Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh: Phạm Hiếu |
Xin mở đầu cuộc trò chuyện với giáo sư bằng chủ đề vô cảm. Sự vô cảm giữa người dân với người dân như tài xế taxi bỏ mặc người bị tai nạn ở TP.HCM. Sự vô cảm giữa cán bộ ở một số địa phương với người dân như ở Thủ Thiêm... Theo ông, gốc rễ của vấn đề này là gì?
Gốc rễ của sự vô cảm và nhiều điều tệ hại bây giờ là những giá trị của dân tộc bị đảo lộn, khiến những mối quan hệ rường cột trong xã hội bị rạn nứt. Theo tôi, có 2 đợt “sóng thần” đã làm lung lay tận gốc những giá trị tinh thần của xã hội Việt Nam mình.
Thứ nhất là đợt “sóng thần” cải cách ruộng đất và cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh vào những năm 50, 60 của thế kỷ trước. Do suy nghĩ ấu trĩ, cực đoan và chịu ảnh hưởng của nước ngoài, cả hai cuộc cải cách, cải tạo đều diễn ra theo phương châm phát động quần chúng vùng lên đánh đổ quyền lực cũ và tước đoạt tài sản để phân phối lại. Ai đã sống qua thời cải cách, cải tạo đều biết cảnh con đấu tố cha mẹ, anh chị em, hàng xóm đấu tố lẫn nhau, người làm đấu tố nhà chủ… Những thần tượng của một thời đều bị lật nhào.
Trong gia đình, dòng tộc, làng xóm thì người dưới xem thường người trên, người trẻ không trọng người già. Trong xã hội thì trí thức bị xem là xa thực tế và bị xếp vào rọ “tiểu tư sản”.
Ngày xưa, người ta làm gì khuất tất cũng sợ quỷ thần hai vai chứng kiến, sợ tai ương, quả báo. Đến lúc xây dựng xã hội mới thì khoa học dạy người ta không có Thần, không có kiếp nào khác cả, chỉ có mỗi cuộc đời trần thế này.
Có thể điều đó là đúng nhưng nó duy vật trần trụi quá. Những cuộc thay đổi long trời lở đất cả về vật chất lẫn tinh thần ấy đã làm lung lay tận gốc những giá trị lâu đời, tạo ra một xã hội với những giá trị mới, quan niệm mới.
Chỉ đáng tiếc là các cuộc cải cách xã hội lúc đó chưa làm được điều cần nhất là giải phóng tư tưởng, giải phóng sức sáng tạo của con người. Người ta chưa thoát ra khỏi ràng buộc cũ lại vướng vào những ràng buộc mới.
Cũng trong các cuộc cải cách, cải tạo, dường như tất cả những người giàu có bị loại ra khỏi cuộc chơi, thay vào đó không ít người vốn yếu kém trong lĩnh vực kinh doanh lên nắm bộ máy kinh tế, nắm quyền, làm cho xã hội đã chậm phát triển lại thêm trì trệ.
Thứ hai, kinh tế suy thoái làm bộc lộ những sai lầm chết người của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp buộc chúng ta phải đổi mới, trở lại với kinh tế thị trường. Phát triển kinh tế thị trường như nhân loại đã làm hàng trăm năm và sống khỏe dĩ nhiên là đúnQg. Nhưng sau bao năm nghèo đói, được tự do làm ăn, người ta lao vào kiếm sống để tự cứu mình trước khi trời cứu. Dần dà, hết đói lại lo làm giàu.
Nhu cầu tồn tại, nhu cầu làm giàu khiến con người trở nên ích kỷ, vô cảm, chỉ nghĩ đến mình; nhất là khi những giá trị lâu đời đã lùi vào dĩ vãng, những giá trị của thời kỳ phát triển phi kinh tế vừa bén rễ đã trở nên lạc hậu hoặc không trụ nổi trước cơn sóng kinh tế thị trường.
