| Hotline: 0983.970.780

Gỡ khó cho người trồng hoa cúc chi

Thứ Năm 18/01/2024 , 11:30 (GMT+7)

Hải Phòng Trồng hoa cúc chi giúp hàng trăm hộ dân ở xã Thắng Thủy, huyện Vĩnh Bảo có thu nhập cao nhưng việc sơ chế sản phẩm sau thu hoạch còn nhiều khó khăn.

Vùng trồng hoa cúc chi ở xã Thắng Thủy. Ảnh: KC.

Vùng trồng hoa cúc chi ở xã Thắng Thủy. Ảnh: KC.

Xã Thắng Thủy, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng), hiện có hơn 200 hộ trồng hoa cúc chi với tổng diện tích hơn 25ha, tập trung tại 3 thôn.Trước đây, người dân chủ yếu trồng lúa, trồng rau màu, trồng ớt,… trên phần lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Do nhiều yếu tố nên hiệu quả kinh tế chưa được như mong muốn, người sản xuất nông nghiệp thường chỉ đủ ăn.

Từ năm 2017, một số hộ dân trên địa bàn xã Thắng Thủy bắt đầu đưa hoa cúc chi về trồng thử nghiệm. Hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nên cúc chi sau khi trồng ở xã Thắng Thủy thường sinh trưởng và phát triển rất tốt, trung bình người dân thu được từ 250 - 300kg hoa tươi/1 sào.

Hoa cúc chi thường được biết đến là một loài hoa đẹp thường được để trang trí vào ngày tết với nhiều ý nghĩa tượng trưng. Ngoài ra, loài hoa này còn được dùng làm dược liệu với nhiều công dụng khác nhau.

Hoa sau thu hoạch xong được thương lái, các hộ có lò sấy trong xã và Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Thắng Thủy (HTX Thắng Thủy) thu mua tại chỗ nên ít khi xảy ra tình trạng ế ẩm. Với giá dao động từ 35.000 - 40.000 đồng/kg hoa tươi, sau khi trừ chi phí, mỗi sào đem lại khoản lãi từ 10 - 15 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với cấy lúa hoặc trồng rau màu.

Bà Bùi Thị Tươi, trú tại thôn Hà Phương, mang những túi hoa cúc chi cuối vụ đến HTX Thắng Thủy để bán. Ảnh: Đinh Mười.

Bà Bùi Thị Tươi, trú tại thôn Hà Phương, mang những túi hoa cúc chi cuối vụ đến HTX Thắng Thủy để bán. Ảnh: Đinh Mười.

Tay xách gần 5kg hoa cúc tươi bán cho Hợp tác xã nông nghiệp Thắng Thủy, bà Bùi Thị Tươi, trú tại thôn Hà Phương cho biết: “Gia đình tôi có 4 thước thôi nhưng vụ này tôi thu được 50kg rồi. Bình thường chỗ đất đó tôi bỏ không nhưng từ khi trồng hoa cúc chi, mỗi vụ tôi có thêm hơn 2 triệu đồng mà gần như không phải làm gì”.

Theo UBND xã Thắng Thủy, để phát triển sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian qua, Sở NN-PTNT, UBND huyện Vĩnh Bảo, các phòng, ban chức năng liên quan và chính quyền xã đã quan tâm, giúp đỡ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hoa cúc chi.

Thông qua HTX Thắng Thủy, tháng 8/2023, sản phẩm hoa cúc chi sấy lạnh được UBND TP Hải Phòng công sản phẩm OCOP 3 sao và sau đó là phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố năm 2023.

Ông Đào Mạnh Thế - Phó Chủ tịch UBND xã Thắng Thủy khẳng định, hiệu quả kinh tế từ trồng cúc chi rất rõ, hơn hẳn trồng lúa hoặc trồng rau màu. Với 25ha trồng cúc chi như hiện tại đã giúp giải quyết việc làm cho 300 - 400 lao động.

Đóng gói sản phẩm hoa cúc chi sau khi đã được sấy lạnh ở Hưng Yên. Ảnh: Đinh Mười.

Đóng gói sản phẩm hoa cúc chi sau khi đã được sấy lạnh ở Hưng Yên. Ảnh: Đinh Mười.

Hiện tại trên địa bàn xã, ngoài phương pháp sấy lạnh do HTX Thắng Thủy thực hiện kể trên, gần 30 cở sở sấy khô hoa cúc chi trong xã còn áp dụng phương pháp sấy thủ công. Với phương pháp sấy truyền thống do người dân tự làm, sản phẩm sẽ được bán với giá từ 300 nghìn đồng/1kg trở lên.Với công nghệ sấy lạnh sẽ cho sản phẩm đẹp mắt hơn, sắc vàng của hoa được giữ nguyên bán được giá từ 800 nghìn đồng/1kg trở lên nhưng chi phí cao.

