| Hotline: 0983.970.780

Hạn mặn ĐBSCL: Bùng nổ dịch vụ khoan giếng

Thứ Hai 13/04/2020 , 10:04 (GMT+7)

Khoan giếng lấy nước ngầm diễn ra tràn lan, nhiều hệ lụy. Các địa phương mới chỉ dừng lại ở tuyên truyền vận động, chưa có giải pháp xử lý triệt để.

* Cần một giải pháp toàn diện giữ ngọt lâu dài cho nhân dân vùng hạn mặn.

Một quảng cáo dịch vụ khoan giếng tại Bến Tre trên internet. Ảnh: Minh Đảm.

Một quảng cáo dịch vụ khoan giếng tại Bến Tre trên internet. Ảnh: Minh Đảm.

Công khai và "đắt như tôm tươi”

Nhiều tháng qua, toàn tỉnh Bến Tre và các huyện phía tây, phía đông của tỉnh Tiền Giang đã bị nước mặn bao vây. Đến nay, các địa phương trên vẫn chưa đón được luồng nước ngọt nào về.

Do hết nước dự trữ, nhiều người dân đã thuê thợ khoan giếng tầng nông lẫn tầng sâu tìm mạch nước cứu nguy. Nước ngọt quý giá như vàng.

Nhiều nhà vườn, cơ sở cây giống tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre đã bắt đầu thuê người khoan giếng. Theo anh N.T.H, chủ một cơ sở cây giống nằm trên Quốc lộ 57, địa bàn xã Long Thới: “Nhiều ngày thuê xe chở nước ngọt, tốn tiền triệu mỗi ngày, không thể kham nổi. Cây trái ngày càng héo úa, một số người đã bắt đầu thuê thợ khoan giếng.

Như cơ sở của tôi cũng “ké” nước từ những giếng gần đây. Mình phụ tiền điện chứ thuê xe cũng không đủ, mà tiền chắc không còn đủ chi nữa".

Hiện nay, dịch vụ khoan giếng tầng nông được quảng cáo rất rầm rộ. Từ các số điện thoại dán tại cột điện đến mạng xã hội facebook, youtube… Cả những trang web rất chi tiết, bài bản. Chỉ cần gõ từ khóa “khoan giếng Bến Tre” trên thanh công cụ tìm kiếm của Google sẽ trả về khoảng 1,6 triệu kết quả.

Đặc biệt, có hẳn một trang web quảng cáo dành riêng cho từ khóa “dịch vụ khoan giếng tại Bến Tre”. Như trang web TP cho biết, chỉ cần khách hàng gọi thông báo địa điểm, họ sẽ khảo sát và báo cho khách hàng biết khu vực đó cần khoan độ sâu bao nhiêu, trong bao nhiêu ngày, giá tiền bao nhiêu?

Dịch vụ này cho biết, luôn đi đầu trong lĩnh vực khoan giếng, đặc biệt ở Cái Mơn (xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre).

Một quảng cáo khoan giếng công khai tại tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm.

Một quảng cáo khoan giếng công khai tại tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm.

Việc người dân vùng ĐBSCL ồ ạt tự ý khoan giếng tầng nông mà chưa được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể sẽ để lại hệ lụy về sau, nhất là nguồn nước ngầm bị ô nhiễm.

Tại TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, cũng có nhiều dịch vụ khoan giếng tầng nông. Cuộc hội thoại dưới đây, chúng tôi ghi lại cuộc trò chuyện với một thợ khoan giếng.

PV: Phải anh khoan giếng không?

NV: Đúng rồi.

PV: Ở TP Mỹ Tho anh khoan được không?

NV: Được, được.

PV: Giếng tầng nông mình có cần giấy phép không?

NV: Giếng tầng nông thì khỏi, khỏi.

PV: Bị phạt thì sao?

NV: Không không, tôi khoan hoài, xứ tôi ở dưới mà.

PV: Khoan ngày hay đêm?

NV: Ngày luôn.

PV: Có cần xin phép không?

NV: Không, khỏi, khỏi, ai cho đâu. Cái đó 6 triệu, ống 60 mm.

