Tiết kiệm 20 - 30 tỷ đồng/năm cho sản xuất hoa cúc
Lâm Đồng là một trong những địa phương có diện tích sản xuất hoa lớn nhất cả nước với khoảng 9.000 ha/năm, cơ cấu các giống hoa khá đa dạng, hoa trồng được quanh năm với chất lượng vượt trội so với các vùng sản xuất khác. Trong đó, diện tích canh tác hoa cúc khoảng 3.000 ha/năm, sản lượng đạt khoảng 1,3 tỷ cành/năm.
Trong sản xuất hoa cúc, để đảm bảo quá trình sinh trưởng, ra hoa và chất lượng cành hoa, việc bổ sung quang chu kỳ (chiếu sáng bằng điện) là điều kiện tiên quyết. Theo đánh giá, việc sản xuất mỗi ha hoa cúc phải sử dụng khoảng 1,6 nghìn bóng đèn với thời gian bổ sung quang cho hoa thương phẩm từ 30 - 35 ngày. Trong trường hợp sản xuất giống, việc chiếu sáng phải duy trì suốt mùa vụ, thời gian chiếu sáng mỗi ngày từ 7 - 8h.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa (gọi tắt Trung tâm rau hoa, thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam, đóng tại phường 12, TP Đà Lạt), ở Lâm Đồng, với diện tích khoảng 3 nghìn ha hoa cúc thương phẩm như hiện nay, mỗi năm việc sản xuất cần khoảng 4,8 triệu bóng đèn.
"Loại bóng đèn hiện nay đang được sử dụng phổ biến là đèn compact với công suất từ 20 - 25W. Đối với bóng đèn này, nếu tính tổng diện tích trên toàn tỉnh Lâm Đồng, lượng điện năng tiêu thụ dao động từ 16,8 triệu kW đến 28,8 triệu kW, tương đương với số tiền từ 33,6 - 53,7 tỷ đồng/năm. Điều này cho thấy, việc tìm ra những giải pháp chiếu sáng mới cho cây hoa cúc là rất cần thiết để giảm thiểu lượng điện năng tiêu thụ, giảm chi phí đầu tư cũng như góp phần bảo vệ môi trường", TS Nguyễn Thế Nhuận, Giám đốc Trung tâm rau hoa cho biết.
Nhận thấy điều đó, năm 2015, Trung tâm rau hoa đã phối hợp với Công ty Rạng Đông, Công ty Elcomtec của Hàn Quốc nghiên cứu và thử nghiệm bóng đèn led phục vụ sản xuất hoa cúc tại xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt.
Tại đây, Trung tâm rau hoa đã phối hợp với Hội Nông dân địa phương hỗ trợ 50 hộ dân xây dựng mô hình với tổng diện tích 5ha. Các hộ dân được hỗ trợ 70% chi phí về giống, bóng đèn led, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Cùng với đó, Trung tâm tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa cúc thương phẩm, kỹ thuật sử dụng đèn led cho nông dân.
Việc đưa đèn led vào sản xuất đã nâng cao chất lượng cành hoa cúc, giảm thấp nhất chi phí điện năng và nâng cao hiệu quả kinh tế. Sử dụng loại đèn led có công suất từ 6 - 9W giúp chi phí điện năng cho sản xuất hoa cúc giảm và có thể tiết kiệm khoảng 20 - 30 tỷ đồng/năm cho ngành sản xuất hoa cúc ở Lâm Đồng. Ngoài ra, tuổi thọ của đèn led cao hơn khoảng 15 - 20 lần so với các loại đèn khác, vật liệu sản xuất thân thiện với môi trường.
Lợi nhuận tăng thêm hơn 20%
TS Nguyễn Thế Nhuận cho biết, đối với các mô hình sử dụng công nghệ chiếu sáng bằng đèn led, hoa cúc sinh trưởng, phát triển tốt, chiều cao cây được đảm bảo. Đặc biệt, khả năng phân hóa mầm hoa, năng suất và chất lượng cành hoa tốt.
Ở các mô hình này, hoa cúc có sự phát triển đồng đều, ít bị sâu bệnh, tỷ lệ cành hoa loại A đạt trên 70%. Lượng điện năng tiêu thụ cho 1ha/vụ khi sử dụng đèn led hết khoảng 2.400kW, giảm 2/3 so với sử dụng loại đèn compact. Hiệu quả kinh tế mô hình sử dụng đèn led đạt trung bình trên 860 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt trên 400 triệu đồng/ha, cao hơn 22% so với mô hình sử dụng bóng đèn compact.
“Các bộ phận của bóng đèn led được sản xuất bằng mica, hợp kim nhôm nên tuổi thọ của bóng đèn đạt từ 50.000 - 60.000 giờ, đặc biệt cấu tạo bóng đèn led không chứa thủy ngân, do vậy rất an toàn cho môi trường và người lao động”, TS Nguyễn Thế Nhuận nói.
Theo số liệu của Hội Nông dân TP Đà Lạt, diện tích sản xuất hoa cúc ứng dụng công nghệ đèn led đến thời điểm hiện tại đạt khoảng gần 300ha. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, 100% diện tích sản xuất hoa cúc trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng sẽ ứng dụng công nghệ đèn led cho chiếu sáng bổ sung.