| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội: Sập cống qua đê hữu sông Đáy tại huyện Mỹ Đức

Thứ Sáu 21/08/2020 , 12:29 (GMT+7)

Trưa ngày 20/8, thân đê hữu Đáy tại xã Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã bị sụt, sạt thành hố sâu với đường kính (dọc theo đê) hơn 10m, độ sâu hơn 8m.

Đê hữu sông Đáy tại địa bàn xã Bột Xuyên bị sụt, lún. Ảnh: TT.

Đê hữu sông Đáy tại địa bàn xã Bột Xuyên bị sụt, lún. Ảnh: TT.

Theo báo cáo của Tổng cục Phòng, chống thiên tai, ngày 20/8, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra sự cố sụt, sạt cống qua đê trạm bơm Tảo Khê, đê hữu Đáy (đê cấp IV), xã Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức.

Cụ thể, thượng lưu cống và một phần thân cống bị sạt, sụt kích thước 7,5x5,5m, sâu 5,5m.

Đến 10h30 cùng ngày, toàn bộ thân đê hữu sông Đáy phía trên cống đã bị sụt, sạt thành hố sâu với đường kính (dọc theo đê) hơn 10m, độ sâu hơn 8m; đường bê tông mặt đê sạt, lún từ 20-40cm.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, Hạt Quản lý đê Ứng Hòa - Mỹ Đức, UBND xã Bột Xuyên đã xử lý sự cố giờ đầu bằng giải pháp thả rọ thép và bao tải đất lấp hố sụt, đắp lại phần thân đê bị sụt.

Sự cố vỡ đê hữu sông Đáy đã chia cắt tuyến giao thông huyết mạch nối xã Bột Xuyên với xã An Mỹ. Cống qua đê hữu Đáy được xây dựng từ năm 1986, có khẩu độ rộng 1,8m, cao 2m.

Cống có nhiệm vụ tiêu thoát nước cho khoảng 250ha sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp của xã Bột Xuyên và hơn 1.000 nhân khẩu ở thôn Lai Tảo (xã Bột Xuyên).

Cống có kết cấu xây bằng đá hộc, trần bằng tấm bê tông cốt thép. Qua nhiều năm khai thác, sử dụng, cống bị xuống cấp, xảy ra sự cố vỡ đê hữu sông Đáy.

Phát hiện sự cố, xã Bột Xuyên đã huy động 150 người, vật tư, phương tiện tại chỗ xử lý ngay từ giờ đầu. Ảnh: TT.

Phát hiện sự cố, xã Bột Xuyên đã huy động 150 người, vật tư, phương tiện tại chỗ xử lý ngay từ giờ đầu. Ảnh: TT.

Nhận thấy tính chất nghiêm trọng của sự cố, đoàn công tác của Sở NN-PTNT Hà Nội, huyện Mỹ Đức và các đơn vị liên quan đã họp tại hiện trường bàn biện pháp khắc phục.

Huyện Mỹ Đức bố trí lực lượng thường xuyên theo dõi, cảnh báo cho người dân và các phương tiện qua khu vực xảy ra sự cố suốt mùa mưa bão; đồng thời, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó sự cố phát sinh trở lại...

Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ chỉ đạo Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Mỹ Đức khẩn trương nghiên cứu phương án chống úng ngập thay thế nhiệm vụ tiêu úng của Trạm bơm Tảo Khê…

Chi cục Đê điều và phòng, chống lụt bão Hà Nội nghiên cứu, tham mưu Sở NN-PTNT báo cáo UBND thành phố xem xét, đầu tư kinh phí xử lý khẩn cấp sự cố theo hướng kiên cố, bảo đảm an toàn cho tuyến đê…

Trước đó, đầu tháng 6/2020, trên địa bàn xã Hòa Xá (huyện Ứng Hòa) vừa xảy ra sự cố sụt lún, gây hư hỏng nhiều công trình của người dân. Hai gia đình đã phải sơ tán, lực lượng chức năng đang bảo vệ hiện trường, cảnh báo nguy hiểm...

Chủ tịch UBND xã Hòa Xá Dư Văn Dũng cho biết, sự cố sụt lún xảy ra ngày 28/5 trên diện tích đất ở của gia đình bà Tạ Thị Cẩm Hồng. Trước đó, gia đình bà Tạ Thị Cẩm Hồng cho ông Đỗ Văn Linh (trú tại xã Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức) thuê nhà để kinh doanh. Ông Đỗ Văn Linh thuê ông Nguyễn Văn Kiên (trú tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức) khoan giếng trên thửa đất của gia đình bà Tạ Thị Cẩm Hồng để lấy nước sinh hoạt.

Khoan sâu được 34m thì xuất hiện hiện tượng sụt lún làm 50m đường giao thông liên thôn An Hòa -Trung Hòa và cột điện hạ áp bị tụt sâu hơn 2m; gần 50m tường rào, cổng xây bằng gạch của gia đình ông Hà Ngọc Bình và bà Tạ Thị Cẩm Hồng bị đổ sập và lún nghiêng; lộ một phần móng nhà của gia đình ông Hà Ngọc Bình... Hiện sự cố sụt lún này không phát triển thêm.

Kỹ thuật xử lý giờ đầu các sự cố

Theo ông Phạm Đức Luận - Vụ trưởng Vụ Quản lý Đê điều (Tổng cục Phòng, chống thiên tai), nguyên tắc trong phát hiện, xử lý sự cố đê, đó là phát hiện sớm, xác định đúng nguyên nhân, đề ra biện pháp kỹ thuật xử lý đồng thời tổ chức xử lý sự cố chính xác ngay từ đầu thành công, đây là 3 khâu đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa quyết định kết quả công tác xử lý cứu hộ đê.

Việc xử lý ứng cứu phải được thực hiện nhanh, gọn ngay từ giờ đầu, không để sự cố diễn biến phức tạp mới xử lý khi đó sẽ bị động lúng túng, xử lý khó khăn rất tốn kém. Nếu không chuẩn bị tốt, tiến hành đồng bộ 3 khâu trong quá trình xử lý sự cố đê thì từ sự cố nhỏ có thể dẫn đến thảm hoạ.

Trong công tác hộ đê, chống lụt bão phải hết sức coi trọng tổ chức lực lượng tuần tra canh gác đê. Người tuần tra canh gác đê phải được chọn lọc kỹ, có tinh thần trách nhiệm, nắm vững về nhiệm vụ tuần tra canh gác đê và kỹ thuật xử lý đầu giờ.

Khi phát hiện được hư hỏng phải báo cáo kịp thời với người có thẩm quyền, đồng thời phải chủ động xử lý, ngăn chặn không cho sự cố phát triển xấu thêm. Bên cạnh đó, cần phải chuẩn bị đầy đủ vật tư phòng, chống lụt bão trước mùa mưa lũ.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cầm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ ký giao ước thi đua năm 2025

Ninh Thuận Khối thi đua Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 1] Tính mạng trên hết

Phần lớn quãng đời của ngư dân gắn với biển. Biển cả mênh mông, trong khi bão tố rất bất thường, sinh mạng và tài sản của ngư dân luôn bị thiên tai đe dọa…