Sách “Hải ngoại kỷ sự”, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội (2016)
Chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa
“Hải ngoại kỷ sự” có giá trị nhiều mặt chứ không chỉ riêng vấn đề chủ quyền biển đảo. Hòa thượng Thích Đại Sán (1633 – 1705) là một nhà bác học lớn, một trí thức lớn có tầm bao quát rất rộng khi sang Phú Xuân (thành phố Huế ngày nay), theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu, đã ghi chép lại khách quan, trung thực những điều tai nghe, mắt thấy trong thời gian lưu lại Việt Nam.
Theo các tư liệu lịch sử trong nước ghi chép còn lưu lại được, đầu thế kỷ 17, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã đặt ra Hải đội Hoàng Sa, trong đó lấy 70 người dân ở đảo Sa Kỳ (Lý Sơn) hàng năm ra Hoàng Sa – Trường Sa để thu lượm hải vật mang về.
Thực tế, đây là hoạt động thực thi chủ quyền, trấn giữ biển Đông, bảo vệ biển Đông từ tuyến ngoài. Điều này tư liệu của Việt Nam ghi chép khá rõ, đặc biệt tư liệu ở Sa Kỳ (Lý Sơn) rất tỉ mỉ. Do ảnh hưởng của Hải đội Hoàng Sa khá lớn cho nên được nhiều người nước ngoài đến Việt Nam ghi chép lại. Trong đó có Hòa thượng Thích Đại Sán.
“Hải ngoại kỷ sự” chép như sau: “…những cồn cát nằm thẳng bờ biển, chạy dài từ đông bắc qua tây nam; động cao dựng đứng như vách tường, bãi thấp cũng ngang mặt nước biển; mặt cát khô rắn như sắt, rủi thuyền chạm phải ắt tan tành; bãi cát rộng cả trăm dặm, chiều dài thăm thẳm chẳng biết bao nhiêu mà kể, gọi là “Vạn Lý Trường Sa” […] Thời Quốc vương trước, hằng năm sai thuyền “điến xá” (thuyền đánh cá của ngư dân – PV) đi dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các thuyền hư tất vào” (tr. 182 – 183).
Như vậy, chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không chỉ được ghi lại bằng tư liệu trong nước mà còn bằng cả tư liệu của người nước ngoài, cụ thể ở đây là Hòa thượng Thích Đại Sán, sang Việt Nam đời vua Khang Hy nhà Thanh.
Bản in “Hải ngoại kỷ sự” năm 2016 do NXB Đại học Sư phạm Hà Nội thực hiện; chịu trách nhiệm xuất bản: TS Nguyễn Bá Cường; chịu trách nhiệm nội dung: GS.TS Đỗ Việt Hùng; hiệu chú và giới thiệu: TS Nguyễn Thanh Tùng. 496 trang, khổ 17 x 24 cm. |
GS Nguyễn Quang Ngọc (ĐHQG Hà Nội) cho biết, “Hải ngoại kỷ sự” chỉ dành khoảng 1 trang ghi chép ngắn gọn về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ghi chép ngắn gọn, song “đây là cuốn sách cực kỳ quý”, ông Ngọc khẳng định.
Bản in mới nhiều giá trị
“Hải ngoại kỷ sự” được nhiều nhà nghiên cứu cả Việt Nam và thế giới biết đến, trích dẫn nhiều. Tuy nhiên, do sách được viết bằng chữ Hán cho nên rất ít người tiếp cận và khai thác. Nhận thấy tầm quan trọng của “Hải ngoại kỷ sự”, Ủy ban phiên dịch Sử liệu Việt Nam – Viện Đại học Huế đã tiến hành phiên dịch và công bố tác phẩm này.
Năm 1963, bản dịch hoàn thành và ra mắt công chúng, do nhà Hán học Nguyễn Duy Bột (hiệu hải Tiên) và Sử gia Nguyễn Phương thực hiện. Ngay khi vừa ra đời, bản dịch đã được góp ý, bình luận và cho đến gần đây vẫn được góp ý, phủ chính.
GS. Nguyễn Quang Ngọc, phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam (giữa) và TS. Nguyễn Thanh Tùng (trái) trong buổi lễ ra mắt sách Hải ngoại kỷ sự - tư liệu quý về chủ quyền biển đảo Việt Nam (Ảnh: Người đưa tin)
Kế thừa bản in năm 1963, ấn phẩm trong lần xuất bản năm 2016 của NXB Đại học Sư phạm Hà Nội có nhiều nét mới. Đầu tiên là bổ sung nguyên bản chữ Hán (được lưu tàng tại Đông Dương văn khố), vốn đã được ảnh ấn trong sách của GS Trần Kinh Hòa.
Trước đây, do điều kiện tài chính nên các dịch giả không đưa nguyên bản vào. Điều này giúp cho những nhà nghiên cứu chuyên sâu đọc được Hán văn có thể đối chiếu với văn bản gốc; đồng thời đó cũng là cách lưu truyền văn bản trong trường hợp bản gốc chẳng may bị hủy hoại.
Bên cạnh đó, TS Nguyễn Thanh Tùng (Khoa Ngữ văn – Trường ĐHSP Hà Nội) là người hiệu chú tác phẩm đã bổ sung khoảng 400 chú thích cho bản in mới so với bản in lần đầu năm 1963.
Ông còn hiệu chỉnh một số sai sót trong chế bản, in ấn ở bản in năm 1963 và cập nhật phần “đính chính” của ấn bản in năm 1963 sau khi đã phát hành.
Những nhầm lẫn, thiếu sót ở bản dịch in lần đầu tiên cũng được hiệu chỉnh. Các phần dịch sót từ nguyên bản cũng được bổ sung. Một bài giới thiệu về “Thích Đại Sán và cuốn Hải ngoại kỷ sự” đã được TS Nguyễn Thanh Tùng viết với những thông tin mới có tính tổng hợp, khái quát và dẫn nhập.
Các bài thơ được bổ sung phần phiên âm Hán Việt cho, qua đó người đọc có thể đối chiếu phần nào và thưởng thức vần điệu, âm hưởng của các bài thơ gần với nguyên tác hơn. Một số khác biệt về chính tả, phiên âm, phát âm… cũng được hiệu chỉnh cho phù hợp với tiếng Việt phổ thông hiện nay mà không ảnh hưởng đến ý nghĩa…