân bón DAP và MAP có nguy cơ phải dừng máy nếu không được cung cấp kịp thời amoniac.

Để bình ổn giá phân bón, Cục Bảo vệ thực vật kiến nghị các Bộ, ban, ngành liên quan, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón thống nhất các biện pháp như tăng sản lượng sản xuất, hạn chế xuất khẩu, ưu tiên nguồn hàng phục vụ sản xuất trong nước. Cục đề nghị, các lực lượng chức năng sẵn sàng vào cuộc, để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tích trữ, thổi giá để trục lợi.

Một giải pháp khác của Cục Bảo vệ thực vật, là sử dụng phân bón với lượng vừa đủ, cân đối, tránh lãng phí nhưng đảm bảo hiệu quả.

Muốn vậy, người nông dân cần tuân theo nguyên tắc “5 đúng”, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, IPM…), sử dụng phân bón hữu cơ để thay thế một phần phân vô cơ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học thay thế thuốc hóa học.

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Hà Lan tiếp tục hỗ trợ quản lý nước, rủi ro về nước vùng ĐBSCL

Chiều 4/11, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp và làm việc với bà Meike van Ginneken, Đặc phái viên về nước của Hà Lan. 

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hà Nội chuyển rét từ ngày mai

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, Hà Nội chuyển rét, nhiệt độ thấp nhất ở mức 18 độ C. Gió Đông Bắc mạnh cấp 2-3, nhiều nơi có mưa rào rải rác.