Đó là đoạn ghi âm trao đổi bằng điện thoại giữa một đồng nghiệp, đóng vai người dân cần khoan giếng với một người chuyên khoan giếng trái phép tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Chỉ cần điện thoại, nói địa chỉ cụ thể thì thợ khoan giếng sẽ chở đồ nghề đến khoan. Sau vài giờ nếu khoan trúng mạch nước ngầm chất lượng thì người dân có một cái giếng phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu.

Thật vậy, câu chuyện thuê dịch vụ khoan giếng tầng nông ở tỉnh Tiền Giang gần như công khai. Người dân chỉ bỏ ra từ 5-7 triệu đồng (tùy khoảng cách xa hay gần) là khoan được giếng có độ sâu từ 30-40 mét, không cần phải xin giấy phép.

Tại TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, có một số người treo bảng khoan giếng thuê tại nhà như một dịch vụ hợp pháp.

Một người thợ đang khoan giếng. Ảnh: Minh Đảm.

Một người thợ đang khoan giếng. Ảnh: Minh Đảm.

Tại xã cù lao Tân Phong, huyện Cai Lậy (Tiền Giang), từ đầu mùa khô hạn đến nay, những nhà vườn trồng cây sầu riêng đã thuê dịch vụ khoan trên 100 giếng tầng nông để lấy nước ngầm “cứu khát” cho cây.

Ông Trần Văn Nhịn, Chủ tịch UBND xã Tân Phong, cho biết: “Nói chung việc khoan giếng tầng nông là sai quy định. Hiện nay, trên địa bàn xã chắc có hơn 100 giếng.

Thiết nghĩ trong điều kiện hạn mặn kéo dài, người dân khó mua nước về để tưới kịp cho cây và đặc biệt đối với các hộ trong sâu sà lan kéo ống xa quá nên họ khoan giếng để lấy nước tưới cây. Chuyện này xã chỉ mới kiến nghị lên trên”.

Một mạch nước ngầm được tìm thấy. Ảnh: Minh Đảm.

Một mạch nước ngầm được tìm thấy. Ảnh: Minh Đảm.

Trong mùa khô hạn diễn ra khốc liệt như năm nay, dịch vụ khoan giếng "đắt như tôm tươi”. Người dân phải hẹn trước vài tuần. Đặc biệt tại các địa phương có diện tích cây sầu riêng nhiều như huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và thị xã Cai Lậy.

Phong trào khoan giếng “cứu” vườn cây tràn lan. Các dịch vụ này hoạt động cả ngày lẫn đêm, diễn ra trong thời gian ngắn nên chính quyền và ngành chức năng địa phương khó phát hiện, xử lý kịp thời.

Để lại nhiều hệ lụy

Điều đáng nói, không phải giếng khoan nào cũng đạt yêu cầu về chất lượng nguồn nước. Nhiều giếng khoan xong nước nhiễm phèn, nhiễm mặn, người dân phải bỏ đi để khoan tại điểm khác, không trám lấp đúng quy định.

Theo ông Đỗ Thành Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác các công trình thủy lợi Tiền Giang: Việc khoan giếng tầng nông tràn lan, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật gây sụp lún đất, ô nhiễm nguồn nước ngầm, xâm nhập mặn về sau sẽ tăng cao nên cần phải xử lý triệt để.

Tại xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, ông Trần Nguyễn Hồ đã từng chứng kiến nhiều trường hợp khoan giếng tầng nông trái phép tại địa phương, tâm tư: “Lấy nước tầng nông hoặc tầng sâu tôi nghĩ đây là biện pháp rất hay.

Nhưng mà phải làm đúng, chứ nếu không những giếng khoan mà mình không sử dụng được, nó có cái lỗ dẫn từ trên bề mặt xuống mà mình không có xử lý đúng sẽ dẫn nước dơ bẩn trên bề mặt xuống ảnh hưởng lâu dài và sau này ô nhiễm luôn không khắc phục được. Cái đó ngành chức năng phải quản lý”.

