| Hotline: 0983.970.780

Hầm bảo quản hải sản bằng công nghệ mới

Thứ Tư 04/10/2017 , 14:40 (GMT+7)

Tàu được trang bị hầm bảo quản bằng vật liệu Polyurethane (PU foam) giúp thời gian bảo quản kéo dài trên 20 ngày, sản phẩm vẫn đạt chất lượng.

Hiện các tàu cá ở nước ta bảo quản sản phẩm sau khai thác chủ yếu là dùng đá xay, ướp muối theo phương pháp truyền thống, thời gian vận chuyển chậm dẫn đến hao hụt lớn, gây lãng phí nguồn lợi và hiệu quả kinh tế thấp.

11-03-15_1
Hầm cá trước khi bơm PU foam

Theo cơ quan chuyên môn, công tác bảo quản sản phẩm khai thác thủy sản hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức, tổn thất sau thu hoạch vẫn ở mức cao. Trong khi các loại thủy sản như cá ngừ đại dương được xem có giá trị kinh tế cao, nếu xuất khẩu phải đạt chất lượng loại 1. Cá có trọng lượng lớn phổ biến từ 30 - 40 kg/con và quy trình, kỹ thuật bảo quản khá phức tạp ngay từ khi vừa đánh bắt. Các sản phẩm từ cá ngừ đại dương được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU… nên chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định đến sự “trơn tru” của lô hàng.

Vậy làm sao để các tàu cá có được công nghệ bảo quản sản phẩm tốt, giảm tổn thất sau thu hoạch, kéo dài thời gian bảo quản mà chất lượng sản phẩm vẫn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu? Việc ứng dụng công nghệ đóng hầm bảo quản bằng vật liệu PU foam ra đời đã đáp ứng được yêu cầu trên.

Hầm bảo quản bằng vật liệu PU foam là nhựa tổng hợp dạng bột cứng, được tạo thành từ 2 loại chất lỏng chính là Polyol và hỗn hợp các chất polymethylene, polyphenyl, Isocyanate được phối trộn với tỷ nhất định, sau đó nhờ một thiết bị chuyên dụng giúp giãn nở và lấp đầy các khoảng trống tạo thành chất bọt có tác dụng cách nhiệt rất tốt, phủ dày từ 10 - 12cm xung quanh hầm tàu.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn thực phẩm, sau khi phun đầy PU foam vào khoảng trống ở xung quanh hầm bảo quản, tiếp đến tiến hành bọc Inox 304 vào vách hầm để sản phẩm không tiếp xúc với ván vỏ tàu; đồng thời dễ dàng cho công tác vệ sinh sau mỗi chuyến biển.

Tàu được trang bị hầm PU foam, thời gian bảo quản tăng từ 7 ngày lên trên 20 ngày, chất lượng sản phẩm vẫn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; hầm giữ trữ nước đá với tỷ lệ hao hụt dưới 5% trong thời gian 20 ngày. Hơn nữa khi tàu chạy từ biển khơi vào bờ đối với hầm bảo quản tốt cũng không cần chạy nhanh mà chỉ chạy tốt độ vừa phải (thấp ga) nên sẽ giảm được chi phí nguyên liệu.

11-03-15_2
Hầm bảo quản bằng vật liệu PU foam được hoàn thiện

Ông Lê Đình Khiêm, Trưởng phòng Tàu cá và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá (Chi cục Thủy sản Khánh Hòa) cho biết, hầm bảo quản bằng vật liệu PU foam được các tàu cá nước ngoài áp dụng rộng rãi. Riêng ở Khánh Hòa hiện có gần 100 tàu lắp đặt hầm bảo quản bằng vật liệu PU foam. Trong đó các tàu đóng mới bằng vật liệu composite đều trang bị hầm này, còn các tàu gỗ muốn lắp đặt thì liên hệ các DN ở TP.HCM, họ chuyên làm cải tạo, với giá dao động từ 18 - 20 triệu đồng/hầm.

Qua khảo sát hầu hết ngư dân trang bị hầm này đều khẳng định sản phẩm khai thác được bảo quản sạch, chất lượng tăng lên, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận sau chuyến khai thác. Ngư dân Ngô Tấn Phụng, một chủ tàu ở Vĩnh Phước (TP Nha Trang) cho biết, từ khi ông trang bị hầm PU foam, độ tươi của cá được nâng lên đáng kể so với trước đây bảo quản bằng hầm vật liệu Styropore (xốp trắng). Cá khi khai thác mang vào bờ tỷ lệ sản phẩm kém chất lượng giảm đáng kể, nhờ vậy bán giá cao, nâng thu nhập.

Sử dụng làm hầm bảo quản trong tàu cá tỷ trọng 60 - 65kg/m3 là phù hợp nhất.  Khả năng chịu nhiệt của hầm từ -60 đến -80oC; hệ số dẫn nhiệt 0,019 - 0,023 W/m.k; chịu nén cao 180 - 250Kpa; tính thấm nước <3%. Tuổi thọ hầm trên 15 năm. Với những tính năng ưu việt đó, PU foam thực sự là một vật liệu tối ưu để cách nhiệt trong các hầm bảo quản sản phẩm trên tàu cá.

 

Xem thêm
Bò dự án lăn đùng ra chết, nhà thầu không cấp bù

Bò dự án cấp chưa đầy 1 tháng thì lăn đùng ra chết. Người dân không biết đi đòi ai trong khi địa phương cũng không có phản ứng gì với nhà thầu.

Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng, tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo khẩn

BẮC KẠN Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng tại tất cả các huyện, thành phố, UBND tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo khẩn thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch.

Có mưa, nông dân vùng hạn mặn Gò Công chuẩn bị xuống giống vụ hè thu

TIỀN GIANG Tại vùng ngọt hóa Gò Công (tỉnh Tiền Giang) lúc này, những cơn mưa đầu mùa đã thấm ướt mặt ruộng khô cằn sau những ngày nắng gắt, nước mặn vây quanh.