| Hotline: 0983.970.780

Hải Phòng: Nông nghiệp phát triển, nông thôn khởi sắc

Thứ Hai 12/10/2020 , 20:10 (GMT+7)

Nông nghiệp, nông thôn của Hải Phòng những năm gần đây có nhiều chính sách ưu đãi, giúp giá trị sản xuất nông nghiệp tăng, bộ mặt nông thôn khởi sắc.

Những chính sách ưu đãi thiết thực...

Những năm qua, nghị quyết 13 và Nghị quyết 14 được xem là chìa khóa để mở toang cánh cửa cho sản xuất nông nghiệp thành phố phát triển. Đến thời điểm hiện tại, 2 nghị quyết này đã đi vào cuộc sống với những giá trị thiết thực, làm thay đổi về chất trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, nhất là trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Sau khi các nghị quyết được ban hành, công tác chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Chính phủ về phát triển nông nghiệp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong những năm qua được kịp thời, cụ thể hóa trên tất cả các lĩnh vực, gắn với thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của thành phố.

Mô hình trồng cà chua và rau sạch trong nhà kính tại huyện Kiến Thụy mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Đinh Mười.

Mô hình trồng cà chua và rau sạch trong nhà kính tại huyện Kiến Thụy mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Đinh Mười.

Nghị quyết 13 được ban hành năm 2017 với 11 cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thủy sản, kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập nông dân thành phố Hải Phòng giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025. Nghị quyết 14, ban hành năm 2017, liên quan đến việc quy hoạch Khu, Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030.

Từ những chính sách này, đến nay đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích hàng trăm ha, thu hút nhiều lao động và khuyến khích sản xuất sản phẩm có thương hiệu theo chương trình OCOP. Các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng của thành phố có giá trị và sức cạnh tranh ngày càng cao trên thị trường. Nông nghiệp công nghệ cao được ưu tiên đầu tư, Kinh tế nông thôn luôn giữ vững nhịp độ tăng trưởng, phát triển.

Theo UBND TP Hải Phòng, thông qua những ưu đãi trong phát triển nông nghiệp, hiện tại Hải Phòng đã có 12 sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP, trong đó 01 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 11 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 03 sao. Năm 2020 có 22 tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia Chương trình OCOP với tổng số 51 sản phẩm thuộc các nhóm thực phẩm, đố uống, thủ công mỹ nghệ. Thành phố đã thu hút được 12 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, 54 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Diện tích sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn ngày càng mở rộng; hình thành khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nguyên liệu cung cấp sản phẩm cho chế biến, thị trường trong nước và xuất khẩu. Thực hiện tích tụ, tập trung đất đai cho phát triển sản xuất, chuyển đổi đất trồng lúa năng suất thấp, kém hiệu quả sang sản xuất nông sản giá trị cao đạt được kết quả khả quan.

Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2020 ước đạt 15.335,9 tỷ đồng, tăng bình quân 1,5%/năm. Giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích đất nông nghiệp năm 2020 đạt 176,8 triệu đồng/ha, gấp 1,30 lần so với năm 2016, bình quân hàng năm tăng 5,48%. Đối với tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng tăng tỷ trọng thủy sản, giảm tỷ trọng nông nghiệp trong tổng giá trị sản xuất. Thu nhập bình quân đầu người trong sản xuất nông nghiệp năm 2020 đạt 56,4 triệu đồng.

Giá trị sản phẩm nông nghiệp tại Hải Phòng ngày càng được nâng cao. Ảnh: Đinh Mười.

Giá trị sản phẩm nông nghiệp tại Hải Phòng ngày càng được nâng cao. Ảnh: Đinh Mười.

Nông nghiệp, nông thôn khởi sắc

Trong đó những năm gần đây, nông thôn của Hải Phòng có nhiều đầu tư và thay đổi về chất, diện mạo nông thôn khởi sắc, trong sản xuất nông nghiệp đã chuyển mạnh sang sản xuất hàng hoá, gắn kết với thị trường và có giá trị gia tăng cao. TP Hải Phòng đã đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp và có sự chuyển dịch đúng hướng; chuyển mạnh sang sản xuất hàng hoá, gắn kết thị trường với giá trị gia tăng cao. Năng suất lúa liên tục được cải thiện qua các năm, đảm bảo an ninh lương thực, sản xuất chăn nuôi chuyển mạnh sang phương thức chăn nuôi tập trung quy mô trang trại, gắn với giết mổ, liên kết theo chuỗi giá trị và áp dụng công nghệ cao. Qua đó làm thay đổi căn bản diện mạo, điều kiện sống, sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập của người dân nông thôn.