Vừa qua, do hạn mặn kỷ lục nên người dân đã không còn cách nào khác phải khoan giếng. Ảnh: Minh Đảm.

Vừa qua, do hạn mặn kỷ lục nên người dân đã không còn cách nào khác phải khoan giếng. Ảnh: Minh Đảm.

Tại tỉnh Bến Tre, hạn mặn tấn công nặng nề nhất vùng ĐBSCL nên việc khoan giếng tầng nông trái phép diễn ra rầm rộ hơn cả.

Chỉ tại huyện Châu Thành, mùa khô hạn này đã có hơn 60 giếng mới khoan. Nhiều nhất là các xã có vườn sầu riêng, chôm chôm như: Tiên Long, Tiên Thủy, Phú Túc, Tân Phú…

Tại huyện Chợ Lách, theo Phòng NN-PTNT, hiện mỗi ngày nhu cầu nước ngọt của các hộ dân để tưới hoa kiểng, cây giống lên đến 800.000 m3. Bên cạnh các hộ dân sử dụng túi chứa nước thì tạm thời đã có một số hộ khoan giếng tầng nông để lấy nước tưới còn chính quyền chưa biết hướng xử lý ra sao.

Ông Phạm Anh Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách cho biết: Đầu mùa khô, nhà vườn khoan giếng khá rầm rộ nhưng do chất lượng nước không đạt nên hiện đã trầm xuống. Địa phương chưa xử lý trường hợp nào khoan giếng tầng nông trái phép mà chỉ làm công tác tuyên truyền, vận động.

Thông thường, khoan 4-5 mạch nước mới sử dụng được một mạch do nước bị nhiễm phèn. Ảnh: Minh Đảm.

Thông thường, khoan 4-5 mạch nước mới sử dụng được một mạch do nước bị nhiễm phèn. Ảnh: Minh Đảm.

“Giai đoạn này cực kỳ khó khăn, nhiều hộ đã tìm cách khoan giếng. Tuy nhiên, khoảng chừng 3 tuần trở lại đây, người dân thấy không hiệu quả. Có những hộ khoan 5 lỗ nhưng sử dụng chỉ được 1 lỗ, 4 lỗ mất tiền.

Thứ hai, nước tưới cây không tốt. Nói chung mình mới dừng ở mức khuyến cáo người dân không nên khoan giếng, phân tích những bất lợi cho người ta hiểu. Từ chất lượng nước không đạt, gây sụp lở, khuyến cáo nhiều người dân cũng đã hiểu, thay đổi và dừng rồi”, ông Linh nói.

Như tại ấp Phú Đa, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, có những thời điểm nước mặn bao vây khá lâu. Nhiều hộ dân đứng ngồi không yên và quyết định khoan giếng.

Như hộ N.T.C đã chi hàng chục triệu đồng thuê nhóm thợ khoan giếng tưới sầu riêng. Thỏa thuận khoan thành công sẽ trả phí trên 120 triệu đồng/cái.

Tuy nhiên, sau một tuần dò tìm nhiều mạch nước, chủ hộ chi trả hơn 40 triệu đồng nhưng nguồn nước không đạt, bị nhiễm phèn nặng nên việc khoan giếng đã dừng lại.

Về lâu dài, việc khai thác sử dụng nước ngầm quá mức sẽ để lại nhiều hệ luỵ. Ảnh: Minh Đảm.

Về lâu dài, việc khai thác sử dụng nước ngầm quá mức sẽ để lại nhiều hệ luỵ. Ảnh: Minh Đảm.

Nắng hạn vẫn còn gay gắt, tại nhiều địa phương khu vực ĐBSCL vẫn còn xảy ra tình trạng khoan giếng tầng nông trái phép.

Vấn đề khoan giếng tràn lan, không theo quy hoạch, chưa đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật sẽ làm thất thoát nước ngầm, nguy cơ gây ô nhiễm và xâm nhập mặn tầng nước ngầm và còn gây sụp lún đất.

Nên cần một giải pháp toàn diện giữ ngọt lâu dài cho nhân dân vùng hạn mặn.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.