Trước hàng loạt thách thức, khó khăn của các thị trường XK nông sản chủ lực (tiêu, điều, cà phê...) trong năm 2013, nhiều ngành hàng đang chủ động quay lại thị trường nội địa với 90 triệu người tiêu dùng. Đây cũng là cách làm phù hợp với chính sách của Chính phủ trong việc phát triển các mặt hàng mang tính chiến lược là tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm và khai thác tốt thị trường trong nước.
NNVN đã trao đổi với một số chuyên gia trong các ngành hàng về vấn đề này…
90 TRIỆU DÂN VÀ CÂU CHUYỆN KÍCH CẦU!
Kinh nghiệm từ nhiều nước đã chỉ ra rằng, khi thị trường nội địa được khai thác tốt, sẽ tăng sức mạnh cho ngành hàng trên thương trường quốc tế. Vì thế, thời gian gần đây các DN hoạt động trong ngành hàng cà phê hay hồ tiêu VN đều đang âm thầm mở rộng thị phần trong nước với sức mua tiêu dùng lên tới 90 triệu dân.
“ĐẤT” CHO CÀ PHÊ CÒN RẤT LỚN!
Trước những khó khăn của thị trường XK, việc đảm bảo tiêu thụ hết khoảng 1,3 triệu tấn cà phê do nông dân VN sản xuất ra mỗi năm với giá cả ổn định, đòi hỏi ngành cà phê phải có chiến lược đẩy mạnh phát triển tiêu dùng nội địa.
Vấn đề đặt ra là thị trường 90 triệu dân VN có còn “đất” cho các DN đẩy mạnh kinh doanh hay không? Thực tế hơn 1 năm qua đã cho thấy, rất nhiều các cửa hàng và hệ thống các cửa hàng cà phê “sạch”, “nguyên chất”,… đã ồ ạt ra đời và sống khỏe như một lời “tuyên chiến” với các cơ sở, quán cà phê đểu (trộn bắp, đậu nành, tẩm ướp hóa chất).
Các “ông lớn” như Trung Nguyên, Highlands Coffee, Vinacafe, Nestle’… cũng nắm được xu thế này, nên không ngừng mở rộng chuỗi quán mang phong cách riêng; gia tăng các sản phẩm cà phê bột với nhiều chủng loại phong phú. Cuối năm qua, giới sành cà phê Sài Gòn còn chứng kiến sự ra mắt của quán cà phê đẳng cấp thế giới mang tên Starbucks ngay tại mặt tiền khách sạn 5 sao New World Saigon.
Khai thác sức tiêu dùng của 90 triệu dân VN là một chiến lược khôn ngoan!
Vào thời điểm khai trương, người viết bài này có dịp đi ngang qua đây và chứng kiến các bạn trẻ xếp hàng dài trước cửa quán để mong được thưởng thức hương vị và phong cách uống cà phê kiểu Hoa Kỳ ra sao (dù giá 1 ly cà phê lên tới cả trăm nghìn đồng).
Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Nam Hải – Tổng Giám đốc Tổng Cty Cà phê VN cho biết, hiện lượng cà phê sử dụng chế biến để tiêu thụ nội địa chỉ chiếm 8%, tức khoảng 100.000 tấn nhân (trên tổng số 1.300.000 tấn cà phê thu hoạch mỗi năm của VN).
Trong số này, có trên 25.000 tấn để chế biến cà phê hòa tan, khoảng 30.000 tấn để làm cà phê rang xay có thương hiệu như Trung Nguyên, Vinacafe, Highlands…; đặc biệt có tới trên 40.000 tấn để chế biến cà phê rang xay không có thương hiệu.
Ông Hải khẳng định, loại cà phê không có thương hiệu này đang gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng VN vì nó được trộn thêm bắp, đậu nành rang cháy đen, trộn thêm hóa chất mùi, màu, tạo bọt độc hại. “Đây cũng chính là nguyên nhân quan trọng khiến người tiêu dùng VN ngại uống cà phê vì không biết đâu là thật, giả. Nó đang khiến việc mở rộng thị trường cà phê trong nước gặp nhiều khó khăn”.
Ông Hải cho rằng, các cơ quan chức năng cần phải xử lý triệt để các cơ sở rang xay cà phê “kinh dị” này nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tạo niềm tin cho người dân và giúp ngành cà phê mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa.
Theo tìm hiểu của NNVN, để lành mạnh hóa thị trường cà phê trong nước, Hiệp hội Cà phê – Ca cao VN (Vicofa) đã cùng với cơ quan quản lý chất lượng VSATTP xây dựng quy chuẩn cà phê chế biến để đảm bảo an toàn cho người uống cà phê trong nước. Vicofa cũng đang tích cực khai thác các đối tác nước ngoài, kêu gọi tham gia đầu tư vào VN và giới thiệu DN tham gia trực tiếp đàm phán ký kết các liên doanh chế biến cà phê trong nước.
