Một buổi sáng, tôi ngồi xem Phương Bình vẽ nude, trên giấy dó. Tôi lặng im bên bàn trà. Cậu con trai của Phương Bình gặm nhấm điều gì đó qua tiếng đàn ghi ta. Rất khẽ. Rất khẽ. Khúc nhạc “Tình xa” (Trịnh Công Sơn) vang lên mỏng dính như cứa vào lòng người: “Ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại. Cuộc tình nào đã ra khơi ta còn mãi nơi đây…”. Phương Bình vẫn chúi mũi vào tờ giấy dó. Bỏ quên tôi.
Đam mê và cô đơn
Một “Đàn bà”. Hai “Đàn bà”. Ba “Đàn bà”… Tôi đếm từng bức chân dung “Đàn bà” vừa ráo nét mầu. Rồi ngắm. Lúc này Phương Bình không còn là mình nữa. Đã lên cơn “Rồ dại” với những đường cong quyến rũ trong thế giới riêng mình.
Mấy năm qua, Phương Bình tự giam hãm mình trong đó. Một câu hỏi bỗng bật lên, phía sau những góc khuất của cuộc đời lãng du ấy, hướng tới điều gì. 25 năm ở vậy, nuôi con sau nỗi đau tình cờ với cuộc tình đã ra đi. Phương Bình sống đúng như phận người đàn bà, dấn thân vào mưu sinh, quên mình. Mùi đàn bà trỗi dậy trong những giấc mơ đêm.
Có lần Phương Bình kể, cơ thể người đàn bà nõn nà trong cơn mộng du, hiện lên như một thiên thần; rồi ghé tai Phương Bình cất lên một giai điệu dịu dàng, rằng hãy mơ đi. Những hình ảnh đầy sự ám ảnh chắp cánh cho Phương Bình bay trong một không gian bao la cùng vũ điệu “Đàn bà”. Mọi đường cong bí ẩn hiện lên. Những giải lụa thần diệu quấn chặt bàn tay nhỏ bé của Phương Bình.
Khi bừng tỉnh. Mồ hôi vã ra như tắm. Phương Bình vội cầm lấy bút vẽ, hồi hộp cùng những nhịp điệu đường cong trong hoang tưởng. Lúc ấy là giời vẽ. Bàn tay như có thần linh mách bảo. Những sóng lượn hiện lên trong tranh. Mơ mộng và khát khao. Sự quyến rũ của tạo hóa và thiên nhiên ban tặng cho đàn bà. Và đó cũng là quyền lực sắc đẹp hiện sinh. Từ đó Phương Bình chỉ vẽ “Đàn bà”, Nude đầy biểu cảm, kỳ thú.
Tôi lại tiếp tục đếm những bức tranh giấy dó. Không bức nào giống bức nào. Ma lực. Hớp hồn. Đúng là vẻ đẹp của sự lãng mạn, có phần nổi loạn như Phương Bình đã vẽ, trực diện và kiêu hãnh. Buổi sáng nay cũng vậy, đó là sự lên cơn, say và mơ. Tôi ngồi yên, nhâm nhi cốc cà phê, không gian cũng im lặng đến tê người.
Nếu tính cho đến nay, Phương Bình đã vẽ được tới cả ngàn bức, mang tên “Đàn bà”. Mỗi bức là một sự quyến rũ khác biệt. Nhìn ngỡ là trần trụi. Có người lại cho là mê muội. Nhưng quả thật nếu xóa đi những mảng chấm phá bất ngờ, trong những đường cong ấy, có lẽ không còn là thần kỳ nữa. Lại có người nói, Phương Bình quá hồn nhiên, hoặc chỉ là một bản năng.
Nhưng không sao, Phương Bình luôn lên cơn khắc khoải như vậy, có khi cả một đêm trắng, quên trời đất. Độc thoại với chính mình. Những góc độ kỷ ảo của cơ thể đàn bà, luôn luôn bất ngờ cả với Phương Bình. Có những bức chưa kịp khô mầu, Phương Bình bỗng quay với tay lấy lại, thốt lên: Ôi!. Rồi ngồi ngắm một hồi lâu. Sau đó thở dài.
Có lần tôi được nghe “tua” lại câu chuyện giữa hai mẹ con Phương Bình đối thoại với nhau. Cậu con trai hỏi:“Họ khen mẹ và ngưỡng mộ mẹ về cái gì?”. Ô! Đó là một câu phỏng vấn hay. Phương Bình mất cả đêm nghĩ về mình. “Ta là ai?”.
