Với mục tiêu là chuyển giao kỹ thuật vận hành hồ, đập bằng công nghệ đến từ Nhật Bản theo hình thức thương mại hóa, trong những năm qua, liên danh KIV - Weatherplus đã xây dựng nền tảng kỹ thuật số để phát triển những bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định vận hành hồ chứa.
Ông Hà Ngọc Tuấn - Phó Giám đốc Công ty KIV, đại diện liên danh KIV - Weatherplus đã triển khai hệ thống ra quyết định hỗ trợ vận hành tại các hồ thủy điện tại Việt Nam trong 5 năm qua, hiện nay liên danh KIV - Weatherplus đang vận hành thử nhiệm và vận hành chính thức 40 thủy điện. Số liệu đã cho thấy công nghệ này mang lại hiệu quả về mặt kinh tế, giúp nâng cao thu nhập của các nhà máy thủy điện từ 3-10%, tùy vào quy mô của thủy điện, hồ chứa”.
Đối với những lưu vực chịu cường độ lũ lớn, các hồ chứa sử dụng công nghệ hỗ trợ ra quyết định vận hành hồ chứa đến nay đều cho kết quả vận hành an toàn. Việc cảnh báo lũ, chuẩn bị quy trình vận hành lũ đã được thực hiện trơn tru nhờ sử dụng công nghệ vận hành. Qua đó giúp đưa ra cảnh báo về mưa lũ cho chính quyền địa phương và người dân.
“Năm 2018 được coi là năm ít mưa tại tỉnh Bình Định, nhờ dự báo sớm, đơn vị đã tiết kiệm được hơn 100 triệu đồng tiền nước tưới cho vụ đông xuân năm 2019 tại hồ thủy lợi Định Bình, đây là kết quả rất khả quan trong việc vận hành hệ thống hồ thủy lợi”, ông Hà Ngọc Tuấn chia sẻ.
Đánh giá về độ chính xác và các yếu tố ảnh hưởng của mô hình dự báo, đại diện liên danh KIV - Weatherplus cho biết: Nếu chỉ nhìn thuần túy vào mô hình dự báo và xem nó có độ chính xác như một mô hình toán thì trở ngại lớn nhất trong việc vận hành hệ thống chính là việc cơ quan quản lý nhà nước cần nâng cao độ chính xác trong dự báo mưa.
Đối với mô hình khả dụng, công tác dự báo mưa được xem là vấn đề khoa học kỹ thuật cần được cải thiện, nhưng không vì thế mà chúng ta không thể triển khai được các mô hình khả dụng. "Khả dụng ở đây có nghĩa là nó có độ chính xác và sử dụng được trong công tác vận hành hồ chứa", ông Tuấn nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hà Ngọc Tuấn, khó khăn lớn nhất của việc xây dựng các mô hình khả dụng chính là việc chúng ta đang thiếu dữ liệu quan trắc quá khứ. Hiện nay dữ liệu quan trắc quá khứ đang được dùng trong tất cả các khâu của mô hình khả dụng.
Để vận hành mô hình, người dùng phải đồng hóa các dữ liệu thời gian để tính toán, từ đó đánh giá hiện trạng của khí quyển ở trạng thái bắt đầu tính toán. Sau khi có mưal, người dùng phải số hóa số liệu đó để tiếp tục đánh giá lại một lần nữa về chất lượng đo lường.
Vấn đề hệ thống quan trắc, cụ thể là quan trắc mưa, có thể gây cản trở người dùng trong quá trình phát triển, nâng cao hiệu quả của mô hình hỗ trợ ra quyết định vận hành hồ chứa, các cơ quan chức năng cần sớm bắt tay vào việc làm tốt công tác quan trắc.
“Thực tế hiện nay nhu cầu dự báo thời tiết được các chủ hồ đặc biệt quan tâm. Làm sao để đáp ứng được điều đó chính là câu hỏi mà chúng tôi tự đặt ra cho chính mình. Tất nhiên không thể có một câu trả lời hoàn hảo ngay lập tức cho các yêu cầu này, chúng tôi cũng đã nhìn thấy nhu cầu này và đang bắt tay vào làm một cách rất bài bản”, ông Hà Ngọc Tuấn chia sẻ.