| Hotline: 0983.970.780

Giai đoạn 2021-2025 cần 30.000 tỷ đồng để giải quyết toàn bộ hạn, mặn vùng ĐBSCL

Thứ Sáu 15/05/2020 , 06:30 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, để đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi, giải quyết toàn bộ vấn đề nguồn nước tại ĐBSCL thì cần khoảng 30.000 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp. Ảnh: Minh Phúc.

Triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát hạn, mặn

Qua buổi trò chuyện, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ rõ những “lỗ hổng” trong hệ thống kiểm soát mặn của ĐBSCL, đồng thời có giải pháp để khắc phục vấn đề này.

Thưa ông, đợt hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL xảy ra thời gian qua đã tác động đến sinh kế của người dân vùng ĐBSCL như thế nào?

Có thể khẳng định, năm 2019 - 2020 là giai đoạn xảy ra hạn hán, xâm nhập khốc liệt nhất từ trước đến nay tại ĐBSCL. Dựa vào số liệu quan trắc, đợt hạn, mặn lần này có ba đặc điểm quan trọng. Thứ nhất, nó đến sớm hơn trung bình nhiều năm hơn một tháng (ngay từ cuối tháng 11/2019).

Thứ hai, mặn xâm nhập rất sâu vào các sông nội địa, bình quân từ 70 - 80km. Thứ ba, mặn rút rất chậm, dự báo đến hết tháng 5 mới kết thúc.

Mặc dù hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra bất thường, nhưng chúng ta hoàn toàn chủ động thông qua việc dự báo rất đúng và rất sớm. Ngay từ tháng 9/2019 chúng ta đã bắt đầu triển khai các hoạt động để phòng chống hạn, mặn và giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất có thể.

Âu thuyền ngăn mặn Ninh Quới được thi công vượt tiến độ, kịp vận hành để kiểm soát mặn, ngọt cho khu vực Bạc Liêu, Sóc Trăng và Hậu Giang. Ảnh: Tùng Đinh.

Âu thuyền ngăn mặn Ninh Quới được thi công vượt tiến độ, kịp vận hành để kiểm soát mặn, ngọt cho khu vực Bạc Liêu, Sóc Trăng và Hậu Giang. Ảnh: Tùng Đinh.

Ước tính, có gần 60.000ha lúa bị giảm năng suất từ 30 - 70%. Cây ăn trái cơ bản không bị ảnh hưởng, chỉ có 1,7ha ở Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) ảnh hưởng do mặn. Bà con đã chủ động chuyển đổi sang cây trồng khác.

Bên cạnh đó, có khoảng 96.000 hộ dân bị thiếu nước. Các hộ dân đã có giải pháp trữ nước phục vụ ăn uống ngay từ đầu, nên đời sống không bị xáo trộn quá lớn.

Qua thời kỳ hạn hán, xâm nhập mặn vừa rồi, Bộ NN-PTNT đã rút ra bài học kinh nghiệm gì để thích ứng với biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp và khó lường?

Bài học đầu tiên cần phải khẳng định, đó là để thích ứng và kiểm soát tốt hạn, mặn, cần phải dự báo được đúng và sớm. Thứ hai là phải triển khai tổng thể cả giải pháp công trình và phi công trình, cả giải pháp ngắn hạn và dài hạn.

Thời gian qua, rất nhiều công trình của Bộ NN-PTNT và các tỉnh đầu tư xây dựng đã đẩy nhanh tiến độ hoàn thành từ 5 đến 14 tháng, đưa vào vận hành đúng đợt hạn, mặn năm 2019 - 2020. Các công trình này đã tham gia kiểm soát hạn, mặn cho hơn 300.000 ha lúa. Nếu không, chắc chắn thiệt hại sản xuất nông nghiệp sẽ lớn hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, hầu hết các tỉnh đã chủ động đắp các đập tạm để ngăn mặn, giữ ngọt. Ví dụ như Kiên Giang đắp tới 197 đập tạm, với kinh phí vài chục tỷ đồng. Nhờ đó, hầu hết các vùng sản xuất nông nghiệp không bị ảnh hưởng.

Nhưng đó mới chỉ là giải pháp ngắn hạn, về lâu dài chắc chắn chúng ta phải có những công trình để kiểm soát mặn và giữ ngọt, nhưng phải đảm bảo phù hợp với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Vì nước mặn, nước lợ cũng là tài nguyên chứ không chỉ có nước ngọt.

Chúng ta phải tính toán cân bằng nước ở góc độ không tập trung đến từng huyện, xã, thậm chí là đến từng hộ gia đình. Muốn làm được điều đó, cần phải có các hồ trữ nước và công trình đó phải mang tính vĩnh cửu, chứ không thể cứ đắp đập tạm mãi được.

Hồ nước ngọt Kênh Lấp có dung tích trữ 1 triệu m3, lớn nhất miền Tây Nam bộ, đang bị cạn kiệt. Ảnh: Tùng Đinh.

Hồ nước ngọt Kênh Lấp có dung tích trữ 1 triệu m3, lớn nhất miền Tây Nam bộ, đang bị cạn kiệt. Ảnh: Tùng Đinh.

Chúng tôi cũng nhận thức được rằng, sự chủ động của người dân là rất quan trọng. Nếu chúng ta chủ động có dự báo nhưng người dân không thực hiện các giải pháp phòng, chống thiên tai theo khuyến cáo của Bộ NN-PTNT và chính quyền địa phương thì chắc chắn không hiệu quả.

- Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang tiếp tục triển khai các công trình thủy lợi khác ở ĐBSCL, vậy ông có thể chia sẻ thông tin về tiến độ của các dự án này. Liệu đến khi nào thì ĐBSCL có thể kiểm soát tốt hạn, mặn?

