| Hotline: 0983.970.780

Hải Phòng có làm ngơ để doanh nghiệp xả thải trái phép?

Thứ Năm 24/09/2020 , 14:05 (GMT+7)

Kênh thủy lợi vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp vừa là nguồn cung cấp nước cho nhà máy nước bị ô nhiễm do doanh nghiệp xả thải.

Sự việc lặp lại nhiều lần, nhiều năm liền

4 năm nay, tại xã Quốc Tuấn và xã Quang Trung, huyện An Lão, TP Hải Phòng, người dân gần như đã quen với việc thi thoảng nguồn nước tại kênh Cẩm Văn 2 bỗng dưng chuyển thành màu vàng đỏ, bốc mùi tanh bất thường.

Nói là quen bởi lẽ sự việc diễn ra lặp đi lặp lại nhiều lần trong nhiều năm nay. Dù đã phản ánh bằng nhiều hình thức khác nhau, kể cả chính quyền xã có ý kiến lên huyện bằng văn bản… nhưng hiện tượng trên vẫn không được xử lí, khiến môi trường nước ô nhiễm, không chỉ cá tôm bị chết mà nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cũng ảnh hưởng.

Kênh Cẩm Văn 2, đoạn chảy qua Công ty CP mạ kẽm Amecc và Công ty Lilama 69-2 có màu vàng đỏ bất thường nhiều lần. Ảnh: Đinh Mười.

Kênh Cẩm Văn 2, đoạn chảy qua Công ty CP mạ kẽm Amecc và Công ty Lilama 69-2 có màu vàng đỏ bất thường nhiều lần. Ảnh: Đinh Mười.

Theo UBND xã Quốc Tuấn, từ năm 2017 đến nay, qua phản ánh của người dân, UBND xã này đã 4 lần kiểm tra thực tế đoạn kênh từ đê sông Đa Độ giáp Công ty CP mạ kẽm Amecc đến nhà máy nước Hạ Câu và lần nào cũng phát hiện nước ở đây có màu vàng, đỏ và có váng trên mặt nước, có dấu hiệu ô nhiễm, nghi do doanh nghiệp xả thải mà ra.

Lần đầu tiên xảy ra vào ngày 26/8/2017, lần thứ 2 xảy ra vào tháng 6/2019, lần thứ 3 xảy ra vào tháng 7/2019 và lần mới nhất là ngày 6/8/2020. Nhưng do không có thiết bị, máy móc kiểm tra nên sự việc đều được báo cáo UBND huyện An Lão cùng cơ quan chức năng bằng văn bản đề nghị xử lí, trả lại môi trường trong sạch cho đoạn kênh.

Trong đó, đáng lưu ý là tại lần xảy ra sự việc vào tháng 6/2019, sau khi nhận phản ánh của người dân về hiện tượng nói trên, chính quyền địa phương và Công ty Đa Độ đã phối hợp kiểm tra 2 cửa xả của Công ty mạ kẽm Amecc và phát hiện doanh nghiệp ngày có dấu hiệu xả thải trộm ra môi trường. Thời điểm kiểm tra không có hành vi xả thải nhưng có cặn màu vàng đỏ dính tại đầu của 2 cửa xả. Bên trong Công ty, tại bể chứa nước mạ kẽm có màu giống với nước dưới lòng kênh Cẩm Văn 2…

Tuy nhiên, cũng như những lần khác, sau một thời gian báo cáo cơ quan chức năng xem xét, xử lý, thì kết quả cuối cùng vẫn là 'không tìm ra nguyên nhân gây ra sự việc', việc nước kênh Cẩm Văn 2 đổi màu bất thường vẫn xảy ra, lặp đi lặp lại nhiều lần, gây bức xúc cho trong nhân dân.

Mép bờ ao phía trước 1 doanh nghiệp bị nghi là đơn vị xả thải ra kênh Cẩm Văn 2 cũng có màu vàng đỏ lạ thường. Ảnh: Đinh Mười.

Mép bờ ao phía trước 1 doanh nghiệp bị nghi là đơn vị xả thải ra kênh Cẩm Văn 2 cũng có màu vàng đỏ lạ thường. Ảnh: Đinh Mười.

Hơn 30 ha lúa bị ảnh hưởng, người dân bức xúc

Lần mới đây nhất (6/8/2020), hơn 1 tháng sau khi UBND xã Quốc Tuấn có văn bản báo cơ quan chức năng huyện An Lão về việc vụ việc nước kênh Cẩm Văn 2 tái xuất hiện màu vàng đỏ, ghi nhận dọc tại bờ kênh tại vị trí sát sát Công ty mạ kẽm Amecc và Công ty Lilama 69-2, mặt nước cả 1 đoạn kênh dài hơn 1km có màu vàng đỏ, có mùi tanh gỉ sắt, cây cỏ 2 bên bở kênh đều bám 1 màu vàng bất thường. Đoạn kênh này đã được chính quyền địa phương và Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đa Độ (Công ty Đa Độ) ngăn lại để không để nước ở đây lan ra.