Chỉ khi cầm cây bút ngồi trước giá vẽ, Phương bình mới nghĩ ra câu trả lời con trai, rằng: “Là tôi! Tôi của một thời không biết mình là ai. Tôi của những lời khen hào nhoáng.
Biết thế. Những nhiều khi không vượt thoát được sự quyến rũ của miệng lưỡi. Nếu vậy ta là người mơ mộng. Đôi lúc phải sống với “ảo tưởng”. Vì đó là điều cần có cho những bức tranh chưa vẽ. Thế thôi!”. Có lẽ vậy chăng.
Thế giới đàn bà luôn luôn bừng thức và hiện lên toan, lên bao bố, lên gốm và giấy gió. Rồi cả đàn bà lên tượng nữa. Ngay cuộc triển lãm đầu tiên mang tên “Đàn bà”. Phương Bình, trưng bày ở TP Hồ Chí Minh (2016), đã reo lên tiếng chuông báo thức, đánh động cho cả một trường đoạn, rụt rè mơ ngủ của sắc mầu.
Bởi ai cũng thấy một chặng đường dài hai mươi năm, Phương Bình vẽ chỉ một đề tài thế giới đàn bà, đó là sự thách thức khó nhằn. Nếu không nói đó là sự hoang tưởng. Và đó là bản lĩnh, trọn một kiếp đam mê như Phương Bình, bùng nổ và khao khát.
Chính vì thế, thân phận đàn bà đã hiện lên, với những cung bậc khác nhau như: “Hai nửa đau”, “Cái bóng tôi”, “Tôi với tôi cạn ly”; Hoặc “Kiếp luân hồi”, “Hoang mạc”; hay “Tự họa”, “Người chim”…cùng với đó còn cả một loạt tranh “Em và sen”.
Cả ngàn bức “Đàn bà” nude đã hiện lên trong ánh sáng chớp lóe, mơ mộng nhất. Đam mê và cô đơn, đã làm nên một Phương Bình, với “Đôi bàn tay lạc tới thiên đường” (câu thơ của nữ sĩ Bình Nguyên Trang viết tặng Phương Bình).
Tôi sực nhớ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã bày tỏ: “Như thế, với cuộc đời, tôi đã ôm một nỗi cuồng si bất tận. Mỗi đêm, tôi nhìn trời đất để học về lòng bao dung. Nhìn đường đi của kiến để viết về sự nhẫn nhục…”. Đó cũng chính là “nỗi cuồng si bất tận” của Phương Bình.
Mộng mị với “đàn bà”
Có không ít người nghĩ rằng, giới tính của Phương Bình có điều nghi hoặc, và bí ẩn. Nhiều câu hỏi ngớ ngẩn, đầy tò mò rằng: Phương Bình có nỗi niềm bí ẩn gì chăng. Tại sao lại mê vẻ đẹp của đàn bà.
Họ có biết đâu việc tìm ra con đường đến với hội họa, và nung nấu ý chí theo đuổi cho đến hơi thở cuối cùng, mới tạo nên một gương mặt nghệ thuật đặc sắc. Không hề dao động trước mọi dư luận và đồn thổi, Phương Bình đã sống và vẽ như thần linh mách bảo, trong mọi góc độ sáng tạo. Với bất cứ chất liệu nào, Phương Bình cũng tôn vinh nét đẹp tinh khiết của “Đàn bà”, ở các cung bậc được chiếu sáng.
Đúng như họa sĩ Lê Thiết Cương đã viết về Phương Bình: “Chất liệu thì thay nhưng đề tài vẫn giữ nguyên, vẫn là những người đàn bà, vẫn những hình thể ấy, thậm chí vẫn là những câu chuyện ấy nhưng Phương Bình đã kể bằng một cách kể mới, với nhiều suy tư, nhiều ám ảnh, nhiều dấu hỏi hơn trước”.
Thế giới đàn bà của Phương Bình tạo được ấn tượng, vượt ra khỏi sự lõa thể tầm thường, luôn phảng phất nỗi buồn, sự cô đơn, và kể cả sự nổi đóa, dữ dội. Mỗi bức “Đàn bà” là một giai điệu của tâm hồn người nghệ sĩ. Không hề bi phẫn. Không hề tàn phai.
Rồi lại có lần, tôi được nghe thêm câu chuyện giữa Phương Bình với con trai, về nỗi nhọc nhằn của công việc. Ký ức một chặng đường dài. Khốc liệt. Mộng mơ. Cậu con trai lớn dần theo năm tháng. Phương Bình vừa ru con vừa vẽ cùng với nỗi cô đơn của mình. Ngày lại ngày. Đêm lại đêm. Phương Bình đã ôm con vẽ trong nước mắt rơi xuống mặt toan. Giấu đi những nỗi niềm thầm kín để nuôi con và để vẽ.
