Tại TP.HCM, Tổng cục Thuế vừa tổ chức Hội nghị đối thoại trực tiếp với người nộp thuế 5 địa phương phía Nam, gồm: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An, với mục tiêu kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế trong việc thực hiện chính sách thuế...
Tham dự diễn đàn này có đại diện của gần 300 doanh nghiệp và người nộp thuế (NNT) của 5 tỉnh, thành phố đầu tàu phía Nam. Trong đó có 80 NNT không đăng ký trước đó. Cùng dự có lãnh đạo và chuyên gia các cục thuế địa phương; lãnh đạo, chuyên gia các vụ, cục thuộc Tổng cục Thuế.
Đã gia hạn, miễn giảm thuế phí hơn 102 nghìn tỷ đồng trong 9 tháng
Theo ông Mai Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ngành thuế tổ chức chương trình đối thoại này trên tinh thần cầu thị lắng nghe, không né tránh. Qua hội nghị, cơ quan thuế nhằm mục tiêu thực sự được nắm bắt, trao đổi, giải đáp và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phản ánh của NNT trong thực tiễn thực hiện các quy định, chính sách thuế.
"Với những vấn đề chưa tháo gỡ được ngay, cơ quan thuế sẽ lắng nghe các kiến nghị của người nộp thuế để báo cáo cấp có thẩm quyền", ông Sơn nói.
Ông Mai Sơn cũng đề nghị lãnh đạo các cục thuế ở 5 tỉnh, thành phía Nam và các điểm cầu khác trao đổi thẳng thắn, kỹ lưỡng, làm rõ những vướng mắc của người nộp thuế. Từ đó có câu trả lời rõ ràng, khả thi, thấu đáo, để tạo sự hài lòng và sự nhất trí cao từ doanh nghiệp.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, thông qua đăng ký từ các doanh nghiệp, cơ quan thuế đã gửi giấy mời cho 300 doanh nghiệp; qua đó nhận được 265 câu hỏi của NNT, tập trung vào nhiều vấn đề nóng như thuế GTGT, thuế nhà thầu, thuế đất, nợ thuế, xử phạt vi phạm hành chính…
Trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, thiên tai và tác động của các vấn đề kinh tế, chính trị quốc tế đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Tổng cục Thuế cho biết, thời gian qua đã kịp thời tham mưu cho Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí và lệ phí để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp với giá trị hỗ trợ lớn và nhiều giải pháp chưa có tiền lệ.
Cụ thể, các giải pháp tập trung vào việc gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, cùng nhiều khoản phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.
Theo đó, tổng số tiền thuế, phí đã miễn, giảm, gia hạn 9 tháng đầu năm 2024 khoảng 102.676 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp lên tiếng về vấn đề hóa đơn, hoàn thuế...
Bà Ngô Thị Thùy Linh, Phó trưởng Ban quản lý rủi ro (Tổng cục Thuế) cho biết mục đích của Tổng cục Thuế khi xây dựng cảnh báo xuất hóa đơn là mong muốn hỗ trợ người bán, người mua, tránh bị xử phạt pháp luật về thuế. Theo bà Linh, hiện nay bên cạnh tờ khai thuế của doanh nghiệp, cơ quan thuế còn có thông tin từ ngoài ngành thuế như hải quan, kho bạc…
Ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp, tới đây Tổng cục Thuế sẽ tăng cường trao đổi thông tin với cơ quan hải quan để cập nhật thông tin tờ khai theo thời gian thực. Đồng thời sẽ tiến tới thu hẹp phạm vi cảnh báo rủi ro khi xuất hóa đơn, xác định đúng, trúng những doanh nghiệp có rủi ro phải ngưng sử dụng hóa đơn...
Thắc mắc về vấn đề hòa đơn, đại diện WinCommerce cho biết công ty có chi nhánh phụ thuộc cùng tỉnh với trụ sở chính. Theo đó, chi nhánh TP.HCM không đăng ký sử dụng hóa đơn, không kê khai, nộp thuế riêng mà trụ sở chính sẽ thực hiện. Điều này dẫn đến chi nhánh TP.HCM không được cấp tài khoản đăng nhập hệ thống hóa đơn điện tử, dẫn đến đơn vị không thể kiểm tra được thông tin hóa đơn ghi nhận trên hệ thống.
