Ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc Công ty Quản lý Bến xe Hà Nội cho biết, tính đến ngày 9/4, đã có 5 doanh nghiệp vận tải gửi thông báo xin tăng giá cước xe khách trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
Quầy bán vé tại khu vực bến xe Giáp Bát.
Theo ông Trung, giá vé xe khách được các đơn vị niêm yết tăng từ 7-27% chủ yếu trên các tuyến Hà Nội đi Tây Bắc và đi những chặng ngắn đến Ninh Bình, Nam Định.
5 đơn vị vận tải sẽ áp dụng bảng giá mới bao gồm Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hưng Thành, Công ty Cổ phần vận tải ôtô Ninh Bình, Công ty Bảo Yến, Hợp tác xã vận tải ôtô Ninh Bình, Xí nghiệp xe khách Nam Hà Nội.
Theo đó, các hành trình chặng Hà Nội-Sơn La sẽ tăng từ 180.000 lên 220.000 đồng/vé; Hà Nội-Hà Giang tăng từ 180.000-220.000 đồng/vé (giường nằm); Hà Nội- Lai Châu tăng từ 300.000-320.000 đồng/vé; Hà Nội-Tuyên Quang tăng từ 80.000-100.000 đồng/vé; Hà Nội-Kim Sơn (Ninh Bình) tăng từ 75.000-90.000đồng/vé; Hà Nội-Na Hang tăng từ 110.000-140.000 đồng/vé…
Giám đốc Công ty Quản lý Bến xe, ông Nguyễn Hoàng Trung cũng cho hay, từ nay đến dịp nghỉ lễ, bến xe vẫn không thể biết được còn doanh nghiệp nào đề xuất tăng giá vé nữa, bởi việc này nằm ngoài khả năng của bến.
Lý giải điều này, ông Nguyễn Hoàng Trung cho biết: “Theo Thông tư liên tịch số 129 ban hành năm 2010 giữa Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính có nêu rõ, doanh nghiệp vận tải được tăng giá cước sau khi đã kê khai với Sở Tài chính và Sở Giao thông Vận tải. Sau 3 ngày, cơ quan chức năng không có phản hồi thì doanh nghiệp được quyền áp dụng giá cước mới.”
Nhằm thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, ngăn chặn tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) vừa có Điện chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố mở đợt tổng kiểm soát xe ôtô chở khách, phương tiện thủy chở khách, tàu cánh ngầm và kiểm tra an toàn đường sắt.
Cụ thể, đối với xe ôtô chở khách, tập trung xử lý các hành vi vi phạm tốc độ, chở quá số người quy định, vi phạm phần đường, làn đường, tránh, vượt, đón trả khách không đúng nơi quy định, nồng độ cồn vượt quá quy định...
Đối với phương tiện thủy chở khách, tập trung xử lý phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, không đăng ký, đăng kiểm; thuyền viên, người lái phương tiện thủy không có bằng, chứng chỉ chuyên môn, sử dụng bằng, chứng chỉ chuyên môn không phù hợp, chở quá số người quy định...
Trước đó, như Vietnam+ đưa tin, để chấm dứt hiện tượng mất trật tự an toàn giao thông và ùn tắc giao thông tại khu vực bến xe Mỹ Đình, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã lên phương án trình Thành phố về việc điều chuyển 529 phương tiện vận tải hành khách liên tỉnh ra khỏi bến Mỹ Đình về một số bến khác trên địa bàn.
Cụ thể, đối với tuyến đi các tỉnh phía Tây Bắc như Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu sẽ bố trí ở bến xe Yên Nghĩa.
Các tuyến đi tỉnh Nam Định, Thái Bình được bố trí chia đều cho hai bến xe Yên Nghĩa và Gia Lâm.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, hiện Sở Giao thông đang lên phương án chuẩn bị, có thể đến tháng 5 mới triển khai.
“Để ngay lập tức điều chuyển vài trăm lượt xe về bến mới là điều không đơn giản vì nó sẽ ảnh hưởng đến sự đi lại của người dân, cũng như hoạt động của doanh nghiệp,” ông Nguyễn Hoàng Linh thừa nhận.
Bên cạnh đó, vị Phó Giám đốc Sở Giao thông cũng cho biết thêm: “Thời gian đầu, để người dân quen với việc di chuyển mới, có thể sẽ phải bố trí xe buýt miễn phí chở người dân từ bến Mỹ Đình tới các bến được điều chuyển”.
(Vietnam+)