Kiên Giang: Hỗ trợ khẩn cấp trên 30 ngàn hộ
Hàng chục ngàn hộ dân khu vực nông thôn thiếu nước sinh hoạt do hạn, mặn, cần kinh phí trên 70,8 tỷ đồng để hỗ trợ.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (VSMTNT) Kiên Giang cho biết, qua rà soát, số hộ dân thiếu nước, cần hỗ trợ khẩn cấp là 30.007 hộ.
Trước mắt, Sở NN-PTNT Kiên Giang đã đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ trên 70,8 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ 60,5 tỷ đồng, tỉnh 10,3 tỷ đồng.
Kinh phí Trung ương đầu tư mua dụng cụ chứa nước, khoan giếng phục vụ tập trung tại một số địa phương và tại một số trạm cấp nước, thuê phương tiện vận chuyển nước ra các đảo, mua xe chở nước, mua bơm dự phòng, kéo dài tuyến ống và lắp đặt đồng hồ nước cho nhà dân.
UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí trực tiếp 2 huyện ven biển là An Biên và An Minh, để huyện chủ động xem xét các hộ dân thuộc đối tượng hỗ trợ kinh phí đổi nước sinh hoạt.
Theo ông Bình, xâm nhập mặn đang diễn ra rất gay gắt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân nông thôn, đặc biệt là khu vực ven biển, biên giới, hải đảo, khu vực chưa có trạm cấp nước tập trung. Trung tâm đã khẩn cấp sửa chữa các công trình bị hư hỏng, cải tạo công nghệ, thay vật liệu lọc và tuyến ống ở các trạm cấp nước đang bị xuống cấp, thổi rửa các giếng để tăng khả năng khai thác.
Kéo dài tuyến ống dẫn nước từ các trạm cấp nước đang hoạt động đến những nơi chưa được đấu nối hoặc chưa có nước máy. Lắp đặt bể chứa, bồn chứa để chứa nước ở những nơi không có tuyến ống và không có trạm cấp nước để làm các điểm phục vụ cấp nước tập trung. Khoan thêm giếng khoan để bổ sung nguồn cho một số trạm cấp nước nông thôn.
Đối với cấp nước đô thị, ông Nguyễn Hữu Hoài Phương, Giám đốc Cty TNHH MTV Cấp thoát nước Kiên Giang (KIWACO) cho biết, công ty đang sản xuất khoảng 70.000 m3 nước/ngày đêm. Trong đó, công suất Nhà máy nước Rạch Giá 58.000 m3 và tiếp nhận nguồn từ Nhà máy nước Nam Rạch Giá 12.000 m3.
Theo ông Phương, để đảm bảo nguồn cung cấp nước trong mùa suốt mùa khô, từ đầu tháng 2, đơn vị đã giảm công suất phát nước ra mạng lưới khoảng 20.000 m3/ngày, tuy nhiên vẫn đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Đối với các khu vực Rạch Giá, Hà Tiên, Kiên Lương, Phú Quốc, duy trì mực nước trong hồ, kênh dẫn, phân công trực 24/24 để theo dõi diễn biến nguồn lấy nước, lấy mẫu, xác định biên độ nhiễm mặn, cao trình thu nước…
Đồng thời, khoan 20 giếng dự phòng và đã được lắp đặt bơm chìm, với công suất khoảng 25.000 m3/ngày, để bổ sung nguồn cấp nước khi cần thiết.
Bến Tre: 100 tỷ ứng phó hạn, mặn
Hiện nay, nguồn nước ở hầu hết các tuyến kênh thuỷ lợi, các đập tạm cung cấp cho các nhà máy nước của tỉnh bị nhiễm mặn, không còn nguồn nước ngọt.
Đến sáng 25/3, độ mặn trên các nhánh sông tại Bến Tre vẫn còn cao. Cụ thể tại Hoà Nghĩa, thị trấn Chợ Lách là 4,7‰, Mỹ Hoà (Ba Tri) là 15,6‰, An Hiệp (Châu Thành) là 11,7‰;…
Theo ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, tỉnh đã chi khoảng 100 tỷ đồng thực hiện nhiều giải pháp cấp bách phòng chống hạn mặn. Trong đó, đắp đập tạm để trữ nước cục bộ, như đập sông Mã, kênh Xáng, Cây Da, Ba Lai. Đồng thời, nạo vét các tuyến rạch, nâng cấp sửa chữa các cống. Bơm nước từ nơi dộ mặn thấp về cấp bổ sung cho các nhà máy nước.
Tỉnh chỉ đạo Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre thuê ghe, tàu chuyển nước ngọt từ tỉnh khác về cung cấp doanh nghiệp chế biến, nhà hàng, khách sạn, bệnh viện,… Chỉ đạo các đơn vị cấp nước lắp đặt và vận hành tối đa công suất hệ thống lọc mặn RO, mở các điểm cấp nước tập trung, có cơ chế chính sách giảm giá nước cho người tiêu dùng.
Đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp, mạnh thường quân hỗ trợ vận chuyển nước ngọt về cung cấp cho người dân.
Tại huyện Ba Tri, hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp đoạn từ Tân Xuân đến Phú Ngãi với kinh phí xây dựng 86 tỷ đồng đã trữ nước ngọt. Hoàn thành, đưa vào sử dụng nhà máy nước Kênh Lấp hòa mạng vào hệ thống cấp nước nhà máy nước Tân Mỹ.
Nhờ chủ động sớm việc vận hành hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp với trữ lượng khoảng 800.000 m3, đã tạo được nguồn nước ổn định cung cấp cho các nhà máy nước phục vụ nước sinh hoạt cho thị trấn Ba Tri và 6 xã lân cận.
Ông Nguyễn Huy Quyền, Trưởng trạm cấp nước thuộc nhà máy nước Kênh Lấp (xã Phước Ngãi, huyện Ba Tri) cho biết: “Hiện nhà máy đang tận dụng tối đa nguồn nước của hồ Kênh Lấp để cung cấp nước cho hơn 2.000 hộ dân ở các xã Bảo Thuận, An Thuỷ, An Hoà Tây,…với công suất 5.000m3/ngày, đêm. Trạm còn hoà mạng vào hệ thống cấp nước của nhà máy Tân Mỹ”.
Ông Dương Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tri cho biết: Hiện nay, huyện đã vận hành lại đập tạm ngăn mặn trên kênh trục 418 và lắp đặt 06 cống ngăn mặn tại An Ngãi Trung, An Ngãi Tây.
Cũng theo ông Chương, huyện đã nhận được sự hỗ trợ của Bộ Tư lệnh Hải quân hỗ trợ 200m3 nước và hỗ trợ tiền xe chở nước là 10 triệu đồng. Phía tỉnh cũng đã hỗ trợ 200 bồn 500 lít (đã phát 50 bồn); 500 thùng nước, mỗi thùng 12 chai, mỗi chai 1,5 lít; 60 bồn chứa nước (chưa nhận); 25 máy lọc nước (chưa nhận); 385 can đựng nước, mỗi can 30 lít,…
UBND Ba Tri đã vận động các Tàu hải quân, tàu Quân khu 9 mỗi đơn vị 200m3, 30 máy nước gia đình, 330 bồn nước, 8 máy lọc nước công cộng, 9 giếng nước công cộng, mỗi cái 9 triệu đồng, 500 thùng nước 20 lít. Giá trị ước tính 760 triệu đồng.
Tiền Giang: 37 điểm cung cấp nước ngọt cứu cây ăn trái
Đến nay, từ nguồn kinh phí hỗ trợ người dân các tỉnh ĐBSCL ứng phó hạn, mặn của Chính phủ, tỉnh Tiền Giang đã tổ chức 37 điểm cung cấp nước ngọt miễn phí cho người dân tại các huyện phía tây.
Nhờ triển khai kịp thời, nhanh chóng việc vận chuyển nước ngọt cung cấp miễn phí cho người dân mà hàng ngàn héc ta cây ăn trái của Tiền Giang thoát khỏi nguy cơ thành củi.
Theo đó, tại huyện Châu Thành có 6 điểm cấp nước ngọt miễn phí. Thị xã Cai Lậy có 12 điểm. Huyện Cai Lậy có 19 điểm. Các điểm cấp nước ngọt miễn phí này giúp cho hàng ngàn héc ta cây ăn quả, nhất là cây sầu riêng thoát chết.
Từ khi triển khai sà lan chở nước ngọt về cung cấp cho các vườn cây ăn trái, hơn 66.000m3 nước ngọt được cung cấp cho hơn 11.000 hộ dân. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện chương trình này là hơn 30 tỷ đồng.
Hiện hạn mặn còn diễn biến khốc liệt, Tiền Giang đã có kế hoạch vận chuyển nước ngọt về các huyện phía đông để cứu vườn cây thanh long, mít, bưởi... đang bị thiếu nước.