Vừa qua trên địa bàn có mưa cục bộ một số vùng, tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, nếu những ngày tới lượng mưa không lớn thì hàng nghìn ha lúa vụ hè thu (HT) sẽ đối mặt hạn nặng giai đoạn làm đòng, trỗ bông.
Hơn 1.000ha bị hạn
Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, ảnh hưởng của đợt nắng nóng kéo dài thời gian qua đã khiến 1.045ha lúa HT bị khô hạn, đồng ruộng nứt nẻ, lúa khô héo, thậm chí có những nơi bắt đầu biểu hiện cháy lá. Tập trung chủ yếu ở phía Nam tỉnh như huyện Cẩm Xuyên (435ha); Thạch Hà (225ha); TP Hà Tĩnh (385ha)...
Không chỉ mực nước ở các hồ đập vừa và nhỏ cạn nước, các hồ lớn như Kẻ Gỗ, Thượng Tuy cũng đang có nguy cơ phải khai thác mực nước chết để chống hạn
Ông Trần Hữu Duyệt, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên khẳng định: “Diễn biến hạn hán trên địa bàn huyện đang hết sức căng thẳng. Một số xã như Cẩm Phúc, Cẩm Thăng, thị trấn Thiên Cầm... lúa đã bắt đầu khô héo, vàng lá. Nguyên nhân một phần do nước tưới tạo nguồn không đủ, phần nữa kênh xây dựng càng về cuối càng cao nên nước chỉ nằm đứng trên kênh không thể về đồng ruộng”.
Ông Duyệt cũng cho biết, ngoài thiếu nước tưới sản xuất, hạn hán cũng khiến hàng trăm hộ dân 3 thôn 1, 2, 3 xã Cẩm Sơn thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Nếu những ngày tới lượng mưa không lớn chắc chắn diện tích lúa bị hạn ở Cẩm Xuyên sẽ tiếp tục gia tăng, nhất là thời điểm lúa trỗ bông.
Chung cảng ngộ, 60ha lúa của 2 xã vùng cuối kênh TP Hà Tĩnh là Thạch Hưng, Thạch Đồng cũng đang nằm trong diện “báo động đỏ”, có nguy cơ khô cháy nếu nắng hạn tiếp tục tiếp diễn. Ngày 25/7, TP đã đóng tất cả các tuyến kênh để dồn nước cấp cho xã Thạch Đồng, tuy nhiên vùng đầu kênh thì nước tràn cả ra ngoài nhưng ruộng cuối kênh vẫn không thể đón nước.
Cụm trưởng cụm N4, 6, 8 (Cty TNHH MTV Thủy lợi nam Hà Tĩnh) Thái Đình Tính phản ánh, khu vực Cty quản lý, vận hành tưới nước có đến 150/3.000ha lúa bị hạn, trong đó, diện tích hạn nặng khoảng 50 - 60ha, tập trung ở Cẩm Thăng, Cẩm Dương, Cẩm Phúc và thị trấn Thiên Cầm.
Theo ông Tính, ngoài trách nhiệm điều tiết cấp nước của Cty Thủy lợi nam Hà Tĩnh, lâu nay sự phối kết hợp của chính quyền địa phương vẫn còn hạn chế, dẫn đến tình trạng “mạnh ai người ấy được”, việc lấy nước trong dân tùy tiện gây lãng phí rất lớn.
Hơn nữa, ngay từ đầu vụ HT, một số vùng khó khăn về nước tưới đã khuyến cáo bà con chuyển sang trồng cây trồng cạn nhưng do chỉ đạo thiếu quyết liệt nên người dân vẫn gieo cấy lúa. Đơn cử như xã Cẩm Thăng, diện tích khó khăn về nguồn nước lên đến hàng chục ha nhưng thực tế chỉ có 10ha chuyển đổi được sang trồng ớt, diện tích còn lại bà con vẫn gieo cấy lúa nên bây giờ mới rơi vào tình cảnh có nguy cơ thất thu vì hạn.
Khai thác nước “chết” cứu lúa
Trước tình hình hạn hán đe dọa diện tích lúa HT, ngày 26/7, Sở NN-PTNT Hà Tĩnh đã tổ chức cuộc họp khẩn bàn phương án điều tiết nước cứu lúa. Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước như hiện nay phần lớn là do khách quan, nhưng trong đó cũng có một phần không nhỏ nguyên nhân chủ quan.
Nhiều diện tích lúa trên địa bàn Hà Tĩnh khô hạn, cháy lá cả tháng nay
Cụ thể, mực nước đầu vụ HT 2016 ở hồ Kẻ Gỗ thấp hơn trung bình 5 năm lại nay từ 0,79 - 4,06m; dung tích nước đầu vụ thấp hơn cùng kỳ các năm từ 17 - 90 triệu m3. Do đó, để đáp ứng đủ nước tưới tạo nguồn và tưới sản xuất cho hàng chục nghìn ha lúa ở các xã vùng cuối kênh là cực kỳ khó khăn. Rất có thể sắp tới Cty Thủy lợi nam Hà Tĩnh sẽ phải khai thác mực nước “chết” hồ Kẻ Gỗ, Thượng Tuy như năm 2008 để phục vụ tưới chống hạn.
Về nguyên nhân chủ quan, một phần do việc chỉ đạo chuyển đổi sản xuất từ lúa kém hiệu quả sang trồng cây trồng cạn đầu vụ; sự phối kết hợp giữa các Cty với chính quyền địa phương trong điều hành tưới còn hạn chế, chưa đồng bộ dẫn đến thất thoát, nơi thừa, nơi thiếu nước.
Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh yêu cầu các Cty thủy lợi phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thực hiện song hành giải pháp công trình và phi công trình để chống hạn. Tiếp tục ra quân nạo vét thông thoáng dòng chảy, ép nước về cuối kênh; chủ động tạo nguồn, sử dụng trạm bơm điện, bơm lưu động hỗ trợ cho những vùng cao cưỡng, cuối kênh khó tưới; sử dụng ván cốt pha, bao tải đựng đất ép các cống tưới đầu kênh đã đủ nước để tướng vùng cuối kênh.
Đối với vùng đầu kênh, vùng dễ tưới, trũng thấp chỉ tưới đủ độ ẩm, đủ lớp nước mặt ruộng đảm bảo lúa phát triển bình thường. Khi cần thiết có thể huy động cả lực lượng an ninh thôn xóm vào cuộc để đảm bảo công tác vận hành tưới an toàn, tiết kiệm; đồng thời, tổ chức tưới luân phiên theo đợt và tuyên truyền, vận động người dân đắp bờ vùng, bờ thửa giữ nước trong ruộng...
Hiện ngành nông nghiệp Hà Tĩnh đang tập trung xây dựng các giải pháp cứu diện tích lúa bị hạn. Ví dụ, huyện Thạch Hà đang ưu tiên nước tưới cho các xã bị khô hạn nặng như Tượng Sơn, Thạch Thắng, Thạch Hội... Riêng xã Thạch Trị bị hạn nặng nhất, huyện đã dẫn nước tưới về ruộng từ ngày 25/7, tuy nhiên, lượng nước trên mới chỉ đủ giữ ẩm, rất may ngày 27/7 trên địa bàn xã có mưa nên diện tích lúa có nguy cơ “khai tử” coi như được cứu. |