Bộ phim “Thạch Thảo” nhận 70% kinh phí từ Cục Điện ảnh! |
Ngoài việc chấp nhận phim làm lại từ kịch bản nước ngoài mà giới điện ảnh quen gọi là phim remake, thì ngày hội điện ảnh lần này vui mừng chứng kiến sự có mặt của 4 bộ phim do Nhà nước đặt hàng: “Thạch Thảo”, “Hợp đồng bán mình”, “Truyền thuyết về Quán Tiên” và “Nơi ta không thuộc về”.
Nhiều năm nay, với sự xuất hiện của những nhà sản xuất nhạy bén đã giúp phim tư nhân chiếm lĩnh toàn bộ đời sống điện ảnh. Những kỷ lục về doanh thu liên tục bị phá vỡ bởi sự cạnh tranh của các bộ phim tư nhân trên hành trình chinh phục khán giả.
Ngay tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 21 cũng có 12 bộ phim tư nhân tham gia, với màu sắc và phong cách đa dạng như "Khi con là nhà", "11 niềm hy vọng", "Người bất tử", "Tháng năm rực rỡ", "Song Lang", "100 ngày bên em", "Anh thầy ngôi sao", "Lật mặt: Nhà có khách", "Cua lại vợ bầu", "Hạnh phúc của mẹ", "Hai Phượng", "Thưa mẹ con đi".
Không ai phủ nhận phim tư nhân có những ưu điểm riêng. Tuy nhiên, mỗi nhà sản xuất khi đưa ra một tác phẩm đều phải giải quyết rất cực nhọc bài toán thị trường, nếu không có lãi thì cũng phải thu hồi được vốn để tái sản xuất. Vì vậy, phim tư nhân không thể thoát khỏi sự chi phối của thị hiếu nhất thời từ công chúng trẻ. Các pha hài nhảm hoặc các cảnh đánh đấm đôi khi quan trọng hơn cả cấu trúc hợp lý và logic cơ bản của mỗi bộ phim do tư nhân đầu tư.
Mọi đòi hỏi về tính tư tưởng hoặc tính giáo dục đối với phim tư nhân cũng hơi khắt khe. Ngược lại, phim do Nhà nước đặt hàng, dù kinh phí hỗ trợ một phần hoặc kinh phí hỗ trợ toàn phần, vẫn là cơ hội mà những nhà làm phim có thể chuyên tâm xây dựng tác phẩm có chiều kích sâu rộng hơn thông điệp của quầy bán vé.
Vì vậy, giới chuyên môn và giới thưởng ngoạn đặt rất nhiều kỳ vọng vào 4 bộ phim được Nhà nước đặt hàng tham gia Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 21. Nếu như hai bộ phim “Thạch Thảo” và “Truyền thuyết về Quán Tiên” nhận 70% vốn Nhà nước, thì hai bộ phim “Hợp đồng bán mình” và “Nơi ta không thuộc về” nhận 100% vốn Nhà nước.
Về mặt nội dung, bộ phim “Thạch Thảo” khai thác đời sống giới trẻ tươi đẹp trước ngưỡng cửa vào đời, bộ phim “Hợp đồng bán mình” phản ánh biến động nhân tính trước sự dẫn dắt của đồng tiền, thì bộ phim “Truyền thuyết về Quán Tiên” và bộ phim “Nơi ta không thuộc về” tập trung vào yếu tố lịch sử cách mạng.
Nhìn ở góc độ nghề nghiệp thì 4 bộ phim do Nhà nước đặt hàng đã được giao cho các đạo diễn khá uy tín như Mai Thế Hiệp, Đinh Tuấn Vũ, Trần Ngọc Phong, Đặng Thái Huyền. Đạo diễn Mai Thế Hiệp từng làm bộ phim “Có căn nhà nằm nghe nắng mưa” gây tiếng vang, trước khi cầm trịch bộ phim “Thạch Thảo”.
Đạo điễn Đinh Tuấn Vũ có bộ phim “Cuộc đời của Yến” chiếm được thiện cảm của công chúng, trước khi đảm nhận bộ phim “Truyền thuyết về Quán Tiên”.
Đạo diễn Trần Ngọc Phong đã nắm trong tay nhiều tác phẩm nổi tiếng như “Trận đấu cuối cùng”, “Biển gọi”, “Ba người đàn ông” nên bộ phim “Hợp đồng bán mình” dựa theo kịch bản của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn rất được chờ đợi.
Còn nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền trước khi làm phim “Nơi ta không thuộc về” cũng đã là một gương mặt được tin cậy qua các bộ phim “Lời nguyền gia tộc”, “Người trở về”, “Mười ba bến nước”…
Trong 4 bộ phim do Nhà nước đặt hàng, nếu công chiếu ở rạp thì chưa chắc đã đạt doanh thu trăm tỷ đồng như những bộ phim tư nhân khác. Thế nhưng, giá trị thực sự của 4 bộ phim này hoàn toàn quyết định chất lượng của Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 21. Bởi lẽ, khi những bộ phim được đầu tư ngân sách không thiết lập được vị trí trong nền điện ảnh nước nhà, thì thị hiếu công chúng sẽ bị trôi dạt theo bài toán thị trường nhiều bất trắc và hệ lụy!