Còn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, những ngày này, người dân ở làng hoa cúc Nghĩa Hiệp (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi), vùng trồng hoa lớn nhất nhì miền Trung đang tất bật ở các khu vườn để chăm sóc giai đoạn “nước rút” vụ hoa Tết.
Năm nay, thời tiết khá thuận lợi, không có lũ lụt nên cúc phát triển tốt, ít hư hại, nhiều chậu cúc đã bắt đầu chớm nụ.
Không chỉ được thời tiết ủng hộ mà năm nay người trồng hoa ở vùng này càng thêm phấn khởi khi thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán tương đối cao. Nếu như ở vụ trước, phải đến đầu tháng Chạp thương lái mới dạo các vườn để chọn hoa, đặt cọc tiền thì năm nay, hoạt động mua bán này đã diễn ra khá tấp nập ngay từ đầu tháng 11 âm lịch. Nhiều nhà vườn có hoa đẹp đã được thương lái đặt cọc hết.
Đang nhổ cỏ, tỉa cành cho những chậu hoa cúc trong vườn, ông Võ Hùng (38 tuổi, thôn Thới Bình, xã Nghĩa Hiệp) cho biết, vụ này gia đình ông đầu tư hơn 100 triệu đồng để ươm trồng 1.500 chậu cúc, gấp đôi so với năm ngoài. Ngoài ra, ông còn trồng thêm khoảng 500 chậu hoa hồng để phục vụ thị trường Tết.
“Năm nay hầu như không có lũ nên số hoa của tôi cũng như người dân địa phương ít bị ảnh hưởng, phát triển xanh tốt. Hoa đẹp nên nhiều thương lái đã đến tìm mua, đặt hàng từ rất sớm. Đến nay, vườn nhà tôi đã được đặt cọc hết rồi. Bây giờ chúng tôi sẽ tiếp tục chăm sóc để hoa nở đều, đẹp. Khoảng giữa tháng 12 họ đến vận chuyển đi tiêu thụ”, ông Hùng chia sẻ.
Tương tự, 1.000 chậu hoa cúc của ông Bùi Phát (51 tuổi, trú thôn Đồng Viên, xã Nghĩa Hiệp) cũng đã được thương lái đến đặt cọc toàn bộ. Tuy vụ này chi phí thuê công lao động, phân bón, thuốc BVTV tăng hơn so với mọi năm nhưng bù lại giá bán cao hơn từ 50.000 – 200.000/chậu (tùy lớn nhỏ) nên người trồng vẫn có lãi. Những chậu nhỏ có giá khoảng 220.000 đồng, chậu loại lớn dao động trên dưới 2 triệu đồng.
Theo kinh nghiệm trồng hoa của người dân Nghĩa Hiệp, để có được những chậu hoa nở đúng thời điểm Tết thì cần có 1 quá trình chăm sóc thủ công tỉ mẫn, khéo léo. Trong trường hợp thời tiết lạnh thì cần phải chong đèn để giữ ấm cho hoa. Đặc biệt, vào thời điểm hoa bung nụ, muốn có một chậu hoa màu sắc đẹp, bông to, đều thì cần phải cắt tỉa bớt những nụ nhỏ xung quanh để cây tập trung chất dinh dưỡng nuôi những nụ chính.
Theo lãnh đạo xã Nghĩa Hiệp, làng hoa địa phương được hình thành cách đây khoảng 50 năm. Trước đây, người trồng hoa chủ yếu trồng với quy mô nhỏ lẻ nhằm kiếm thêm thu nhập lúc nhàn rỗi. Qua một thời gian, nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ nghề trồng hoa nên số lượng người trồng hoa trên địa bàn xã này đến nay đã tăng lên đến hơn 500 hộ. Đây cũng là nghề mang lại thu nhập chính cho nhiều gia đình với lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Với kinh nghiệm trồng hoa nhiều năm, chất lượng hoa đẹp nên sản phẩm hoa Nghĩa Hiệp rất được thị trường ưa chuộng. Hiện nay, hoa ở địa phương này được tiêu thụ không chỉ trong tỉnh mà còn được vận chuyển đi khắp các tỉnh thành khác ở khu vực miền Trung như: TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Tây Nguyên...
Bà Võ Thị Thịnh, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp cho biết, năm nay, toàn xã dự kiến cung ứng khoảng 300.000 chậu hoa phục vụ thị trường Tết, tăng 10% về số lượng và cao hơn 5% về giá thành so với năm trước. Đầu năm 2023 vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp bằng công nhận nhãn hiệu tập thể “Hoa Nghĩa Hiệp” và được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
“Điều này góp phần quảng bá thương hiệu cho làng hoa lan xa đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước, tạo cơ hội làm giàu cho nông dân địa phương. Để nâng tầm sản phẩm, chính quyền xã đang tập trung đưa hoa lên sàn thương mại điện tử để tiêu thụ. Bên cạnh đó, triển khai thử nghiệm các loại hoa để làm trà. Hiện trà hoa cúc đã có sản phẩm và dự kiến sẽ triển khai rộng, cung cấp cho thị trường”, bà Thịnh thông tin.