Đó là chưa kể, trong một xã hội mà pháp quyền và đạo đức chưa điều chỉnh được hết hành vi của số đông, nhiều khi muốn quan tâm giúp đỡ người khác cũng khó. Có những hiệp sĩ tình nguyện bắt cướp bị kẻ xấu đâm chết, vợ con mất nhờ. Rồi thì đi đường gặp chuyện bất bình, người ta can thiệp cũng dễ bị hành hung, chết oan. Nhiều khi không phải người ta không còn lòng nhân ái nữa mà người ta sợ việc nghĩa mang lại nguy hiểm cho mình.
Ảnh: Phạm Hiếu |
Từ những câu chuyện cụ thể của ông Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình... Từ Đồng Tâm (Hà Nội) đến Thủ Thiêm (TP.HCM)... Nhiều người đặt câu hỏi, có phải để xảy ra những việc như vậy một phần xuất phát từ sự vô cảm của những cán bộ ở một số chính quyền địa phương?
Lênin đã nói rồi: “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn”. Tôi xin mạn phép nối lời Cụ: Giữ được chính quyền trên hình thức đã khó, nhưng giữ được chính quyền trong lòng dân mới là điều khó nhất phải làm. Bởi nếu một khi lòng dân đã mất thì chẳng còn gì cả.
Không ít cán bộ của mình sau khi lên nắm quyền mỗi ngày một xa dân vì chỉ biết đến quyền lực mà quên rằng chính quyền này là do chính người dân giành lấy từ tay thực dân, đế quốc và cũng chính hàng chục triệu người dân đã hy sinh xương máu để bảo vệ chính quyền.
Cán bộ xa dân, lạm dụng quyền lực nên nhiều chủ trương không xuất phát từ quyền lợi của người dân hoặc không đếm xỉa gì đến quyền lợi người dân.
Những gì xảy ra ở Thủ Thiêm là một vụ việc điển hình. Việc chính quyền cải tạo thành phố, xây dựng một ốc đảo đẹp là rất đúng nhưng người dân ở đâu trong câu chuyện này? Nếu chính quyền vì dân thì người dân phải được thảo luận về quy hoạch, phải được giám sát quá trình thực hiện quy hoạch. Nhưng nếu dưới mắt cán bộ, dân chỉ là những con số thống kê vô hồn trên giấy thì họ sẵn sàng quy hoạch một đằng làm một nẻo, lấy cả đất của những người không nằm trong diện mở rộng.
Nước mình đã có những con đường không thẳng như quy hoạch mà biến thành một đường cong mềm mại vì vướng phải... nhà quan. Nhưng nhà dân thì chẳng ai thấy có chút ý nghĩa gì. Rồi thì áp giá đền bù cho người dân như thế nào?
"Khi mà sai phạm chỉ xảy ra ở một số đơn vị, địa phương thì có thể đó là do lỗi của cá nhân hay tập thể lãnh đạo nhất định. Nhưng khi lỗi xảy ra suốt nhiều năm trên diện rộng thì lỗi nằm ở chính sách chung. Tại sao đến 80% các vụ khiếu kiện đều là khiếu kiện về đất đai. Địa phương nào cũng có. Bao năm nay đều có. Mà đó là những vụ khiếu kiện căng thẳng, kéo dài, khó giải quyết nhất". Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết |
Tôi đã không ít lần tự hỏi: Giả sử đất thu hồi là của cán bộ hay của người thân của cán bộ thì cán bộ có quyết lấy trắng của người ta như vậy không? Những cán bộ quyết định chủ trương có hại cho dân cũng không có lợi gì cho nhà nước thì không đơn thuần là do giáo điều, máy móc nữa mà là có lợi ích nhóm ở bên trong. Thế nên mới có những vụ như Thủ Thiêm, Nhà nước mất hơn 26 nghìn tỷ đồng và người dân cũng chẳng được gì.
Người phương Tây có câu: “Những gì mình mình không muốn làm cho mình thì đừng làm cho người khác”. Nhiều người nói rằng triết lý của Việt Nam mình còn nhân văn hơn: “Thương người như thể thương thân”. Nhưng trong các vụ như kiểu Đoàn Văn Vươn, Đặng Ngọc Viết trước đây hay Thủ Thiêm bây giờ, triết lý nhân văn ấy đâu rồi? Thế mới thấy trong những vụ này, nhiều cán bộ mình rất vô cảm với số phận của người dân.
