| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội & bi kịch những vùng đất ven đô bất động: Bài 4 - Canh tác 'trộm' trên ruộng đất cha ông để lại

Thứ Năm 09/05/2019 , 14:15 (GMT+7)

Không còn ruộng đồng, nông dân tìm mọi cách mưu sinh từ làm ô sin, quét rác thuê, thậm chí nhờ quan hệ để được canh tác trên mảnh đất từ thời cha ông.

Canh tác trộm

“Dân ngu khu đen, có quán nước bán là may rồi chứ biết kêu ai”, bà Mai vừa nói vừa vội vàng kéo dây quấn chặt tấm bạt phủ đầy bụi sắp bị gió từ bãi đất trống khu đô thị An Khánh thổi bay.

Khu đất ấy khi xưa là ruộng của vợ chồng bà Hoàng Thị Mai, ở xóm Đình, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Chục năm nay, đất ruộng màu mỡ ngày nào nay trở thành một phần dự án Khu đô thị mới An Khánh. Cũng ngần ấy năm từ ngày bị thu hồi, mảnh ruộng trở thành nơi dân ven đô cho trâu bò ăn cỏ, phần còn lại được ông Chiến, chồng bà Mai làm nơi trồng sen, nuôi cá.

Sau quán nước của bà Hoàng Thị Mai ở xã An Khánh là tấm pano của dự án bị treo suốt nhiều năm. (Ảnh: Tùng Đinh).

Dân xóm Đình bảo nhà bà Mai có mối quan hệ với xã nên mới được canh tác trên ruộng cũ. 200m2 được ông Chiến trồng sen, nuôi cá, dù có thu nhập chút đỉnh song không thể mở rộng vì đây là đất của dự án.

“5 năm trước, có mùa mưa nhà tôi mất cả trăm triệu tiền cá vì nước ngập, cá ra hết ngoài đồng”, bà Mai kể với giọng ngậm ngùi. Dự án thì treo, song việc chia lô, đắp nền, chặn đường thoát nước nội đồng khiến dân xóm Đình chịu cảnh ngập lụt mỗi khi mưa lớn nhiều năm nay. Trước kia, dân xóm Đình chưa từng chịu cảnh ngập bởi đã có hệ thống kênh mương nối với sông Đáy.

Biết rằng đắp đất làm bờ thì cá sẽ không bị trôi đi nữa, song vợ chồng ông Chiến không dám. “Thôi thì dự án người ta đã linh động cho mình rồi, làm ít ăn ít đi vậy chứ mình là dân biết sao được”, ông Chiến bảo. Trong căn lều lụp xụp bên ao sen, ông Chiến có sẵn cả những bộ quần áo công nhân, để mỗi khi dự án gọi lại đi làm việc lặt vặt như trộn xi măng, bê cát, trát mạch...

Ông Chiến thừa nhận chuyện có quan hệ như dân xóm Đình bảo, để được làm ăn trên mảnh ruộng xưa kia ông bà đã nuôi 3 đứa con ăn học nên người. Bất kể ngày mưa, ngày nắng, cứ dự án gọi là ông lại mặc bộ đồ công nhân đi làm. Đổi lại, ông được canh tác nhờ trên mảnh ruộng cũ.

Ông Chiến, chồng bà Mai, kể chuyện đi canh tác “trộm” trên mảnh ruộng đã bị thu hồi thuộc Dự án Khu đô thị mới An Khánh. (Ảnh: Tùng Đinh).

Gia đình ông Chiến thuộc dạng may mắn ở xóm Đình. Nhiều nhà khác, nay chịu cảnh chia năm sẻ bảy, đi làm thuê khắp nơi, bởi ruộng đất đã không còn.

Ông Thắng (nhân vật yêu cầu đổi tên) cay đắng kể chuyện nhiều năm trước, nhà có 4 sào ruộng bị dính toàn bộ vào dự án, mỗi sào được đền bù 47 triệu đồng. Có chút tiền, con ông lén đem đi cờ bạc, vay nặng lãi khiến ông bán nhà đi trả nợ.

Đám cho vay nặng lãi đến tận nhà ông Thắng, ngày nào cũng đổ dầu luyn trộn phân vào cửa, nhắn tin đe dọa. Từ vài chục triệu ban đầu, lãi mẹ đẻ lãi con lên đến tiền tỷ, ông Thắng hãi quá phải bán nhà trả cho yên chuyện.

“Chả phải mỗi con tôi, có nhà cả bố lẫn con cùng dính vào cờ bạc”, ông Thắng nói.

Xóm Đình còn có những gia đình, cả năm đến ngày giỗ chạp, lễ tết mới có bữa cơm đông đủ. Bố đi làm thuê, mẹ đi làm ô sin, con đi làm công nhân nơi khác, mỗi người một phương.

“Xã có cho đi học nghề sau đợt thu hồi ruộng đấy, nhưng mình nông dân đầu óc kém không học được. Mà nghề điện, may, nấu ăn này khác có phải ai cũng học lành nghề để đi làm được đâu. Tìm cách mà sống thôi”, bà Mai bảo.

Năm ngoái, bà Mai còn cả chục “đồng nghiệp” bán nước quanh khu đô thị An Khánh. Nay thì bị dự án “đuổi” gần hết, còn mỗi quán bà Mai không hiểu do may mắn nằm ở góc bãi đất bị dự án bỏ hoang, hay nhờ quan hệ mà vẫn tồn tại được.
 

