Hình ảnh Dế Mèn rất quen thuộc với tuổi nhỏ Việt Nam, không chỉ trong đời sống hàng ngày mà còn qua tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài. Vì vậy, báo Thể Thao & Văn Hóa quyết định lấy tên Dế Mèn làm giải thưởng thường niên cho các sáng tác và trình diễn nghệ thuật của thiếu nhi (thiếu nhi là chủ thể sáng tạo) hoặc vì thiếu nhi (thiếu nhi là đối tượng phục vụ).
Giải thưởng Dế Mèn sẽ được trao vào dịp 1/6 hàng năm, bao gồm giải thưởng “Hiệp sĩ Dế Mèn” với tiền thưởng 30 triệu đồng và tặng thưởng “Khát vọng Dế Mèn” với tiền thưởng 10 triệu đồng.
Hội đồng giám khảo Dế Mèn có cả thảy 7 vị: nhà văn Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, họa sĩ Thành Chương, đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh, họa sLê Linh và nhà báo Lê Xuân Thành - Tổng biên tập báo Thể thao & Văn hóa.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, chia sẻ về ý nghĩa của giải thưởng Dế Mèn: “Tôi đã từng đi rất nhiều nước trên thế giới, từng đến những khu vực dành cho sách thiếu nhi, đặc biệt là ở những hội chợ sách quốc tế. Vừa rồi, tôi cũng đến dự Hội chợ sách quốc tế tại Cuba, tôi càng thấy rằng sách thiếu nhi ở Việt Nam quá ít ỏi. Chúng ta có thể dịch sách thiếu nhi nước ngoài. Nhưng nếu không cẩn trọng, để một đứa trẻ đọc quá nhiều sách dịch thì ở bên trong chúng, mặc dù vẫn có những vẻ đẹp tâm hồn được tạo dựng, nhưng vẻ đẹp ấy bắt đầu rời xa những vẻ đẹp ở chính nơi mà chúng sinh ra và lớn lên. Đó là mảnh đất Việt Nam, văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam, thiên nhiên Việt Nam và những giấc mơ khác của người Việt…
Việc xây dựng giải thưởng Dế Mèn bắt nguồn từ ý thức mang lại một đời sống tinh thần sâu thẳm nhất, trong sáng nhất, quyến rũ nhất cho những đứa trẻ. Đừng nghĩ rằng đây chỉ là một giải thưởng mà hãy nghĩ rằng đây là một ý thức, một thái độ, một hành động của chúng ta đối với tương lai của mình”.
Còn nhà thơ Trần Đăng Khoa nói về giá trị mà giải thưởng Dế Mèn mong muốn: “Một tác phẩm mà trẻ con đọc cũng thích và người lớn đọc cũng thích. Đấy mới đúng là tác phẩm viết cho trẻ con. Có những tác giả mà thuở bé, người ta đọc đã thích rồi, càng già, đọc lại càng thích, ví dụ như Andersen. Đấy là ông ấy viết cho trẻ con đấy chứ. Nhưng ngay cả nhiều nhà văn cũng nghĩ rằng viết với trẻ con là bước tập dượt để đến với người lớn thôi, ngay cả nhà văn Lev Tolstoy vĩ đại mà còn phê phán Andersen cơ mà. Ông bảo truyện Andersen thật tuyệt vời nhưng có một sai lầm là đã mang tất cả những điều sâu sắc ra bàn với trẻ con, mà trẻ con nó chẳng biết cái gì cả”.