Ấn tượng với trình diễn đồng ruộng
Tại Festival quốc tế Ngành hàng lúa gạo, 91 nhà khoa học quốc tế đã đến Hậu Giang, trực tiếp xem trình diễn công nghệ cơ giới hóa gieo sạ và mô hình nông nghiệp tuần hoàn từ rơm. Sự kiện trình diễn đã thể hiện những cải tiến và đổi mới sáng tạo trong sản xuất, canh tác lúa ở vùng ĐBSCL. Các nhà nghiên cứu quốc tế có cơ hội hiểu rõ hơn điều kiện thực tế, trò chuyện cùng chuyên gia Việt Nam.
91 nhà khoa học hội tụ từ khắp nơi trên thế giới, từ các viện thành viên thuộc dự án Xuất sắc trong Nông học của Liên minh tư vấn nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR-EiA). Đây là mạng lưới đổi mới nông nghiệp lớn nhất thế giới với 14 Trung tâm nghiên cứu - phát triển và một Trung tâm nghiên cứu liên chính phủ (AfricaRice).
Điểm nhấn của buổi trình diễn là các thiết bị bay không người lái - drone dùng trong nông nghiệp. Để chào đón các đại biểu tham dự, 8 drone xếp dàn hàng ngang trên cánh đồng. Đây là những phương tiện của nhiều nhà cung cấp tại Việt Nam; công nghệ tiên tiến, đáp ứng nhiều nhu cầu sử dụng.
“Tôi rất vui khi được ở đây tại Hậu Giang, xem trình diễn đồng ruộng. Các bạn là một câu chuyện thành công về sự chuyển đổi tích cực. Chúng tôi xin cảm ơn ban tổ chức vì đã có lời mời để chiêm ngưỡng màn trình diễn công nghệ này! Thật tuyệt vời khi được ở đây. Vấn đề nền tảng mà nhà nông học chúng tôi đặt ra, là làm thế nào để nhân rộng những mô hình tuyệt vời này sang các quốc gia khác”, tiến sĩ Murat Sartas chia sẻ.
Ông Murat là nhà khoa học Thổ Nhĩ Kỳ, hiện đang sống và làm việc tại Rwanda. Lĩnh vực chính của ông là đổi mới sáng tạo, mở rộng mô hình nông nghiệp, hợp tác đa phương. Vai trò của tiến sĩ Murat trong tổ chức CGIAR-EiA là tư vấn các địa phương để đưa công nghệ đến cộng đồng.
Cũng mãn nhãn với màn trình diễn drone ứng dụng trong nông nghiệp, ông Mudereri Tawona, chuyên gia khoai tây người Zimbabwe hy vọng đất nước mình có thể sớm phủ sóng thiết bị này để bảo vệ sức khỏe người nông dân.
Ông Mudereri bày tỏ: “Không có những công nghệ này ở đất nước tôi, cũng như ở Rwanda, nơi tôi làm việc. Đây là dịp đặc biệt để xem cách làm của Việt Nam, và làm thế nào để áp dụng công nghệ nhằm cải thiện sản xuất lúa gạo. Cơ giới hóa giảm công lao động, gia tăng năng suất, đem lại hiệu quả cao hơn. Chúng tôi mong đợi các quốc gia, thông qua hợp tác Nam - Nam và hợp tác công tư, có thể cải thiện đời sống của người làm nông. Đôi bên cùng có lợi, ấm no cho mọi nhà.”
Ngành nông nghiệp châu Phi phải đối mặt với vô số thách thức, gồm năng suất thấp do khả năng tiếp cận đầu vào chất lượng hạn chế, phương pháp canh tác lạc hậu và cơ sở hạ tầng chưa phát triển. Biến đổi khí hậu gây mất mùa, đe dọa nguồn cung lương thực trong khu vực. Các vấn đề về tổn thất sau thu hoạch, vận chuyển, khó khăn trong tiếp cận thị trường cũng là rào cản với nền kinh tế nông nghiệp.