Về xây dựng nông thôn mới, TP Hải Phòng hoàn thành trước kế hoạch đề ra 1 năm và đang tiếp tục tục triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2020 – 2025. Với cơ chế hỗ trợ xi măng, Hải Phòng đã hoàn thành 5.000 km đường nông thôn, xây dựng mới hàng nghìn ngôi nhà cho các gia đình chính sách. Thông qua chương trình này, hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn được xây dựng ngày càng hiện đại, quan hệ sản xuất ở nông thôn được củng cố và đổi mới, đã hình thành nhiều trang trại, hợp tác xã kiểu mới hoạt động có hiệu quả. Thu nhập bình quân đầu người tại khu vực nông thôn tăng dần theo các năm, năm 2015 mới chỉ đạt 39,49 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2019 đã đạt 55 triệu đồng/người/năm (tăng 18,05 triệu), trong đó cao nhất là huyện Thủy Nguyên (65,5 triệu đồng). Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 1%, giảm 4,14% so với năm 2015, giữa các huyện không có sự chênh lệch nhiều... 

Bộ mặt nông thôn Hải Phòng khởi sắc. Ảnh: Đinh Mười.

Bộ mặt nông thôn Hải Phòng khởi sắc. Ảnh: Đinh Mười.

Đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, TP Hải Phòng đã đẩy mạnh tái cơ cấu, chuyển dịch đúng hướng và chuyển mạnh sang sản xuất hàng hoá, gắn kết thị trường với giá trị gia tăng cao. Năng suất lúa liên tục được cải thiện qua các năm, đảm bảo an ninh lương thực, sản xuất chăn nuôi chuyển mạnh sang phương thức chăn nuôi tập trung quy mô trang trại, gắn với giết mổ, liên kết theo chuỗi giá trị và áp dụng công nghệ cao, giá trị sản xuất nông nghiệp tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung đạt 245 triệu/ha/năm.Thông qua những chủ trương, chính sách cụ thể, đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và hình thành mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, sản xuất những sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao. 

Ông Nguyễn Đình Chuyến – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết: Thành tích rõ nhất mà Hải Phòng đã đạt được trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong 5 năm qua có thể thấy là tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp trong đó nổi bật là các cơ chế, chính sách của thành phố để thúc đẩy tăng giá trị sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, thành phố sẽ huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng với sự quan tâm của toàn xã hội trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện các tiêu chí, có kết cấu hạ tầng hiện đại gắn với bảo tồn các giá trị truyền thống, giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy bản sắc con người Hải Phòng, qua đó sẽ giúp cải thiện trực tiếp điều kiện sống của người dân nông thôn, đảm bảo môi trường an toàn, đời sống vật chất khá giả, tinh thần phong phú.

 “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là nguồn lực, lực lượng chính của cách mạng và có vị trí chiến lược lâu dài và là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thành phố. Thực hiện Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với quan điểm Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược lâu dài và là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Hải Phòng hiện vẫn còn hơn 50% dân số và diện tích là nông thôn nên nông nghiệp, nông thôn, trong những năm tới, thành phố luôn được xác định, ưu tiên đầu tư, phát triển, nhất là xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển đô thị theo đúng mục tiêu mà Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 về phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị đề ra” – ông Chuyến nói.

Tổng vốn huy động xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 của TP Hải Phòng đạt 40.396 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhân dân đóng góp chiếm 14% (5.832 tỷ đồng). Hoàn thành chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới trước 1 năm với 100% số xã (139/139 xã) đạt chuẩn (cả nước có 55% số xã). Năm 2020, phấn đấu 100% số huyện cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới (đã có huyện Cát Hải được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới) và 8 xã nông thôn mới kiểu mẫu (mô hình thí điểm).

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

5 điểm bán sản phẩm OCOP phục vụ giỏ quà tết tại Kiên Giang

Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đến nay đã thành lập được 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, với hàng trăm giỏ quà tết được tiêu thụ mỗi ngày.

Bình luận mới nhất