Đoạn kênh có màu bất thường đã bị ngăn lại để tránh lan ra nguồn nước. Ảnh: Đinh Mười.

Đoạn kênh có màu bất thường đã bị ngăn lại để tránh lan ra nguồn nước. Ảnh: Đinh Mười.

Theo người dân địa phương, việc này ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp, không chỉ năng suất giảm mà vừa rồi hàng chục ha lúa bị ảnh hưởng. “Trước hôm xảy ra hiện tượng nước kênh chuyển sang màu vàng, trạm bơm có bơm nước lên thì cả đồng lúa cũng bị vàng. Bây giờ mới qua 1 trận mưa lớn thì nguồn nước phần nào được cải thiện. Kiểu gì năm nay năng suất lúa ở đây cũng kém. Trước đây, tôi cấy 1 sào được 2 tạ nhưng mấy năm gần đây không hiểu sao chỉ được ngót nghét 1 tạ/1 sào”, ông Phạm Văn Thảo, một người dân trồng lúa tại thôn Đâu Kiên, xã Quốc Tuấn chia sẻ với NNVN.

Còn về phía chính quyền, ông Trần Quang Huy – Chủ tịch UBND xã Quốc Tuấn trần tình, kênh Cẩm Văn 2 là kênh cấp 1, do Công ty Đa Độ quản lý, đoạn kênh này phục vụ tưới tiêu cho hàng chục ha đất sản xuất nông nghiệp, trước đây là nguồn cung cấp nước cho nhà máy nước Hạ Câu phục vụ sinh hoạt của nhân dân xã Quốc Tuấn. Sự việc nước kênh đột nhiên đổi màu bất thường diễn ra rất nhiều lần, từ năm 2017 đến nay. Tại khu vực đang nghi bị xả thải gây ô nhiễm nói trên có 4 công ty hoạt động gồm Công ty mạ kẽm Amecc, Công ty cơ khí xây dựng Amecc, Công ty Lilama 69-2 và Công ty xăng dầu Ngân hàng.

Trần Quang Huy – Chủ tịch UBND xã Quốc Tuấn tại buổi làm việc với PV NNVN. Ảnh: Đinh Mười.

Trần Quang Huy – Chủ tịch UBND xã Quốc Tuấn tại buổi làm việc với PV NNVN. Ảnh: Đinh Mười.

“Kênh này là nơi phục vụ nước tưới cho hơn 30ha hoa màu trên địa bàn xã, vừa rồi người dân trồng lúa cũng có phản ánh việc nước ô nhiễm ảnh hưởng đến lúa. Còn về nguồn nước, trước đây nhà máy nước Hạ Câu lấy nước ở kênh này. Hiện tại, trước sự việc như vậy, chúng tôi đã yêu cầu nhà máy nước chấm dứt việc lấy nước ở kênh này sản xuất nước sạch phục vụ người dân. Để bảo đảm môi trường cũng như việc cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và nhà máy nước Hạ Câu, UBND xã Quốc Tuấn có báo cáo và đề nghị UBND huyện An Lão, các cơ quan chức năng xem xét, xử lý và sớm có câu trả lời cho người dân”, ông Huy cho hay.

Tiếp tục ghi nhận dọc theo kênh Cẩm Văn 2, tạt vào bất cứ ngôi nhà hay gặp bắt cứ người dân nào, khi được hỏi về việc ô nhiễm trên kênh Cẩm Văn 2, đều nhận được thái độ bức xúc, nặng nề. Ông Bùi Đình Khánh, nhà ở sát kênh Cẩm Văn 2, thuộc thôn Đâu Kiên, xã Quốc Tuấn khi được hỏi đã đưa PV ra tận bờ kênh chỉ trỏ: Việc này diễn ra đã lâu, phản ánh đã nhiều lắm rồi, hết đoàn này đến đoàn khác về kiểm tra rồi nhưng sự việc vẫn vậy. Vừa qua, cá chết nổi lềnh phềnh, chết cả lá tre tiếp xúc với mặt nước.

Còn anh Nguyễn Văn Ưởng, bán hoa quả tại cầu Quốc Tuấn (bắc qua kênh Cẩm Văn 2), bức xúc cho biết: “Tôi ngồi bán hàng ở đây tôi biết rõ, nước có màu vàng đục bất thường, có mùi hôi, tanh của sắt… nói chung rất khó chịu. Hôm vừa rồi xảy ra sự việc dưới kênh có nhiều cá chết, lá cây chạm xuống mặt nước cũng chết, cái này chỉ có hóa chất gì đó thôi chứ nước bình thường không như vậy được. Cứ thế này thì chúng tôi cũng phải bỏ xứ mà đi chứ ở đây chỉ có chết dần chết mòn”.

Clip liên quan đến vụ việc do PV NNVN ghi nhận tại xã Quốc Tuấn, huyện An Lão.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.