Các nhà khoa học quốc tế ghi nhận Việt Nam nổi bật là quốc gia tiên tiến với năng lực công nghệ vượt trội, nguồn nhân lực chất lượng, nguồn vốn dồi dào. Họ mong rằng Việt Nam có thể mở rộng hợp tác với các chính phủ, khối tư nhân, tổ chức quốc tế, đưa những công nghệ này tới các nước châu Phi.
Mong muốn tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật
Trao đổi sâu hơn về mô hình hợp tác Nam - Nam nhằm thúc đẩy chuyển đổi hệ thống lương thực tại châu Phi, theo ông Mandla Nkomo, Giám đốc CGIAR-EiA, đứng trước những thách thức chồng chéo tại châu Phi, nhiều chuyên gia, nhà khoa học trẻ nhận thấy cơ hội chuyển đổi hệ thống.
Trong số đó, Sáng kiến Xuất sắc về Nông học (EiA) tập trung hỗ trợ các nông hộ nhỏ. Sáng kiến với 15 viện thành viên nhận được sự quan tâm, đầu tư của các tổ chức quốc tế. Với sứ mệnh lớn để giúp nông hộ nhỏ thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu, EiA phác thảo những lộ trình đầy hứa hẹn để châu Phi phát triển nông nghiệp bền vững, góp phần tăng trưởng kinh tế. EiA đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ nâng cao năng suất, lợi nhuận cho nông dân, cải thiện sức khỏe của đất, đồng thời giảm thiểu tác động của khí hậu.
Giám đốc Nkomo giải thích khái niệm về nông học: “Chúng tôi không tập trung quá nhiều vào nghiên cứu hay phát triển công nghệ. Các viện thành viên của CGIAR đã và đang đảm nhiệm rất tốt vai trò đó. Sáng kiến Nông học Xuất sắc đặt trọng tâm vào nâng cao tri thức nhà nông. EiA lấy người nông dân làm trung tâm của quá trình phát triển toàn bộ chuỗi giá trị lúa gạo".
Ví dụ điển hình là Nền tảng lúa gạo bền vững (SRP - Sustainable rice platform). Sáng kiến SRP thúc đẩy hiệu quả sử dụng tài nguyên, khả năng phục hồi biến đổi khí hậu trong các hệ thống lúa gạo từ trang trại tới thị trường. Các quốc gia thuộc dự án được hỗ trợ chuyển đổi thị trường gạo, phát triển các tiêu chuẩn, chỉ số, ưu đãi. CGIAR khuyến khích sản xuất bền vững thông qua áp dụng rộng rãi các công nghệ tân tiến nhất, tốt nhất, bền vững xuyên suốt chuỗi giá trị lúa gạo.
Một câu chuyện thành công là Senegal. Chỉ trong vài năm, dự án SRP, cùng chuyên gia CGIAR đã đào tạo phương pháp canh tác lúa bền vững, bón phân hiệu quả cho 575 nông dân, trong đó có 162 phụ nữ.
Những dự án như vậy mở ra con đường thiết yếu cho sự chuyển đổi của ngành lúa gạo toàn cầu, đóng góp vào các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc và các mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu. Giám đốc EiA cho rằng, chính sách đóng vai trò quan trọng để chuyển giao công nghệ từ nước này tới nước khác, hướng tới sự phát triển đồng đều.
“Được biết, Việt Nam khi mới phát triển lúa gạo đã dựa nhiều vào các giống lúa từ IRRI, cũng như trao đổi công nghệ với các quốc gia khác. CGIAR và Tổ chức nghiên cứu lúa gạo châu Phi - AfricaRice nhìn vào câu chuyện thành công của nước bạn. Sự chia sẻ của Việt Nam phần nào đã giúp chúng tôi trả lời những câu hỏi lớn”, ông Nkomo cảm kích.