Sáng 29/11, Quốc hội thông qua Luật Địa chất và Khoáng sản có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 với nhiều quy định mới.
Về nội dung đấu giá quyền khai thác khoáng sản, Luật vừa thông qua quy định khu vực không thực hiện đấu giá là khu vực khoáng sản được khoanh định để bảo đảm an ninh năng lượng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, sử dụng hiệu quả khoáng sản chiến lược, quan trọng.
Không thực hiện đấu giá với việc khai thác khoáng sản bảo đảm nguyên liệu, vật liệu cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án đầu tư công khẩn cấp, công trình, hạng mục công trình thuộc chương trình mục tiêu quốc gia.
Luật tiếp tục giao Bộ TN-MT khoanh định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, điều chỉnh khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Bộ TN-MT.
Ở địa phương, UBND cấp tỉnh sẽ tổ chức thực hiện việc khoanh định, phê duyệt, điều chỉnh khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của UBND cấp tỉnh. Chính phủ cũng được giao quy định tiêu chí khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Luật bổ sung quy định giá khởi điểm trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản được xác định bằng tỷ lệ thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của khoáng sản cùng loại ở khu vực không đấu giá. Bước giá được xác định tối thiểu là 1% và tối đa là 10% giá khởi điểm.
Luật tiếp tục quy định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản không gộp với thuế tài nguyên. Trước đó, tại Tại Luật chưa sửa đổi, việc thu tiền cấp quyền khai thác theo trữ lượng khoáng sản còn gặp nhiều bất cập như: Tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo trữ lượng khoáng sản được phê duyệt chưa đảm bảo tính chính xác; Thu tiền cấp quyền khai thác trước khi tiến hành khai thác không tạo điều kiện cho Doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ bản mỏ; Trường hợp khai thác không đủ trữ lượng được cấp phép hiện chưa có quy định việc hoàn trả tiền cấp quyền.
Luật Địa chất và Khoáng sản vừa thông qua quy định, mỗi tổ chức, cá nhân được cấp không quá 5 giấy phép thăm dò đối với một loại khoáng sản, không kể giấy phép thăm dò khoáng sản đã hết hiệu lực.
Trường hợp tổ chức được cấp vượt quá 5 giấy phép thăm dò đối với một loại khoáng sản nhằm giải quyết vướng mắc liên quan đến số lượng giấy phép thăm dò đối với khoáng sản năng lượng (than) phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bằng văn bản.
Về thời hạn giấy phép khai thác, Luật sửa đổi quy định: giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn không quá 30 năm và có thể được gia hạn nhiều lần, nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 20 năm, tổng cộng là 50 năm, bằng với thời gian thực hiện dự án đầu tư thông thường theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Luật khoáng sản sửa đổi cũng phân công, phân cấp và cải cách thủ tục hành chính. Theo đó, trên cơ sở công dụng và mục tiêu quản lý, phân nhóm khoáng sản để có cách tiếp cận phù hợp từ khâu quy hoạch đến cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, cho phép thu hồi khoáng sản, đóng cửa mỏ. Trên cơ sở này, quy định phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, cải cách thủ tục hành chính phù hợp với từng nhóm khoáng sản tại các chương khác của dự thảo Luật. Đối với khoáng sản nhóm IV, không yêu cầu phải thực hiện thủ tục thăm dò, khai thác, chỉ cần đăng ký khai thác.
Một số điểm mới của dự thảo Luật gồm: Quy định về điều tra cơ bản địa chất (Chương III); Phân nhóm khoáng sản (Điều 7 và Chương VI); Tăng cường phân công, phân cấp cho chính quyền địa phương (chi tiết thể hiện tại mục V); Bổ sung và làm rõ các hoạt động thu hồi khoáng sản, đăng ký khai thác khoáng sản nhóm IV không phải cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản; Bổ sung các trường hợp đặc thù cho phép khai thác khoáng sản không phải có Quy hoạch khoáng sản (khai thác khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ, thu hồi khoáng sản, khai thác tận thu khoáng sản); Khai thác nước khoáng, nước nóng thiên nhiên, khai thác khoáng sản lòng sông, lòng hồ, ở khu vực biển không phải lập Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản nhưng phải thực hiện Phương án đóng cửa mỏ khoáng sản; Công nhận kết quả thăm dò khoáng sản thay vì phê duyệt trữ lượng (Điều 53).
Ngoài ra, trong dự án Luật cũng đề cập điểm mới về sử dụng vốn ngân sách từ nguồn sự nghiệp kinh tế để tổ chức thực hiện thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng; khoáng sản có giá trị kinh tế và nhu cầu sử dụng lớn (Điều 52); Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở trữ lượng khoáng sản được quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản hoặc khối lượng khoáng sản được phép khai thác, thu hồi; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu theo năm và quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế (Điều 103); Tăng cường quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển (Chương VIII); Cho phép tổ chức, cá nhân thế chấp, góp vốn quyền khai thác khoáng sản (Điều 62); Ưu tiên tổ chức, cá nhân đang khai thác hợp pháp được thăm dò xuống sâu, mở rộng để đánh giá đầy đủ, khống chế hết thân khoáng sản đối với loại khoáng sản được cấp phép mà không phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản (Điều 5).