Từ năm 2012 đến nay cũng đã có nhiều nhà máy chế biến cà phê hòa tan được đầu tư như: Nhà máy của Vinacafe với công suất 3.200 tấn/năm tại Đồng Nai, nhà máy của công ty Cà phê Ngon công suất 10.000 tấn/năm tại Đắk Lắk, nhà máy công suất 12.000 tấn của Nestle’…
Đến nay, tổng công suất chế biến cà phê hòa tan được các DN đầu tư mới tại VN đã gấp vài lần những năm trước đây, với mục đích khai thác sức mua tiêu dùng nội địa đang ngày càng gia tăng. Đây cũng là cách để các DN VN đẩy mạnh khai thác các thị trường XK tiềm năng với sản phẩm cà phê chế biến mang thương hiệu “made in VN”.
TĂNG THÓI QUEN ẨM THỰC HỒ TIÊU
Theo Hiệp hội Hồ tiêu VN (VPA), lượng hồ tiêu người VN tiêu dùng hàng năm rất thấp, chỉ khoảng 5% sản lượng làm ra (tức 5.000 tấn trên 100.000 tấn/năm), bằng một lượng nhỏ so với các nước như Ấn Độ, Indonexia, Malaysia, các nước Trung Đông…
Vì thế, trước bối cảnh thị trường XK ngày càng khó, diện tích hồ tiêu trong nước lại đang tăng “nóng”, việc đẩy mạnh tiêu dùng trong nước là hướng đi quan trọng nhằm giúp nông dân và DN có thêm đầu ra ổn định và tạo thêm giá trị gia tăng.
Trao đổi với PV, ông Trần Đức Tụng – Chánh Văn phòng VPA tâm sự: “Tôi đã đi khảo sát ở các chợ tại Phú Quốc, thấy người dân cho tiêu vào các bịch nylon rồi đặt tên riêng như Thu Thảo, Thanh Phương, Tiến Đạt… để bán. Còn trên Chư Sê (Gia Lai), nhiều nông dân có diện tích lớn đã tự xây dựng thương hiệu riêng bằng cách đóng những gói tiêu nhỏ từ vài lạng cho đến 1 kg, in tên tuổi, địa chỉ đầy đủ và ký gửi tại các cửa hàng, chợ truyền thống để kinh doanh.
Cùng với nông dân, nhiều DN cũng đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa, tiêu biểu như Công ty Hùng Hưng đóng gói tiêu với hình thức bắt mắt rồi ký gửi tại các siêu thị, sân bay để bán 300.000 đ/kg, gấp 2 lần giá XK. Hay Công ty Maseco đã tạo được giá trị gia tăng rất cao khi bán tới 500.000 đ/kg tiêu sọ đóng gói hút chân không.
Các DN này cũng nghĩ ra nhiều cách để kích cầu, như sử dụng nhiều loại bao bì, mẫu mã, từ bịch nhựa, giấy, cho đến lon thủy tinh màu sắc bắt mắt để tăng thói quen ẩm thực hồ tiêu của người dân”.
Ông Tụng cũng thông tin, nhiều DN VN còn đang học cách làm của nhiều nước trên thế giới khi bắt tay nghiên cứu công dụng dược liệu chữa bệnh của hồ tiêu (cảm cúm, ho, cảm lạnh) và làm đẹp (chiết xuất tinh dầu tiêu làm mỹ phẩm)… “Tôi khẳng định đầu ra cho các sản phẩm này tại VN rất tốt, giá rất cao, không đủ để bán, nhưng đòi hỏi DN phải đầu tư lớn, công nghệ cao” – ông Tụng nói.
VPA cũng cho rằng, từ trước đến nay các DN vẫn chăm bẵm vào việc XK, chưa chú ý đến thị trường nội địa nên chưa hình thành được chuỗi cung ứng hồ tiêu mang tính bài bản. Vì thế, VPA cũng đang cùng với các DN tìm nhiều biện pháp kích cầu hồ tiêu trong nước qua các hội thảo, hội chợ, hội thi món ngon và đưa các thông tin về lợi ích của hồ tiêu trong ẩm thực VN trên báo, đài để người tiêu dùng gia tăng sử dụng.
- Tính đến tháng 8/2013, sản lượng cà phê XK của VN đạt 890.000 tấn, kim ngạch trên 1,9 tỷ USD, giảm 23,7% về lượng và giảm 22,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012. - Về hồ tiêu, toàn ngành XK đạt trên 90.000 tấn, kim ngạch gần 600 triệu USD. Theo VPA, sản lượng hồ tiêu còn lại không nhiều, chỉ gần 20.000 tấn, từ giờ đến cuối năm sẽ XK thêm khoảng 15.000 tấn (còn 5.000 tấn lưu kho). Dự kiến, cả năm 2013 VN sẽ XK khoảng 105.000 tấn tiêu, kim ngạch đạt khoảng 700 triệu USD.