Theo quy định của Nhà nước, muốn thu hồi đất của dân, chính quyền phải ban hành quyết định đối với từng trường hợp. Nhưng đa số các địa phương thu hồi đất của dân thường chỉ có quyết định chung thu hồi để làm dự án này dự án khác. Luật Đất đai có quy định thu hồi đất để làm công trình công cộng khác với thu hồi đất đai để làm dự án.
Nhưng vì sao tất cả những quy định ấy không được thi hành? Đó là do cán bộ chỉ cốt làm cho xong “kế hoạch” hay còn có nguyên nhân nào khác chi phối mạnh mẽ hơn? Trong trường hợp mọi quy định, quy hoạch đều bị phớt lờ đi như vậy, người ta có đủ cơ sở để nghĩ rằng ở đây có sự chi phối rất mạnh của đồng tiền mà chúng ta thường gọi một cách văn hoa là “lợi ích nhóm”.
Ở đây còn liên quan đến một chính sách lớn nữa cần được điều chỉnh là kiểm soát quyền lực.
Ảnh: Phạm Hiếu |
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Từ năm 2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng ban hành Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Vậy căn nguyên của thực trạng chính quyền, cán bộ một số địa phương vô cảm với người dân là gì, thưa giáo sư?
Một trong những nhân tố làm cho sự xuống dốc về đạo đức, văn hóa xã hội nhanh là cán bộ lãnh đạo thiếu gương mẫu. Ngày xưa chúng ta có Bác Hồ và lãnh đạo các cấp rất gương mẫu. Mặc dù bây giờ nhìn lại, chúng ta có thể trách nhiều người lúc đó còn có khuyết điểm, nhưng họ lại có ưu điểm rất căn bản là sống vì cái chung. Họ không tham lam, không cài cắm con cái, người thân vào chỗ nọ chỗ kia. Họ không tranh thủ vơ vét. Điều kiện sống của họ, dù có những ưu đãi nhất định, nhưng cũng không hơn người dân nhiều. Chính vì cán bộ gương mẫu như thế mà người dân đã tin vào lý tưởng, tin vào chế độ và sẵn sàng hy sinh vì cái chung.
Nhưng sau này, số cán bộ gương mẫu càng lúc càng ít dần. Đó là một trong những nguyên nhân dễ thấy đã làm cho xã hội đi xuống. Nhưng liệu có thể cứu vãn đạo đức xã hội chỉ bằng gương mẫu không? Cán bộ gương mẫu là phúc của dân. Nhưng quan trọng nhất là cán bộ phải chấp hành pháp luật, phải biết tiết chế quyền lực, biết tự điều chỉnh hành vi. Để làm được điều này thì phải tạo ra được một cơ chế giám sát quyền lực hữu hiệu. Nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thì phải nhốt được quyền lực vào cái lồng cơ chế, pháp luật.
"Để giám sát được quyền lực thì phải thật thà thực thi dân chủ. Giải pháp chỉ có vậy thôi, chứ không có gì khác. Còn nói dân chủ mà dân không cầm chìa khóa cái lồng cơ chế thì quyền lực còn bị lạm dụng, cán bộ còn vô cảm và đất nước còn khó phát triển". Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết |
Thời gian gần đây, chúng ta chứng kiến nhiều cán bộ, lãnh đạo các cấp, đặc biệt là nhiều lãnh đạo cấp cao “vào lò”. Trong mỗi vụ, thấy rõ có sự móc ngoặc giữa các “ông trùm” với quan chức. Việc giám sát quyền lực có phải là mấu chốt để lấy lại niềm tin của người dân hay không?
Chúng ta không phải không có lồng cơ chế, pháp luật để nhốt quyền lực đâu. Nhưng đáng tiếc là chìa khóa lồng lại do người bị nhốt trong lồng nắm giữ.
