| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 22/08/2023 , 18:42 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 18:42 - 22/08/2023

Giá trị kép của chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng

Chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng sẽ được khẩn trương ban hành để góp phần tích cực cho công tác đấu tranh và ngăn ngừa các biểu hiện tha hóa.

"Chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng đến năm 2030" cần khẩn trương ban hành, đó là kết luận quan trọng từ phiên họp thứ 24 vừa diễn ra của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đã có nhiều chiến lược quốc gia được xây dựng và phổ biến, nhưng lần đầu tiên Việt Nam có một chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng.

Vì sao phải có chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng? Câu hỏi ấy có lẽ không khó trả lời, khi hàng loạt đại án nhức nhối liên quan đến biểu hiện càn quấy của quan chức đã xảy ra ở những lĩnh vực khác nhau.

"Chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng đến năm 2030" sẽ tạo động lực để hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực và khắc phục những bất cập trong các chính sách đã và đang nảy sinh hiện tượng vụ lợi cá nhân. Giá trị kép của chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng, được thể hiện ở việc thực hành pháp luật và ở việc vun bồi đạo đức.  

Thứ nhất, đối với việc thực hành pháp luật. Chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng sẽ tác động sửa đổi một số văn bản luật sao cho tương thích với Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018, như Luật Đất đai, Luật Đấu giá tài sản, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bất động sản... Đó là vũ khí để giảm thiểu các hành vi vụ lợi như “đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương”, hoặc “không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ”.

Thứ hai, đối với việc vun bồi đạo đức. Chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng sẽ đẩy mạnh phổ biến thông điệp văn minh của công tác phòng chống tham nhũng. Không chỉ các cơ quan thông tin có trách nhiệm tăng cường tuyên truyền về phòng chống tham nhũng nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, viên chức và người lao động, mà các cơ sở giáo dục đào tạo cũng phải nỗ lực đưa nội dung giáo dục nhân cách, lối sống vào chương trình giảng dạy tinh thần phòng chống tham nhũng cho học sinh, sinh viên.

Phòng chống tham nhũng là một cuộc chiến cấp bách và lâu dài. "Chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng đến năm 2030" có thể xem như nền tảng khởi động cho thế trận toàn dân đẩy lùi “quốc nạn”. Hệ lụy tham nhũng không chỉ thâm hụt tài chính đất nước mà còn bào mòn lương tri cộng đồng. Cho nên, phòng chống tham nhũng không phải nghĩa vụ của riêng ai.

Giá trị kép của "Chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng đến năm 2030" chính là trừng phạt đối tượng suy đồi và xây dựng môi trường trong sạch. Giá trị kép được thúc hối song song, sẽ tạo hiệu quả bền vững. Chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng sẽ trực tiếp xóa sổ những quan niệm hủ bại như “hy sinh đời bố củng cố đời con” hoặc “một người làm quan, cả họ được nhờ”. Đồng thời, chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng cũng từng bước trang bị cho mỗi công dân sự khinh bỉ đối với hành vi tham nhũng, dù ở cấp độ nào.