Trải nghiệm của những người góp sức “bắc những nhịp cầu” qua hào sâu pháp lý và định kiến, khi quan điểm của chính quyền và nhân dân ở thế đối nghịch.
Phóng viên Phùng Minh Phúc tác nghiệp tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm |
Ngày 15/4, đôi mắt của người dân hiền lành thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) bỗng trở nên giận dữ. Sự tức tối bắt nguồn một văn bản thu hồi hơn 50ha đất tại xứ đồng Sênh (thuộc thôn Hoành) của Bộ Quốc phòng để giao cho Tập đoàn Viễn thông quân đội quản lý sử dụng vào công trình quốc phòng A1 từ trước đó. Hàng loạt đơn thư tố cáo đã được gửi tới các cấp chính quyền từ huyện đến thành phố. Lãnh đạo địa phương đã bị cảnh cáo, khiển trách. Cảnh sát đã bắt nguyên chủ tịch xã và nguyên cán bộ địa chính xã Đồng Tâm.
Sau khi “điểm nóng” Đồng Tâm được hạ nhiệt vào chiều ngày 22/4, thay mặt TP Hà Nội, người đứng đầu Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong gửi lời cảm ơn sự vào cuộc đầy tinh thần trách nhiệm của các cơ quan báo chí khi thông tin chân thực và tương đối đầy đủ, toàn diện về tình hình diễn ra ở Đồng Tâm, Mỹ Đức. |
Từ cuối 2016, tình hình khiếu kiện, tổ chức các hoạt động đòi đất tại Đồng Tâm diễn biến phức tạp hơn. Sự đối ngược về quan điểm giữa người dân thôn Hoành với chính quyền ngày càng trầm trọng, mà đỉnh điểm là ngày 15/4/2017, Công an Hà Nội đã bắt giữ một số người được cho là “gây rối trật tự công cộng” đã gặp phải sự phản kháng của nhiều người dân Đồng Tâm. Sau đó 38 người thi hành công vụ đã bị bắt giữ nhằm gây sức ép để “chính quyền phải vào cuộc, giải quyết việc thu hồi, giải phóng mặt bằng được thực hiện đúng quy định”, đồng thời, đòi trả tự do cho những người bị bắt ngày 15/4.
Vụ Đồng Tâm trở thành điểm nóng điển hình về mâu thuẫn tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai. Một số đối tượng xấu đã lợi dụng, kích động, tung tin rằng đây là một cuộc bạo động.
Nhận được thông tin ban đầu, một số phóng viên đã tiếp cận hiện trường nơi xảy ra vụ việc. Thế nhưng, mọi ngả đường dẫn vào thôn Hoành đều bị khoá chặt bằng những đống đá sỏi ngổn ngang; ngọn tre, cây gỗ... Các phòng tuyến bảo vệ được bố trí thành nhiều lớp và luôn luôn có những tốp người tuần tra, lục soát, chất vấn, cản trở và sẵn sàng “xử luật rừng” với những người lạ mặt cố tình bước vào làng. Ở một diễn biến khác, mọi “cánh cổng” dẫn đến thông tin từ nhà chức trách cũng bị bít lại.
Những phóng viên “chiến trường” vẫn kiên trì bám trụ, để rồi chỉ ít ngày sau đó cầu nối đã được thiết lập để góp tiếng nói công tâm lên công luận, nỗi niềm của người thôn Hoành tuôn ra như dòng thác, chẳng thể ngăn được. Phóng viên, nhà báo, với họ không còn là… đối tượng phải xua đuổi, xa lánh. Họ thậm chí còn “tiếp tế” đồ ăn, thức uống và chỗ ở cho chúng tôi trong những ngày tác nghiệp ở Đồng Tâm.
Cán bộ, chiến sĩ được thả sau khi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đối thoại thành công với nhân dân Đồng Tâm |
Hoá ra, những người nông dân hiền lành, thật thà chưa hề “biến chất”. Họ không phải là “phần tử” chống đối Đảng, Nhà nước được những thế lực xấu thêu dệt.
Trong những ngày sục sôi ấy, ở Đồng Tâm không chỉ diễn ra một cuộc đối thoại (giữa lãnh đạo thành phố Hà Nội với nhân dân thôn Hoành tại hội trường UBND xã Đồng Tâm) mà có rất nhiều cuộc đối thoại gián tiếp, được các cơ quan thông tấn, báo chí tổ chức trên mặt báo và sóng vô tuyến truyền hình. Cuối cùng, những tư tưởng khác biệt cũng đã tìm được tiếng nói chung. Vụ việc ở Đồng Tâm dù chưa có hồi kết, nhưng báo chí đã góp phần quan trọng trong việc “hạ nhiệt” các “điểm nóng” về tranh chấp, mâu thuẫn giữa chính quyền và nhân dân với tinh thần phản ánh thông tin khách quan, trung thực và đa chiều.
Chúng tôi viết lên chia sẻ này chỉ để chuyển tải một thông điệp rằng: Dù ở xã hội nào, hoàn cảnh nào, những nhà báo dũng cảm, “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” vẫn luôn là động lực quan trọng góp phần vào sự phát triển, hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.