Hà Nội là một trong những địa phương có lượng sử dụng thuốc BVTV hàng năm/đơn vị diện tích thấp nhất cả nước. |
Áp dụng đồng bộ nhiều tiến bộ kỹ thuật IPM trong canh tác, tăng cường quản lý, thanh kiểm tra, xử phạt, xây dựng các chuỗi sản xuất kinh doanh áp dụng PGS... là những nền tảng để Hà Nội liên tục giảm sử dụng thuốc BVTV trên rau.
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Nội, để rau đảm bảo an toàn thực phẩm phải kiểm soát được dư lượng thuốc BVTV, trước tiên cần quản lý chặt chẽ việc kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV và kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV hiệu quả, đúng kỹ thuật.
Theo đó, từ năm 2009 đến nay, Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Nội cử 150 cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, kiểm tra sản xuất rau an toàn. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV đột xuất các cửa hàng, công ty, chi nhánh trên địa bàn.
Chi cục cũng phối hợp với Công an và gửi văn bản thông báo đến địa phương, chỉ đạo các trạm BVTV thành lập 21 đoàn kiểm tra liên ngành, chỉ đạo, hướng dẫn thành lập 423 tổ kiểm tra các cửa hàng buôn bán thuốc BVTV trên địa bàn thành phố, phát hiện và xử lý phạt tiền, đình chỉ kinh doanh nhiều trường hợp vi phạm, sau đó công khai vi phạm trên đài truyền thanh huyện và xã, từ đó có tác dụng giáo dục, răn đe hiệu quả.
Có thể kể đến những mô hình IPM thực sự phát huy hiệu quả đối với bà con trồng rau an toàn như: Mô hình bẫy bả chua ngọt phòng trừ sâu khoang; bẫy dính sắc màu phòng trừ bọ rệp, bọ trĩ; chế phẩm Emina xử lý tàn dư cây trồng; bón phân hữu cơ từ khô dầu đậu tương cải tạo đất; màng phủ Passlite phòng trừ sâu bệnh hại và bọ nhảy trên rau ăn lá; bẫy pheromone, bẫy bả protein... |
Hiện ngành nông nghiệp Hà Nội đã hình thành được 35 chuỗi PGS rau tạo được lòng tin tiêu thụ rau an toàn cho người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc sản phẩm đến hộ. Số doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm tăng lên từ 112 doanh nghiệp lên 208 doanh nghiệp, số lượng tiêu thụ qua hợp đồng từ trung bình 15 tấn/ngày tăng lên trung bình 42 tấn/ngày.
Giá cả bán ra ổn định và cao hơn so với ngoài thị trường 1.000 - 2.000 đồng/kg, tránh được hiện tượng “được mùa rớt giá”. Sản phẩm của 35 chuỗi PGS được người tiêu dùng tin tưởng, thu nhập của người sản xuất tăng lên nhờ liên kết chuỗi áp dụng PGS.
Công tác thông tin, tuyên truyền đóng vai trò quan trọng, khi từ năm 2017- 2019, Chi cục đã tổ chức 63 lớp phổ biến các văn bản mới về quản lý thuốc BVTV cho gần 6.000 lượt chủ cửa hàng và người bán hàng thuốc BVTV. Phối hợp với đài truyền thanh cấp xã tổ chức tuyên truyền trên 48.000 lượt phổ biến các quy định về buôn bán, sử dụng VTNN, thuốc BVTV.
Đặc biệt, Chi cục phối hợp với UBND cấp xã tổ chức ký cam kết đối với 100% số cửa hàng buôn bán giống cây trồng, phân bón và thuốc BVTV.
Ông Nguyễn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội chia sẻ, từ các hoạt động đồng bộ trên đã thay đổi căn bản tập quán canh tác và sử dụng thuốc BVTV của nông dân.
Kết quả điều tra cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học trên địa bàn Hà Nội đạt khoảng 60%, giảm 30% trên tổng số lần sử dụng thuốc. Chi phí sử dụng thuốc BVTV giảm 50%, thời gian cách ly khi thu hoạch được bà con tuân thủ ở mức cao nhất.
Đặc biệt, lượng thuốc BVTV sử dụng trên các cây trồng của Hà Nội, trong đó có rau là 360 tấn, chỉ bằng 0,3% so với toàn quốc là 116.500 tấn. Tỷ lệ mẫu rau phân tích vượt dư lượng thuốc BVTV tối đa cho phép thấp, khi hàng năm phân tích 800 - 1.000 mẫu rau, chỉ có khoảng 1 - 2% mẫu vượt dư lượng thuốc BVTV tối đa cho phép.
Hiện ngành nông nghiệp Hà Nội đã hình thành được 35 chuỗi PGS rau. |
Nhờ áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật nên dù giảm sử dụng thuốc BVTV, song năng suất rau của Hà Nội tăng gần 31% (năm 2008: 16 tấn/ha/vụ, năm 2019: 21 tấn/ha/vụ), sản lượng rau tăng xấp xỉ 41% (năm 2008: trên 492.000 tấn, năm 2019: gần 693.000 tấn), sản lượng rau an toàn đạt gần 400.000 tấn/năm, đáp ứng 40% nhu cầu tiêu dùng, giá trị sản xuất đạt từ 300 - 500 triệu đồng/ha/năm.
Riêng tại các vùng che phủ nilon, nhà lưới trồng rau trái vụ, màng phủ Passlite tăng thêm 3 - 5 vụ/năm (rau cải 5 vụ, su hào 3 vụ), hiệu quả kinh tế tăng thêm 600 triệu đồng/ha/năm, giá trị sản xuất đạt 1 tỷ đồng/ha/năm, có diện tích đạt 2 tỷ đồng/ha/năm (Yên Viên, Gia Lâm), giá trị sản xuất rau an toàn cao hơn sản xuất rau thường từ 10-20%.