Việc sấy hoa cúc chi cũng đang gặp nhiều khó khăn do hợp tác xã chưa chủ động được máy móc, phải vận chuyển sang tận Hưng Yên để thực hiện nên chi phí khá đắt. Với phương pháp sấy thủ công, dù đảm bảo nhưng sau khi thành phẩm, màu sắc hoa sau khi sấy khô bị thẫm, không được vàng tươi.

“Bình thường người dân sẽ sấy bằng củi, phơi nắng, một số hộ mua máy sấy điện với giá trị khoảng 100 triệu đồng, hiệu quả khá tốt nhưng công suất lại hạn chế. Chúng tôi mong muốn sẽ được hỗ trợ máy sấy lạnh cho bà con để không còn ai phải sấy thủ công như bây giờ”, ông Thế chia sẻ.

Về vấn đề này, trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, bà Cao Thị Hằng - Giám đốc HTX Thắng Thủy cho biết thêm, sau khi thu mua hoa của các hộ dân, một phần sẽ được hợp tác xã đưa đi sấy theo công nghệ lạnh tại tỉnh Hưng Yên sau đó mới đóng gói để bán ra thị trường, còn một phần sẽ được bán luôn sau khi thu hoạch.

Sản phẩm hoa cúc chi đã được UBND TP Hải Phòng công nhận OCOP 3 sao. Ảnh: Cao Hằng.

Sản phẩm hoa cúc chi đã được UBND TP Hải Phòng công nhận OCOP 3 sao. Ảnh: Cao Hằng.

Công nghệ sấy lạnh không những bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, mà còn cho sản phẩm có màu sắc bắt mắt, hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Tuy nhiên, biện pháp sấy lạnh là đảm bảo nhưng kinh phí lớn, HTX chưa có. Việc này gây ra khó khăn nhất định cho quá trình sản xuất.

Mục tiêu của HTX là đưa ra các sản phẩm đến tay người tiêu dùng với giá thành vừa phải, phù hợp. Do đó, cần có giải pháp để hạn chế tối đa những chi phí không đáng có. “Năm nay chúng tôi chỉ sấy được khoảng 2 tấn hoa cúc chi khô, còn lại chúng tôi bán hoa tươi. Sấy khô thì giá trị cao hơn nhưng không có máy móc nên buộc phải làm thế, không còn cách nào”, bà Hằng bày tỏ.

Theo tìm hiểu, trên địa bàn xã Thắng Thủy, dư địa để trồng hoa cúc chi còn nhiều, ngoài phần diện tích hơn 25ha ven sông Luộc, diện tích đất sản xuất nông nghiệp và trồng rau màu rất lớn, trên 500ha. Với hiệu quả kinh tế cao từ trồng hoa cúc chi, địa phương này đang có kế hoạch mở rộng sản xuất.

Tuy vậy, với những gì đang diễn ra, song song với việc mở rộng sản xuất, điều cần thiết trước mắt là tìm giải pháp bao tiêu ổn định và có cơ sở sấy, chế biến hoa cúc chi hiện đại, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường, thay cho các biện pháp thủ công như hiện nay.

Về thông tin một số hộ dân trên địa bàn xã Thắng Thủy sấy hoa cúc chi bằng diêm sinh (có chứa lưu huỳnh), lãnh đạo UBND xã Thắng Thủy khẳng định chỉ có 2 trường hợp, hoa cúc dùng để sấy là loại xấu, gần như bỏ đi, không phải sử dụng để uống hay làm thuốc.

Sau khi được phản ánh, chính quyền địa phương đã yêu cầu 2 hộ dân dừng việc sấy hoa cúc chi bằng diêm sinh. Hiện tại, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN-PTNT Hải Phòng) đã kiểm tra, lấy mẫu đưa đi xét nghiệm để xác định các yếu tố liên quan. Nếu có vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Xem thêm
Xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2024 sẽ đạt 7,2 tỷ USD

Tổng Thư ký Vinafruit cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng từ 3,3 tỷ USD năm 2022 lên 5,6 tỷ USD năm 2023 và sẽ đạt 7,2 tỷ USD năm nay.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Hộp quà bất ngờ từ Vinamilk mang niềm vui ấm áp đến trẻ em vùng cao

'Hộp quà bất ngờ' của Vinamilk đã xuất hiện tại Trường Mầm non Sinh Long huyện miền núi Na Hang, tỉnh Tuyên Quang vào một ngày trời trở rét đậm.