Nguồn hỗ trợ trích từ quỹ cứu trợ của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ và các nguồn hợp pháp khác. Mức hỗ trợ cụ thể: Đối với gia đình có người chết là 15 triệu đồng/người; người bị thương nặng 5 triệu đồng/người; hỗ trợ nhà ở sập hoàn toàn 50 triệu đồng/hộ; nhà ở thiệt hại từ 80% trở lên 30 triệu đồng/hộ; nhà ở thiệt hại 50% đến dưới 80% hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ; nhà ở thiệt hại 30% đến dưới 50% hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ.
Đối với những hộ có nhà chính bị hư hỏng và các công trình phụ trợ khác dưới 30%, đề nghị các tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức khác từ huyện đến thôn, xóm, cộng đồng dân cư, dòng họ giúp đỡ cùng gia đình khắc phục để sớm ổn định cuộc sống.
Với những hộ bị lũ cuốn trôi mất 100% hoặc hư hỏng toàn bộ lương thực, thiếu đói, hỗ trợ 15kg gạo/nhân khẩu/tháng trong thời gian 3 tháng; những hộ bị trôi một phần lương thực, có nguy cơ thiếu đói thì UBND cấp xã đề xuất UBND cấp huyện quyết định hỗ trợ mức 15kg gạo/nhân khẩu/tháng, trong thời gian 1-2 tháng, từ nguồn lương thực Trung ương và các tổ chức cá nhân khác hỗ trợ.
Trên đây là những nội dung đáng chú ý trong Quyết định do Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng ký “Về việc ban hành quy định tạm thời một số nội dung về hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả bão, lũ, ổn định đời sống trên địa bàn tỉnh”.
Quyết định này ra đời rất hợp lòng dân, thể hiện sự quan tâm kịp thời của Đảng, Nhà nước đối với những mất mát, đau thương mà người dân đã phải gánh chịu bởi thiên tai thời gian vừa qua.
Theo quy định của tỉnh, đối tượng được hưởng lợi là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị thiệt hại do bão, lũ gây ra trên địa bàn tỉnh. Đây là nguồn kinh phí hỗ trợ để thực hiện ứng cứu trong bão, lũ, chia sẻ một phần khó khăn với các hộ gia đình bị thiệt hại do thiên tai để sớm ổn định cuộc sống (không phải tiền bồi thường) nên tuyệt đối không được chia đều trong nhân dân.
Quy định nêu rõ: “Việc hỗ trợ phải đảm bảo đúng đối tượng, đúng chế độ chính sách, đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng giữa các hộ có cùng mức thiệt hại trên tinh thần đoàn kết, thương yêu, đùm bọc trong cộng đồng dân cư”.
UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các hộ gia đình tự kê khai thiệt hại thực tế do bão, lũ gây ra đối với gia đình mình gửi lên thôn trưởng.
Sau đó Bí thư, thôn trưởng cùng các đoàn thể tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ, khối lượng bị thiệt hại của từng hộ; tổng hợp thiệt hại, tổ chức họp đoàn thể các hộ dân trong thôn bình xét, phân loại, đề xuất các khoản hỗ trợ đối với từng hộ dân, đảm bảo công bằng, công khai, dân chủ, minh bạch.
Bí thư, thôn trưởng và các tập thể ban công tác mặt trận thôn ký vào danh sách đề nghị gửi lên UBND cấp xã, thực hiện chi trả nguồn tiền, hàng cứu trợ cho các hộ dân sau khi có quyết định của cấp có thẩm quyền. “Nghiêm cấm việc phân chia bình quân tiền, hàng cứu trợ bão, lụt và dùng tiền cứu trợ để khấu trừ các khoản nợ, các khoản nghĩa vụ phải đóng góp của hộ dân”, trích quy định.
Đối với cấp xã, sau khi có đề xuất của các thôn, xã thành lập đoàn kiểm tra đến từng hộ dân bị thiệt hại để kiểm tra, đánh giá thực tế; tổ chức hội nghị đánh giá tình hình, xác định mức độ thiệt hại, tổng hợp kết quả bình xét của UBND cấp xã, báo cáo UBND, Ban cứu trợ cấp huyện.
Lưu ý, đối với các hộ đã được hỗ trợ trực tiếp từ các tổ chức, cá nhân, xã và thôn cần xem xét, cân đối để đảm bảo công bằng giữa các hộ có mức thiệt hại như nhau.
Bước tiếp theo, căn cứ theo Quyết định hỗ trợ của Ban cứu trợ cấp huyện, UBND, Ban cứu trợ cấp xã cùng các thôn tổ chức phân phối nguồn tiền, hành cứu trợ cho các hộ dân kịp thời, theo đúng quy định.
Ở cấp huyện, UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra, tổng hợp thiệt hại, mức độ hỗ trợ đảm bảo công bằng giữa các xã có cùng mức độ thiệt hại; chịu trách nhiệm trước UBND, Ban cứu trợ cấp tỉnh về các nội dung liên quan đến thực hiện hỗ trợ cho Nhân dân…
Quy định của tỉnh Hà Tĩnh cũng nêu rõ, nguồn kinh phí hoạt động của Ban vận động các cấp không được dùng nguồn kinh phí hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân tài trợ để chi, mà được bố trí từ ngân sách Nhà nước và từ các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định.