| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 15/05/2017 , 06:30 (GMT+7)

06:30 - 15/05/2017

Hai lão nông và 2.745 hồ sơ thương binh giả, đáng thưởng!

Hai lão nông này đã làm được một việc mà cơ quan điều tra công an tỉnh Bắc Ninh, dù được trang bị đến “tận răng”, nào quyền hạn, nào nghiệp vụ, nào phương tiện...

Bức xúc trước nạn “chạy” thương binh giả ở địa phương để hưởng chính sách, đến nỗi người bị tai nạn giao thông vỡ mặt, người bị máy tuốt lúa nghiến vào tay, thậm chí người đi đánh bạc bị công an đuổi, chạy ngã gẫy chân... cũng thành thương binh. Hai lão nông Nguyễn Công Uẩn và Nguyễn Tiến Lãng (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh), đều trên dưới 80 tuổi, đã bỏ hàng chục năm, tốn kém hàng chục triệu đồng, bất chấp sự đe dọa của những kẻ bị tố cáo và cả sự ngăn cấm của vợ con, để thâm nhập vào “đường dây” làm hồ sơ thương binh giả. Kết quả là hai cụ đã phát hiện ra 2.745 trường hợp thương binh giả. Số thương binh giả đó được Bộ LĐ-TB&XH thẩm định, và công nhận là chính xác.

Lão nông Nguyễn Công Uẩn

Có thể nói, hai lão nông này đã làm được một việc mà cơ quan điều tra công an tỉnh Bắc Ninh, dù được trang bị đến “tận răng”, nào quyền hạn, nào nghiệp vụ, nào phương tiện... nhưng cũng không làm nổi.

Con số 2.745 hồ sơ thương binh giả khiến dư luận kinh hoàng, bởi mức độ khủng khiếp của nạn thương binh giả. 2.745, đó chỉ mới là con số thương binh giả bị phát hiện ở huyện Thuận Thành và vài huyện cận kề. Nếu phanh phui hết những hồ sơ giả trên toàn tỉnh Bắc Ninh, thì con số đó là bao nhiêu? Và con số của cả 63 tỉnh, thành phố, sẽ là bao nhiêu?

Bằng việc phát hiện 2.745 hồ sơ thương binh giả, hai lão nông đã giúp ngành LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Ninh truy thu về cho ngân sách 150 tỷ đồng. Nếu không, cứ để cho 2.745 thương binh giả đó hưởng chế độ đến suốt đời, thì số tiền thuế của dân phải bỏ ra chắc chắn phải vượt con số 150 tỷ nhiều lần.

Những người không tham gia quân đội, không chiến đấu bất cứ ngày nào... không thể “bỗng dưng” trở thành thương binh được, nếu không có sự giúp sức của đội ngũ cán bộ, mà toàn là cán bộ cấp cao, những người đủ thẩm quyền ký công nhận một người là thương binh, được hưởng chế độ từ ngân sách nhà nước. Những người ký công nhận những hồ sơ thương binh giả đó không bao giờ ký không, mà chắc chắn là ký vì tiền. Nếu cứ tính mỗi bộ hồ sơ thương binh giả được ký, người muốn trở thành “thương binh” phải bỏ ra bình quân 20 triệu đồng (theo kết quả điều tra của hai cụ), thì với 2.745 bộ hồ sơ đó, số tiền đã vào túi những người có quyền ký là hơn 50 tỷ đồng. Một con số không nhỏ.

Chính vì vậy, mà dư luận có quyền đòi hỏi: Cùng với việc hủy danh hiệu thương binh của những đối tượng trên, thu hồi số tiền mà họ đã được hưởng theo chế độ về cho ngân sách, còn phải truy cứu trách nhiệm hình sự những người đã ký những bộ hồ sơ thương binh giả đó, đồng thời tịch thu số tiền bất chính mà họ đã nhận. Bởi đó rõ ràng là tham ô.

Lão nông Nguyễn Tiến Lãng

Được biết, Bộ LĐ-TB&XH đã hoàn thành hồ sơ gửi các đơn vị liên quan như UBND tỉnh Bắc Ninh, Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ)... xin ý kiến đề nghị khen thưởng hai lão nông trên. Nhưng các đơn vị đó vẫn còn phân vân.

Trời ơi. Còn phân vân gì nữa. Một thành tích như vậy mà không khen thưởng, thì còn khen thưởng ai?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm