Cây mía kiên cường bám trụ vùng đất khát
Những ngày này, người dân xã Chiềng Lương (huyện Mai Sơn, Sơn La) đang tất bật thu hoạch mía để cung ứng cho Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La. Không khí lao động khẩn trương bao trùm khắp những sườn đồi rộng gần 90ha tại bản Ý Lường. Mía chỉ thu hoạch một lần trong năm, vì vậy đây là thời điểm được bà con mong chờ nhất.
Anh Cầm Văn Sơn tất bật bó mía vừa thu hoạch, xếp gọn chờ xe của công ty đến thu mua. Năm vừa qua, gia đình anh trồng hơn 2ha mía, tổng sản lượng mía nguyên liệu thu về ước 150 tấn, được nhà máy ký hợp đồng thu mua với giá 1 triệu đồng/tấn.

Anh Cầm Văn Sơn năm nay có thu nhập hơn 100 triệu đồng từ 2ha trồng mía nguyên liệu. Ảnh: Đức Bình.
“Gia đình tôi đã gắn bó với cây mía suốt 20 năm, từ khi chưa có công ty ký hợp đồng thu mua. Hồi đó bà con chủ yếu bán mía cho thương lái để ép nước nhưng giá cả bấp bênh, nhiều vụ mía thu hoạch không tiêu thụ được, giá rất rẻ, không ổn định như bây giờ", anh Sơn kể.
Cây mía bấp bênh nên nhiều hộ dân trước đây từng phá bỏ để chuyển sang cây trồng khác. Tuy nhiên do địa hình dốc, khí hậu khô hạn, mưa chỉ tập trung vào tháng 5 - 8 nên năng suất các loại cây trồng đều không đạt như kỳ vọng.
Đến những năm 2010, người dân bản Ý Lường mới được Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La đặt vấn đề ký kết hợp đồng bao tiêu mía. Giá mía tăng dần theo từng năm, tuy chậm nhưng ổn định. Điều quan trọng hơn, công ty cam kết thu mua toàn bộ mía nguyên liệu giúp bà con yên tâm gắn bó lâu dài với cây mía. Cây mía đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của của xã nghèo Chiềng Lương.
Để tạo thuận lợi cho bà con yên tâm gắn bó với cây mía, Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La có 2 chính sách hỗ trợ chính: Đối với các hộ mới chuyển đổi sang trồng mía, Công ty hỗ trợ 40% chi phí đầu tư trong năm đầu tiên, bao gồm tiền giống, phân bón và công làm đất; đối với các hộ đã trồng lâu năm, gặp khó khăn về kinh tế, Công ty có phương án cho ứng tiền trước để bà con mua vật tư, khi thu hoạch sẽ trừ vào tiền thu mua mía.

Mặc dù thời tiết niên vụ 2024 - 2025 khô hạn kéo dài nhưng cây mía ở Chiềng Lương vẫn chống chịu tốt, cho năng suất, chất lượng khá. Ảnh: Đức Bình.
Cũng như anh Sơn, gia đình anh Chung hiện có 5.000m² đất trồng mía, thu về gần 40 tấn mỗi vụ. “Gia đình tôi canh tác nhiều cây trồng để đảm bảo sinh kế, nhưng chưa bao giờ bỏ cây mía. Ở đây khan hiếm nước, không phải cây trồng nào cũng trụ được. Mưa chỉ kéo dài vài tháng rồi lại khô hạn nhưng cây mía vẫn phát triển tốt, mang lại thu nhập ổn định", anh Chung chia sẻ.
Thiếu nguồn nước luôn đem đến nỗi lo thường trực trong sản xuất của nông dân xã Chiềng Lương. Xã đã nhiều lần kiến nghị làm công trình thủy lợi, dẫn nước cho bà con nhưng vẫn chưa được đầu tư. Tuy nhiên, cây mía vẫn kiên cường bám trụ, duy trì sản lượng ổn định. Qua từng năm, năng suất ngày càng tăng, tối đa đạt 65 tấn/ha. Sau khi trừ các chi phí như phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh, mỗi hộ trồng mía thường thu về từ 40 - 50 triệu đồng/ha.
Chú trọng canh tác mía bền vững
“Cây mía chưa thể giúp bà con làm giàu, nhưng nó rất ổn định. Dù thời tiết khắc nghiệt cây mía vẫn sinh trưởng, phát triển", Phó Chủ tịch xã Chiềng Lương, ông Lò Văn Lai mở đầu cuộc trò chuyện.
Theo ông Lai, hiện toàn xã có 1.493ha trồng mía, chiếm hơn 50% diện tích đất nông nghiệp. Đây cũng là vùng trồng mía lớn của huyện Mai Sơn, đóng góp sản lượng đáng kể cho ngành mía đường của tỉnh.

Những sườn đồi phủ kín cây mía chờ thu hoạch tại bản Ý Lường, xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn. Ảnh: Đức Bình.
Vụ thu hoạch mía diễn ra trong vòng 2 tháng, trước khi thu hoạch, mía sẽ được lấy mẫu mang đến nhà máy để kiểm tra độ ngọt, vùng nào đảm bảo tiêu chuẩn sẽ được thu hoạch trước. Do phải đủ số lượng nhất định ô tô mới có thể vào vận chuyển nên bà con lên kế hoạch lập các tổ sản xuất khoảng 15 hộ gia đình, mỗi ngày tập trung thu hoạch mía cho một hộ. Công thu hoạch được quy đổi theo bó, mỗi bó 2.000 đồng. Hết vụ, tổng số bó của từng hộ sẽ được thống kê, ai thu hoạch được nhiều hơn phần của gia đình mình sẽ được hưởng thêm tiền công.
Nhiều năm phụ trách mảng nông nghiệp của xã, ông Lò Văn Lai cho biết bên cạnh khó khăn do trồng trên đồi dốc, phụ thuộc vào nước trời, nông dân sản xuất mía ở Chiềng Lương còn chưa thực hiện tốt quy trình kỹ thuật, đơn cử như khoảng cách, mật độ trồng chủ yếu ước lượng bằng mắt, dẫn đến tình trạng chỗ trồng quá dày, chỗ lại quá thưa. Đặc biệt, địa hình dốc, đất pha lẫn đá khiến việc canh tác càng khó khăn hơn.
"Lâu nay bà con trồng mía ở địa phương vẫn có thói quen đốt lá mía sau mỗi vụ thu hoạch để dễ làm đất cho vụ sau, đồng thời nghĩ rằng sẽ làm đất màu mỡ hơn, nhưng thực ra việc đốt lá mía khiến đất bị mất đi chất hữu cơ, tiêu diệt hệ vi sinh vật đất, khiến đất dễ bị rửa trôi, xói mòn, bạc màu... Không những thế còn gây ô nhiễm không khí, nhất là nguy cơ cháy rừng. Thực tế trên địa bàn xã đã vài lần việc đốt lá mía khiến đám cháy lan rộng, gây cháy rừng, phải huy động cả bản ra dập lửa", ông Lai chia sẻ.

Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La những năm qua đã chú trọng đầu tư cải tiến quy trình công nghệ chế biến mía đường. Ảnh: Vạn Tâm.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số hộ dân còn dùng thuốc diệt cỏ trong canh tác mía làm suy giảm hệ vi sinh đất, gây xói mòn và ảnh hưởng đến năng suất lâu dài. Để khắc phục, Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La hàng năm tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; cung ứng giống mới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Chú trọng hướng dẫn bà con nắm phương pháp trồng chuẩn, cử cán bộ nông vụ cùng với nông dân theo dõi sự phát triển của cây mía, phát hiện và phòng trừ sâu bệnh kịp thời, hiệu quả... Mặc dù vậy, vẫn còn một số hộ nóng vội, quyết định chuyển sang trồng cây khác khi cây mía gặp khó khăn mà chưa có sự nghiên cứu kỹ lưỡng.
“Chúng tôi tuyên truyền với bà con, lợi ích kinh tế phải gắn với sự ổn định. Trồng cây gì cũng cần thời gian và xem xét kỹ lưỡng. Với cây mía, khi nó vẫn mang lại kinh tế, bà con nên duy trì. Nếu thực sự không hiệu quả, lúc đó mới tính đến việc chuyển đổi", ông Lai khuyến cáo.
Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La hiện có vùng mía nguyên liệu trên 9.000ha, trong đó 100% diện tích được ký hợp đồng bao tiêu cùng hơn 10.000 hộ trồng mía tại huyện Mai Sơn và Yên Châu. Mỗi năm, sản lượng mía thu hoạch đạt 550.000 - 650.000 tấn, mang lại doanh thu gần 500 tỷ đồng. Hàng năm, đơn vị đóng góp gần 100 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước. Theo kế hoạch niên vụ 2025 - 2026, Công ty dự kiến duy trì sản lượng 550.000 tấn, doanh thu 500 tỷ đồng.