Về vấn đề này, ông Phạm Quang Toàn, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Tổng cục Thuế cho biết, từ lúc triển khai nghị định 123, hệ thống cung cấp công cụ để doanh nghiệp quản lý tốt hơn hóa đơn đầu vào - đầu ra, so với hóa đơn giấy trước đây. Khi đăng ký dùng hóa đơn điện tử, ngay lập tức hệ thống của cơ quan thuế sẽ cấp cho mỗi doanh nghiệp tài khoản và mật khẩu ban đầu, để truy cập vào cổng thông tin điện tử, khai thác thông tin.
Tuy nhiên, với những trường hợp như của WinCommerce, có tới 62 chi nhánh, tài khoản không thể khai thác được toàn bộ hóa đơn đầu vào và đầu ra của tất cả đơn vị.
Nhận thấy kiến nghị của doanh nghiệp phù hợp, vừa qua cơ quan thuế đã tham mưu để trình Chính phủ, nhằm sửa đổi điều 47 thuộc nghị định 123. Khi quy định được sửa đổi hoàn tất, sẽ cho phép doanh nghiệp tra cứu được toàn bộ trên tài khoản chung, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Liên quan đến vấn đề hoàn thuế, đại diện Công ty TNHH Saigon PTS cho biết, công ty này chuyên xuất khẩu hàng gốm sứ, mua hàng từ các nhà cung cấp ở khắp các tỉnh thành. Hồ sơ đề nghị hoàn thuế kỳ từ tháng 4/2021 đến tháng 6/2022 đã được xác minh. Tuy nhiên, do vướng mắc ở việc xác định tỷ lệ khoáng sản, mà cơ quan thuế TP.HCM đến nay vẫn “lúng túng" trong xử lý.
Theo vị này, nếu doanh nghiệp phải chờ đến khi tất cả hơn 20 nhà cung cấp ở các địa phương mới xác định được thì không biết sẽ phải chờ đến bao lâu. Vì vậy doanh nghiệp cho biết: "Mong Tổng cục Thuế có hướng dẫn để cơ quan thuế địa phương có hướng giải quyết sớm hơn".
Về thắc mắc của Saigon PTS, ông Mai Sơn, Phó tổng cục trưởng đã chỉ đạo Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận 1 và lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM phụ trách quận 1 phải liên hệ ngay với doanh nghiệp để trao đổi và tìm cách tháo gỡ.
Tại hội nghị, một số doanh nghiệp đã lên tiếng phản ánh về tình trạng những năm gần đây, việc hoàn thuế chậm hơn nhiều so với trước đây. Trong đó, việc xác minh hóa đơn, công ty đối tác bỏ địa chỉ kinh doanh…, khiến số thuế hoàn phải điều chỉnh nhiều lần, gây chậm trễ.
Trước thực tế này, đại diện Công ty TNHH MTV Sigma Long An đã đề nghị Tổng cục Thuế áp dụng cơ chế "luồng xanh đỏ vàng" như quy trình thông quan của bên hải quan đối với việc hoàn thuế.
Với đề nghị này, ông Mai Sơn thông tin, hiện nay Tổng cục Thuế cũng đang xây dựng quy định ưu tiên cho các doanh nghiệp tuân thủ tốt sẽ được sắp xếp hoàn thuế trước. Đó là các doanh nghiệp có bề dày hoạt động xuất nhập khẩu, có hồ sơ hoàn đã được thanh tra kiểm tra đánh giá có tính tuân thủ cao, sẽ được thực hiện thủ tục hoàn thuế nhanh hơn.
Cũng theo ông Sơn, hiện nay, có tới 80% hồ sơ thuộc diện hoàn trước. Thời gian qua không phải hoàn chậm hơn, mà yếu tố tác động là do việc sử dụng hóa đơn đầu vào liên quan hàng hóa xuất nhập khẩu của một số doanh nghiệp không đảm bảo. Thực tế là, có rất nhiều vụ án đã bị phát hiện thời gian gần đây - ông Sơn lên tiếng.