| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội thí điểm thành lập 3 trung tâm dịch vụ nông nghiệp

Thứ Tư 26/10/2022 , 21:04 (GMT+7)

Các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện: Chương Mỹ, Mê Linh, Thanh Trì có 16 nhiệm vụ, quyền hạn.

Thí điểm thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành các Quyết định số: 3876/QĐ-UBND, 3879/QĐ-UBND, 3880/QĐ-UBND về thí điểm thành lập trung tâm dịch vụ nông nghiệp. Thời gian thực hiện thí điểm trong 3 năm (từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2025).

Theo Quyết định số 3876/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội, thí điểm thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chương Mỹ thuộc UBND huyện Chương Mỹ trên cơ sở hợp nhất Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Chương Mỹ thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Chương Mỹ thuộc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội và Trạm Khuyến nông huyện Chương Mỹ thuộc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN-PTNT Hà Nội).

Theo Quyết định số 3879/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội, thí điểm thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh thuộc UBND huyện Mê Linh trên cơ sở hợp nhất Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Mê Linh thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Mê Linh thuộc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội và Trạm Khuyến nông huyện Mê Linh thuộc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN-PTNT Hà Nội).

Theo Quyết định số 3880/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội, thí điểm thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thanh Trì thuộc UBND huyện Thanh Trì trên cơ sở hợp nhất Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thanh Trì thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Thanh Trì thuộc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội và Trạm Khuyến nông huyện Thanh Trì thuộc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN-PTNT Hà Nội).

Các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện: Chương Mỹ, Mê Linh, Thanh Trì có 16 nhiệm vụ, quyền hạn. Trong đó, tổ chức thực hiện điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo tình hình dịch bệnh trên cây trồng và dịch bệnh động vật trên địa bàn theo hợp đồng của cơ quan nhà nước, các tổ chức và cá nhân; thông báo kịp thời và đề xuất chủ trương (trừ kinh phí mua vắc xin tiêm phòng cho gia súc, gia cầm và hóa chất vệ sinh tiêu độc); hướng dẫn biện pháp kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn; đồng thời, báo cáo UBND cấp huyện và các chi cục chuyên ngành của Sở NN-PTNT theo từng lĩnh vực quản lý…

Các trung tâm phối hợp với Phòng Kinh tế huyện thực hiện các nhiệm vụ do UBND huyện giao về xây dựng chiến lược, kế hoạch, quy hoạch, chương trình, dự án phát triển dài hạn, 5 năm, hằng năm và từng giai đoạn, từng vụ về công tác chăn nuôi và thú y, trồng trọt và bảo vệ thực vật và khuyến nông tại địa phương theo quy định của pháp luật…

Trong thời gian thí điểm, Sở NN-PTNT Hà Nội không thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chăn nuôi và thú y, trồng trọt và bảo vệ thực vật trên địa bàn 3 huyện trên…

Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững

Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch hành động số 272/KH-UBND ngày 24/10/2022 về thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Thành phố sẽ tập trung phát triển nền nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, hiện đại, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh; nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất hàng hóa quy mô lớn trên cơ sở phát huy các lợi thế của từng địa phương; phát triển theo hướng nông nghiệp “xanh”, ứng dụng công nghệ cao...

Cùng với đó, thành phố nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp; phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn mới sáng, xanh, sạch, đẹp...

Về mục tiêu đến năm 2030, thành phố phấn đấu, tốc độ tăng trưởng GRDP nông, lâm, thủy sản đạt bình quân 2,5-3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động trung bình 7-7,5%;

Mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu; tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên 70%; tỷ lệ giá trị sản xuất trồng trọt mỗi năm tăng 0,4-0,7% trở lên; tỷ lệ giá trị sản phẩm trồng trọt được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết bền vững đạt từ 45% trở lên.

Phấn đấu diện tích sản xuất thực hành nông nghiệp tốt 30-40%, nông nghiệp hữu cơ đạt khoảng 2-3% tổng diện tích gieo trồng.

Thành phố cũng đặt mục tiêu, tỷ lệ giá trị sản xuất chăn nuôi tăng 4,5-5,5%/năm; sản phẩm chăn nuôi được sản xuất theo chuỗi liên kết trên 70%; tỷ trọng gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt tương ứng khoảng 70%.

Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tỷ lệ giá trị sản xuất thủy sản tăng bình quân mỗi năm 3,5-4,5%; sản xuất con giống chất lượng cao đáp ứng đủ nhu cầu trên địa bàn thành phố..

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.