Chủ đầu tư lách luật

Ông Nguyễn Bá Công, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã An Khánh, xác nhận với PV báo NNVN về thực trạng nêu trên. “Việc phê duyệt là của thành phố, ngay đến cấp huyện cũng chỉ có trách nhiệm phối hợp chứ chưa nói cấp xã. Chúng tôi đã tiếp thu ý kiến của bà con, nhiều lần kiến nghị với huyện, thành phố song thực tế là vẫn còn dự án treo. Bản thân chúng tôi và nông dân địa phương khi thấy đất bỏ hoang nhiều năm thế cũng rất xót xa”.

Nhận định về dự án Khu đô thị mới An Khánh, với tổng diện tích hơn 200ha, song còn nhiều phần bỏ hoang, ông Công nói do “vướng mắc trong điều chỉnh quy hoạch”. “Tuy nhiên cần nói thêm là có hiện tượng chủ đầu tư mua qua bán lại các hạng mục nhỏ cho nhà thầu khác, thậm chí chúng tôi cũng không biết hết được có bao nhiêu nhà thầu”. Ông Công cũng cho rằng có những người cố tình lách luật, viện cớ điều chỉnh quy hoạch khiến đất bị bỏ hoang nhiều năm.

Một góc Dự án Khu đô thị mới An Khánh, nay thành nơi chăn thả trâu. (Ảnh: Tùng Đinh).

Về tình trạng dự án treo, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho biết: “Dự án treo là tình trạng kể từ năm 2000 đến nay. Giao đất rồi nhưng chủ đầu tư không đưa vào sử dụng. Họ muốn ghim đất ở đó chờ chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác. Có nhà đầu tư lấy được đất sau đó rồi chuyển nhượng đi vì năng lực đầu tư không có. Thậm chí dự án đó chỉ vẽ ra thôi”, ông Võ nói.

GS Võ cho biết trong Luật Đất đai 2013 có quy định yêu cầu chủ đầu tư sau 12 tháng không đưa vào sử dụng hoặc sau 24 tháng sử dụng đất không đúng tiến độ thì phải đưa vào diện “treo”. Khi bị treo rồi thì cho 24 tháng nữa gia hạn. Nếu vẫn tiếp tục treo thì thu hồi đất và lấy luôn tài sản đã đầu tư trên đất.

“Tôi cho rằng cách này có phần vi hiến. Bởi vì đất đai chậm đưa vào sử dụng có nghĩa là vi phạm luật đất đai, thu hồi đất là đúng. Nhưng tài sản đầu tư trên đất mà số tài sản này được hình thành đúng pháp luật nhưng lại bị lấy thì coi như hình thức tịch thu. Điểm này trái với hiến pháp ở chỗ là nhà nước bảo hộ các tài sản của doanh nghiệp và không thực hiện quốc hữu hóa”, ông Võ phân tích.

Đầm sen do vợ chồng ông Chiến canh tác trên phần đất bị bỏ hoang chục năm nay ở Khu đô thị mới An Khánh. (Ảnh: Tùng Đinh).

Cựu quan chức Bộ TN-MT cho rằng để giải quyết tình trạng dự án treo, nên dựa trên Nghị quyết 19 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về vấn đề đất đai.

“Xử phạt hành chính nặng để đến mức những người giữ đất không thể giữ nổi. Có thể mức phạt lúc sau 12 tháng thì nhẹ, nhưng sau 24 tháng có thể gấp đôi, rồi đến năm thứ 3 vẫn ở dạng cầm chừng thì mức phạt gấp 3, 4 lần. Cho đến lúc nhà đầu tư thấy ôm đất như ôm quả bom nổ chậm thì không dám làm ăn kiểu đó nữa”.

Ông Võ bác bỏ lý do “điều chỉnh quy hoạch” theo cách nói thường thấy của các chủ đầu tư. “Có thể có ít trường hợp buộc phải thay đổi do điều chỉnh quy hoạch thì cũng đúng, nhưng cái này không phổ biến”.

Phân tích tiếp về dự án treo, ông Võ nói những người lấy được đất đều “có quan hệ tốt” với chính quyền. Mặt khác, một số người không có năng lực đầu tư, đất vào tay nhưng không biết làm gì cả vì dự án “vẽ ra chỉ để lấy đất”.

Luật sư Trương Anh Tuấn, Giám đốc Công ty luật Trường Sơn, cho rằng các doanh nghiệp để dự án treo nhiều năm nên bị đưa vào “danh sách đen”. Điều này sẽ giúp các cơ quan quản lý khi xét duyệt hồ sơ đấu thầu có thêm công cụ đo lường “sức khỏe” doanh nghiệp. “Doanh nghiệp bị đưa vào danh sách như thế sẽ gần như không có cơ hội đầu tư bất động sản”, ông Tuấn nói.

“Dân biết thì đương nhiên chính quyền cũng phải biết. Việc xử lý dự án treo trước hết thuộc trách nhiệm của chính quyền. Đã được giao dự án, được chấp thuận đầu tư mà qua 24 tháng không triển khai thì cần quyết liệt thu hồi.

Chúng ta không thể để lãng phí nguồn lực kinh tế vào các dự án treo. Người dân luôn luôn là người đứng mũi chịu sào, gánh chịu hậu quả từ dự án treo. Dự án không triển khai thì địa phương có dự án đó làm sao phát triển kinh tế xã hội, trong khi nông dân phải từ bỏ ruộng đồng.

Vấn đề ở các dự án treo là: Tại sao chính quyền chậm thu hồi dự án? Có những dự án bị kéo dài đến 10 năm, nghĩa là gấp 5 lần thời gian cho phép, vậy tại sao nó vẫn tồn tại?”.

 

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm