Chúng tôi đến vườn nhãn của ông Út Hiện đang lúc ông thu hoạch trái năm thứ 2. Giống nhãn Phát Tài của ông trồng đợt đầu tiên đã được xuất khẩu sang Mỹ.
Ông Hiện kể: "Tôi đã tiến hành chọn lọc giống này khoảng 10 năm trước, giờ có thể đưa ra cho bà con trồng đại trà, đáp ứng thị trường ngày một khó tính. Giống nhãn Phát Tài được tôi đưa ra trồng trên diện tích 6ha của gia đình và 4ha đất thuê để thay thế nhãn Edor".
Nhãn Phát Tài có nhiều ưu điểm so với các giống nhãn trước đây như khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, ít rụng trái sinh lý, năng suất cao, ít công chăm sóc, có thể xử lý ra trái nghịch vụ theo ý muốn. Thông thường giống nhãn này, thời gian bắt đầu trồng đến lúc thu hoạch khoảng 2,5-3 năm. Bình quân khoảng 30-40 trái/kg đạt loại 1 theo tiêu chuẩn hàng xuất khẩu, giá bán cao vượt hẳn so với nhiều giống nhãn khác.
Cuối năm 2019 ông thu hoạch hơn 8 tấn trái được Công ty Chánh Thu đến ký hợp đồng thu mua giá 70.000 đồng/kg để xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Nhu cầu của công ty này mỗi tuần cần 200 tấn trái để xuất khẩu nhưng ông chưa đáp ứng được. Ngoài ra, có một công ty khác đặt hàng với ông 100.000 cây giống nhãn Phát Tài để xây dựng vùng nguyên liệu.
Theo ông Hiện, về mặt cây giống ở thời điểm này sản xuất còn giới hạn. Cùng lúc cung cấp số lượng lớn như vậy thì chưa có khả năng, sang 1-2 năm nữa khi vùng trồng đủ lớn mạnh, doanh nghiệp hay nông dân cần số lượng giống lớn thì ông mới đáp ứng đủ.
Ông Út Hiện cho biết thêm, cái gì cũng vậy người tiêu dùng trong nước và kể cả người nước ngoài ăn hoài một giống nào đó mãi rồi cũng sẽ không thích. Người ta chuyển sang thử giống mới, khác lạ, ngon hơn… Với suy nghĩ đó tôi đã lai ghép bằng được giống nhãn mới, lạ, đặt tên Phát Tài để phục vụ người tiêu dùng.
Nhãn Phát Tài được ông Út Hiện lai ghép, tuyển chọn từ giống nhãn Edor và nhãn xuồng cơm vàng. Giống nhãn mới có ưu điểm là hạt nhỏ và cùi cực dày. Lập tức nhãn Phát Tài được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, theo đó ông đang lên phương án liên kết với bà con nông dân trong, ngoài tỉnh để xây dựng vùng nguyên liệu. Nếu nông dân chấp nhận tham gia chuỗi liên kết sẽ được ông đứng ra hỗ trợ bán cây giống, phân bón trả chậm, có kỹ thuật viên hướng dẫn cách trồng…, thu hoạch được bao tiêu sản phẩm.
Sau 2 năm ông Út Hiện xây dựng dựng vùng liên kết với nông dân trồng nhãn ở khu vực ĐBSCL và miền Đông được khoảng 50ha. Ngoài ra mỗi năm ông bán hàng ngàn cây giống với giá 300.000 đồng/cây vẫn không đủ nhu cầu.
Ông Út Hiện nhớ lại: Sau nhiều năm tôi lăn lộn, ăn cùng sống cùng với nhãn tôi đã thành công xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi con ăn học và cuối cùng gả vợ dựng chồng cho mấy đứa cũng nhờ nó. Không dừng ở đó, vì mê nhãn tôi âm thầm tìm tòi để tạo ra giống mới. Và gần đây, khi giống nhãn Phát Tài của ông được bảo hộ đến 25 năm, Cục Trồng trọt cấp ngày 21/11/2019 khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.
“Điều kiện thổ nhưỡng tại hạ lưu sông Cửu Long phù hợp với cây ăn trái vì có nước tưới tiêu, được cung cấp phù sa hằng năm, thời tiết phù hợp rải vụ quanh năm nên chúng ta phải tận dụng để né tránh vùng trái cây khác. Nếu ổn định thì tương lai giống nhãn này sẽ thay thế dần một số giống nhãn khác tại Việt Nam” - ông Út Hiện nói.
Ông Võ Đình Trọng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Thành (Đồng Tháp) cho biết: Huyện có diện tích trồng nhãn khá lớn trong khu vực ĐBSCL, diện tích 3.766ha với nhiều giống nhãn nổi tiếng như: Edor, thanh nhãn, nhãn xuồng cơm vàng hạt lép… và gần đây xuất hiện thêm giống nhãn Phát Tài do ông Phạm Hữu Hiện trồng và nhân giống.
Tuy nhiên, giống nhãn Phát Tài còn khá mới nên việc nhân rộng trồng tại địa phương còn khiêm tốn so với các giống nhãn khác. Theo đánh giá của ngành chuyên môn giống nhãn này có nhiều ưu điểm như cứng cây, trái sai, độ ngọt vừa, cơm dày, ráo nước, hạt nhỏ…, vừa qua đã được xuất khẩu sang Mỹ thông qua DN Chánh Thu.