Bộ NN-PTNT đang triển khai 11 dự án thủy lợi tại ĐBSCL. Đặc biệt là cống Cái Lớn - Cái Bé để điều tiết mặn, ngọt cho toàn bộ tỉnh Hậu Giang và một phần Kiên Giang, Cà Mau. Nếu công trình này đi vào vận hành thì sẽ trở thành “tấm lá chắn” bảo vệ 1 triệu ha lúa và cây ăn trái. Ngoài ra, còn chủ động kiểm soát chất lượng nước quanh năm cho vùng nuôi thủy sản, nhất là tôm.

Sắp tới, trong giai đoạn 2021 - 2025, chúng ta sẽ tập trung đầu tư các hệ thống thủy lợi liên vùng, mang tính động lực để góp phần vào tái cơ cấu nông nghiệp, đến năm 2030 đảm bảo khắc phục được hạn hán, xâm nhập mặn hiện nay.

Dự kiến ngân sách nhà nước sẽ bỏ ra khoảng 30.000 tỷ đồng. Ngoài ra chúng tôi cũng đang bàn với các định chế tài chính nước ngoài như WB, ADB để có nguồn vốn vay đặc biệt, giải quyết vấn đề nước sạch sinh hoạt cho ĐBSCL.

Đầu tư trên tinh thần... không hối tiếc

Có lẽ, nhiều người khó có thể nghĩ rằng ĐBSCL lại có ngày thiếu nước ngọt trầm trọng như vừa qua, bởi đây là vùng có hệ thống kênh, rạch chằng chịt và là túi nước của Nam Bộ. Vậy sau đợt hạn mặn vừa qua ông nghĩ gì về chiến lược nguồn nước cho khu vực này?

Chúng ta phải nhìn nhận vấn đề này dưới góc độ an ninh nguồn nước. Đây là an ninh phi truyền thống và rất nhiều cuộc chiến tranh trên thế giới bắt nguồn từ nguồn nước. Nguồn nước đổ về ĐBSCL hàng năm khoảng 350 tỷ m3, trong đó 2/3 là từ sông Mê Kông, 1/3 là sinh thủy ở nội địa. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nước cho tất cả các ngành kinh tế và sinh hoạt của người dân chỉ khoảng 20 tỷ m3.

Đây là một nghịch lý! Chúng tôi sẽ cùng các tỉnh, các nhà khoa học nghiên cứu giải pháp đầu tư trên tinh thần không hối tiếc. Những công trình nào chúng ta nhận thấy rằng không hối tiếc thì ưu tiên làm trước, còn những công tình nào có khả năng gây tác động ảnh hưởng đến môi trường, kinh tế - xã hội thì có thể đầu tư sau một chút.

Ông đánh giá như thế nào về tác động của các đập thủy điện thượng nguồn sông Mê Kông đến ĐBSCL của Việt Nam?

Hiện nay, các đập thủy điện trên toàn bộ dòng nhánh và dòng chính của sông Mê Kông và các hồ chứa thượng nguồn đang tích khoảng 45 tỷ m3 nước. Dự kiến trong tương lai, đến năm 2040, các hệ thống công trình thượng nguồn sông Mê Kông sẽ giữ lại khoảng 110 tỷ m3 nước. Đây là con số rất lớn.

Như vậy, chúng ta sẽ phải điều chỉnh lịch thời vụ gieo cấy phù hợp với thời gian xả nước của các hồ thủy điện thượng nguồn. Vấn đề đặt ra là, chúng ta phải có đầy đủ thông tin. Hiện nay Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam đang hoạt động rất hiệu quả. Mới đây một Phó Thủ tướng Chính phủ đã được Thủ tướng giao đảm trách chức danh Chủ tịch Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam. Qua đó, tăng cường tiếng nói của Việt Nam đối với các quốc gia cùng lưu vực sông Mê Kông.

Xin cảm ơn ông!

Hiện nay chúng tôi lo lắng nhất là vấn để chuyển nước ở thượng nguồn sông Mê Kông. Trong tương lai, Campuchia dự kiến tăng khoảng 1 triệu ha đất canh tác lúa, Thái Lan cũng sẽ tăng 500.000ha đất canh tác.

Riêng Việt Nam thì có xu hướng giảm 500.000ha lúa vì chúng ta đã cân đối được an ninh lương thực. Khi các quốc gia đầu tư các hệ thống chuyển nước từ sông Mê Kông sang các lưu vực khác thì rất đáng lo.

Lúc ấy, lượng phù sa sẽ giữ lại toàn bộ ở thượng nguồn. Có những nghiên cứu đã chỉ ra rằng từ nay đến năm 2030, lượng phù sa về ĐBSCL chỉ khoảng 7% so với bình thường. Khi hết phù sa thì toàn bộ dòng chảy sẽ thay đổi, gây sạt lở bờ sông, bờ biển khủng khiếp. Toàn bộ lượng thủy sinh gần như không trở lại trạng thái bình thường, đó mới là nguy cơ cao.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp

Xem thêm
Chọn phương án tối ưu để Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước dừng hoạt động

Chiều 6/1, Thủ tướng chủ trì phiên họp thảo luận việc kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Điều tra việc đào bới trái phép mộ chúa Nguyễn Phúc Khoát

Nơi an nghỉ của chúa Nguyễn Phúc Khoát bị kẻ xấu đào bới trái phép. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Về xứ Tuyên ở nhà trên núi

Nông thôn xứ Tuyên đang dần tìm lại bóng dáng làng xưa với niềm tự hào kiêu hãnh, cũng bởi lẽ đó nhiều khách phương xa muốn tìm về!