Lại còn những năm tháng cắp sách tới trường học. Tốt nghiệp đại học Mỹ thuật (2007). Hoàn thành luận văn thạc sĩ (2012). Trở thành giảng viên đại học. Phương Bình không bao giờ kêu ca phàn nàn. Đến khi trưởng thành, cậu con trai bao đêm tận mắt xem mẹ vẽ, say mê không hề mệt mỏi, cậu đã dần hiểu rằng, hội họa là thế giới của mẹ. Thấy mẹ dấn thân, bay bổng trong sắc màu, cậu đã hiểu thế nào là lẽ sống, và thấy yêu đời.
Cách đây không lâu, trong một ngày vui, chàng trai khôn lớn đã viết cho mẹ: “Mẹ yêu! Chúc mẹ một ngày lễ vui vẻ, hạnh phúc như một đứa trẻ nhé. Yêu. Yêu…”. Phương Bình đã khóc vì điều đó và thốt lên: “Cảm ơn lời chúc nịnh nọt của con trai làm mẹ suýt ngất”.
Tôi chợt nghĩ đến câu nói của danh họa Picasso, rằng phải mất bốn năm để vẽ được như Raphael, nhưng phải tốn cả đời để vẽ như một đứa trẻ. Bởi những đứa trẻ bao giờ cũng sống, trong một không gian tuyệt vời, đan xen giữa ước mơ và hiện thực. Còn hạnh phúc gì hơn, khi được con trai thấu hiểu công việc và sự lao động không biết mệt mỏi của mẹ.
“Mùa biển hẹn” phía trước
Năm nay, Phương Bình bước sang tuổi 45, niềm đam mê không bao giờ với cạn. Những cơn cớ “điên rồ” nghệ sĩ vẫn luôn luôn bùng phát. Nude là nguồn dinh dưỡng của nhịp điệu tâm hồn. Phương Bình đã mở rộng sự diện kiến đó đây, tham gia nhiều triển lãm, và được một số giải thưởng. Tham gia vẽ tranh, bán đấu giá, gửi tiền làm từ thiện, hay góp sức tới nơi hải đảo xa xôi.
Đó là niềm hạnh phúc của họa sĩ. Thường những niềm vui hay nỗi buồn chợt đến, bên cạnh con trai yêu quý chia sẻ, bao giờ Phương Bình cũng nhớ đến người cha quá cố của mình. Đó là nhạc sĩ Vinh Tùng. Mỗi bức tranh mới, Phương Bình muốn tặng trước hết là cho cha.
Có lần nữ họa sĩ đã bộc bạch: “Ba là người đàn ông tuyệt vời. Dạy con tự tin để yêu quý mình. Dậy còn đặt mình thật thấp khi xa nhà cho an toàn. Nhớ ba nhiều”. Trên trang Facebook của mình, Phương Bình đã lưu giữ những bản nhạc, ca khúc của ba. Tôi cũng đã có dịp nghe bài hát “Mùa biển hẹn” của nhạc sĩ Vinh Tùng. Đó là những cung bậc tha thiết và tình yêu quê hương cháy bỏng.
Sự tiếp nối con đường nghệ thuật của cha, Phương Bình cũng ấp ủ nhiều những “Mùa biển hẹn” trong hội họa. Mấy chục năm xa quê, sống trong một ngôi nhà nhỏ xinh, nơi góc phố, giống như trong câu chuyện cổ tích vậy, Phương Bình một đời miệt mài sáng tạo.
Lúc này đây, trước mắt tôi thêm một “Đàn bà”, với làn tóc phủ xòa trên bờ vai dịu dàng. Cặp đùi nàng khép lại, trong tư thế chống tay về phía sau, tạo những đường cong thật kỳ ảo và quyến rũ. Tôi đếm đến con số 20 bức tranh Nude. Đó là sự chắt lọc tinh túy, trên những mẫu Nude mà Phương Bình đã nhập thần. Phương Bình vẽ, phó mặc cho nguồn hứng khởi điều khiển. Hẳn đó là một tâm thế thiền để vượt thoát.
Đúng như tự sự của Trịnh Công Sơn đã viết: “Sông vẫn chảy đời sông. Suối vẫn trôi đời suối. Đời người cũng để sống và hãy thả trôi đi những tị hiềm”. Thầm nghĩ, Phương Bình vẽ “Đàn bà” để sống, dâng hiến và buông bỏ mọi tị hiềm.