Hiện nay, các quy định về giám sát đều có, từ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, các Nghị quyết về chức năng giám sát của Đảng, của Mặt trận Tổ quốc đến quy chế dân chủ ở cơ sở đều đã có. Nhiều cơ quan cũng rất tích cực thực hiện vai trò giám sát của mình.
Nhưng quyền giám sát sẽ không thành hiện thực được vì trong cơ chế của mình có những người đứng đầu có quyền lực vô biên. Theo các quy định của Đảng và Nhà nước thì ai cũng bị giám sát nhưng thử hỏi ai dám cãi, dám phê, dám làm trái ý người đứng đầu hoặc tập thể những người nắm giữ quyền lãnh đạo cao nhất?
Ví dụ như ở một tỉnh, ông Bí thư tốt thì người dân được nhờ, nhưng nếu bản thân ông Bí thư ấy lạm dụng quyền lực thì ai dám chống lại? Chưa kể trong quá trình làm việc, ông ta đã bố trí con cháu, người nhà, người thân tín vào tất cả các vị trí quan trọng khác thì ai lên tiếng được? Hiện tượng này xảy ra không ở ít nơi và không ở ít cấp.
Trở lại vụ Thủ Thiêm, tôi nghĩ là ở các cơ quan tham mưu, giúp việc và ngay trong tập thể lãnh đạo quận, thành phố chắc cũng có những người nhận thấy cái sai. Nhưng mấy ai dám thẳng thắn can ngăn? Nói trái, làm trái ý những người có quyền quyết định, chắc hẳn sẽ không có kết cục hay ho gì: Nhẹ nhất cũng bị đánh giá thiếu năng lực, thiếu tầm nhìn, theo đuôi quần chúng. Còn nặng hơn thì chẳng biết thế nào là cùng.
Nói như thế không có nghĩa là lúc nào, ở đâu cũng không tìm được người đứng đầu giỏi giang, gương mẫu. Nhưng nếu không xác lập được một cơ chế tốt thì mọi việc phụ thuộc vào may rủi.
Ảnh: Phạm Hiếu |
Công tác cán bộ của chúng ta hiện nay như thế nào khi điều động một người đứng đầu một địa phương để xảy ra nhiều dư luận không hay như “cả họ làm quan” hay bê bối trong giáo dục liên quan đến con cháu, hết nhiệm kỳ lại về Trung ương?
Đó là những câu chuyện điển hình của quyền lực và dư luận.
Về quyền lực, có những lãnh đạo tỉnh khẳng định ông ta không can thiệp vào việc sửa điểm thi của con. Ông ý nói đúng quá. Vì việc gì ông ấy phải làm những việc đấy. Tự ông ở Sở Giáo dục Đào tạo phải biết con ông quan kia đang học ở đâu, thi như thế nào và tự biết cách nâng điểm.
Nếu ông quan tỉnh kia nghiêm từ đầu thì liệu có xảy ra việc nâng điểm không? Ông tự hào con ông được vào top trường chuyên, nhưng đó là sức của con ông hay là nhờ danh của ông? Trường chuyên đấy vớ được con ông thì chả như vớ được vàng, phải tô vẽ lên để còn nhờ vả ông ý chứ.
Thế nên, chỉ có khi người lãnh đạo dung túng thì cấp dưới mới làm chuyện đấy, còn anh nghiêm thì chả ai dám làm cả. Vấn đề nằm ở chỗ đó.
Về dư luận, việc xử lý cán bộ cũng có những cái phức tạp. Thường thì nếu anh muốn xử lý cán bộ thì có 2 cách. Cách thứ nhất là anh phải chứng minh được những sai phạm của người ta để rồi giáng chức hoặc cách chức. Cách thứ hai là anh chưa chứng minh được, anh để cán bộ ấy đứng đầu một địa phương thì dư luận cũng chỉ là dư luận thôi.
Tất nhiên dư luận phải công minh. Theo tôi bia miệng cũng là hình thức để răn mỗi người vì người Việt Nam thường coi trọng danh dự.
