![image007-123102_960.jpg Lễ hội truyền thống Đền Lăng Sương Xuân Ất Tỵ năm 2025. Ảnh: PT.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/13/image007-123102_960-134010.jpg)
Lễ hội truyền thống Đền Lăng Sương Xuân Ất Tỵ năm 2025. Ảnh: PT.
Lễ hội truyền thống Đền Lăng Sương Xuân Ất Tỵ năm 2025 vừa được tổ chức từ ngày 11 đến ngày 13/2 tức ngày 14 đến 16 tháng Giêng năm Ất Tỵ tại huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.
Di tích lịch sử Quốc gia Đền Lăng Sương có từ thời Thục Phán An Dương Vương hiện thờ Thánh Mẫu Đinh Thị Đen, Đức Thánh Tản Sơn Tinh, con rể Vua Hùng thứ 18.
Theo truyền thuyết dân gian, Đức Thánh Tản Viên có tên sinh thời là Nguyễn Tuấn, còn được biết đến là nhân vật Sơn Tinh ở trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thuỷ Tinh.
Truyền thuyết kể rằng Sơn Tinh chiến thắng Thủy Tinh và cưới được công chúa Mỵ Nương, trở thành con rể của Vua Hùng thứ 18. Ông có công giúp dân trị thủy, khai hoá đất hoang, giết thú dữ, dẹp giặc ngoại xâm nên được nhân dân suy tôn là Đức Thánh Tản, đứng đầu trong Tứ bất tử gồm: Đức Thánh Tản Viên, Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử, Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
![image019-123404_126.jpg Đền Lăng Sương là ngôi đền duy nhất hiện nay thờ cả gia đình Đức Thánh Tản. Ảnh: PT.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/13/image019-123404_126-134011.jpg)
Đền Lăng Sương là ngôi đền duy nhất hiện nay thờ cả gia đình Đức Thánh Tản. Ảnh: PT.
Đền Lăng Sương là ngôi đền duy nhất hiện nay thờ cả gia đình Đức Thánh Tản gồm: thân phụ Nguyễn Cao Hành; thân mẫu Đinh Thị Đen; dưỡng mẫu Ma Thị Cao Sơn; phu nhân Ngọc Hoa công chúa và 2 bộ tướng là Cao Sơn, Quý Minh.
Tín ngưỡng thờ Thánh Tản Viên đã đi sâu vào đời sống tinh thần của người Việt Nam từ bao đời nay, có nơi thờ chính, có nơi thờ vọng, song Lăng Sương là mảnh đất sinh ra Đức Thánh Tản.
Vào ngày 15 tháng Giêng và ngày 25 tháng 10 âm lịch hằng năm, Đền Lăng Sương tổ chức lễ hội lớn nhằm tưởng nhớ ngày sinh của Đức Thánh Tản và ngày Thánh Mẫu về trời.
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử và nhiều lần trùng tu, nâng cấp, đến nay Đền Lăng Sương vẫn giữ được kiến trúc bằng gỗ truyền thống, mang phong cách nghệ thuật đan xen của các thời đại nối tiếp nhau.
Với giá trị lịch sử riêng có, năm 1993, Đền được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh; năm 2005, Đền được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia và năm 2018 Lễ hội truyền thống Đền Lăng Sương được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.