Người dân Thủ Thiêm bức xúc với chính quyền TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Phúc Lập |
Thưa giáo sư, thời điểm hiện tại người dân rất quan tâm tới công cuộc “đốt lò” do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đứng đầu. Giáo sư phân tích như thế nào về công cuộc chống tham nhũng hiện nay?
Tôi đã từng có thời gian làm việc ở Quốc hội, dưới quyền của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng. Có 2 năm tôi tham gia Tổ Biên tập Văn kiện của Đại hội XI do đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, làm Tổ trưởng, đi công tác và hội họp với đồng chí nhiều lần. Tôi đã chứng kiến rất nhiều điều nói lên đạo đức gương mẫu của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.
Có một câu chuyện chính tôi từng kể trên Báo Nông nghiệp Việt Nam, nay xin kể lại.
"Cán bộ mình học không thiếu lớp gì. Lẽ ra là cán bộ thì đã phải được đào tạo đầy đủ rồi, chứ không thể làm ông nọ bà kia rồi mới lấy thời gian, lấy tiền của dân đi học, mà học xong ít chịu vận dụng. Thế nên muốn có cán bộ tốt thì phải làm tốt khâu tuyển chọn và phải xử lý nghiêm. Chỉ có mỗi pháp luật là có thể chấn chỉnh và giám sát quyền lực được". Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết |
Hồi còn đi làm, có lần mở tập công văn, giấy tờ buổi sáng, tôi thấy cái thiệp cưới của con trai đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Tôi đọc thiệp, thấy ngày cưới qua mất rồi nên rất ngạc nhiên và gọi điện hỏi Thư ký của đồng chí Nguyễn Phú Trọng tại sao Văn phòng lại chuyển thư từ chậm thế. Đồng chí Thư ký bảo: “Có lẽ anh nhầm. Đấy là thiệp báo hỷ chứ không phải là thiệp mời. Anh Trọng dặn chúng tôi cưới con xong mới được gửi thiệp báo hỷ cho các anh”.
Qua việc này, tôi thấy ông Nguyễn Phú Trọng hết sức giữ gìn, giữ từ chuyện nhỏ. Tầm cỡ như ông phải quen hàng chục nghìn người, thân cũng đến nghìn người. Đám cưới con, ông chỉ mời những người thân nhất, còn lại đều báo hỷ. Nhưng cưới con xong mới báo hỷ là rất tế nhị bởi vì một người lãnh đạo như ông mà gửi thiệp báo hỷ trước thì chắc mọi người sẽ lục tục kéo đến nhà mừng ngay.
Từ những cái nhỏ như thế mới thấy ông Nguyễn Phú Trọng là người có nếp sống rất giản dị, liêm khiết, giữ được truyền thống dân tộc, cách mạng. Đó là một điều may mắn cho Đảng, cho Nhà nước. Việc vừa rồi ông Nguyễn Phú Trọng bị ốm mà người dân quan tâm và mong cho ông nhanh khỏi bệnh là điều bây giờ hiếm có lắm. Từ cấp nhỏ đến cấp to, hiếm người được người dân trông ngóng, cầu chúc cho những điều tốt lành như thế. Đó là một dấu hiệu đáng mừng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là một người gương mẫu, liêm chính. Dĩ nhiên, người liêm chính phải ghét tệ nạn tham nhũng. Nhưng theo tôi, ông phát động và chỉ huy cuộc đấu tranh chống tham nhũng không phải chỉ vì bản tính đối lập với tệ nạn này mà là vì một điều cao cả hơn, quan trọng hơn nhiều là chấn chỉnh Đảng để Đảng tiếp tục xứng đáng với vai trò lãnh đạo, tập hợp và phát huy được sức mạnh của toàn dân, xây dựng đất nước hùng cường, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Có được một người lãnh đạo như thế là một điều may mắn nhưng cái chính là chúng ta phải có được một cơ chế để làm sao lúc nào cũng chọn ra được những người lãnh đạo như thế. Phải chọn được những người lãnh đạo biết giữ gìn, những người thực sự có đức và tài.
Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!