| Hotline: 0983.970.780

Hạn mặn đe dọa sản xuất, nông dân Quảng Nam lo lắng

Thứ Hai 07/06/2021 , 10:38 (GMT+7)

Nguồn nước tưới tiêu tại các hồ đập, công trình thủy lợi trên địa bàn đều bị thiếu nước dự trữ khá trầm trọng, nhiều nơi hiện đã trơ đáy.

Nhiều đồng ruộng ở Quảng Nam vẫn đang 'khát' nước tới. Ảnh: L.K.

Nhiều đồng ruộng ở Quảng Nam vẫn đang "khát" nước tới. Ảnh: L.K.

Khó khăn về nước tưới

Cứ cuối vụ đông xuân (ĐX), đầu vụ hè thu (HT), rất nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam lại đối mặt với nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân. Đến thời điểm này, tỉnh này đang chuẩn bị bước vào vụ sản xuất HT. Tuy nhiên nhiều đồng ruộng lại đang rất “khát nước”.

Tại xã Cẩm Kim (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam), nhiều hộ dân đang vô cùng lo lắng khi đến nay đồng ruộng của mình vẫn chưa có 1 giọt nước nào. Các kênh mương dẫn nước cũng trong tình trạng khô khốc. Nếu trong thời gian tới, không có nước về đồng ruộng thì rất nhiều diện tích có nguy cơ bỏ hoang.

Bà Huỳnh Thị Thanh (64 tuổi, trú thôn Đông Hà, xã Cẩm Kim) cho biết: “Vụ HT năm nay, gia đình tôi dự kiến sẽ sản xuất 5 sào lúa. Ruộng đã tiến hành cày ải xong hơn nhưng đã hơn 1 tháng rồi vẫn chưa có nước về. Chúng tôi vô cùng sốt ruột khi thời kỳ gieo sạ đã cận kề. Rất mong các ngành chức năng sớm có biện pháp xử lý để đảm bảo đủ điều kiện sản xuất đúng thời vụ”.

Theo ông Huỳnh Ngọc Hùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim, vụ HT này toàn xã có 45ha diện tích trồng lúa và rau màu nhưng mới sản xuất được 20ha. Vừa qua, địa phương cũng đã làm việc chính quyền xã Duy Phước (Duy Xuyên) đề nghị được hỗ trợ nước tưới sản xuất thêm được 6ha.

Một số kênh dẫn nước trong tình trạng khô khốc. Ảnh: L.K.

Một số kênh dẫn nước trong tình trạng khô khốc. Ảnh: L.K.

“Nhiều diện tích còn lại không có nước nên đành phải bỏ hoang. Không những vậy, hiện nay trên địa bàn xã đã xuất hiện tình trạng xâm nhập mặn. Nước mặn xâm nhập vào sâu trong đồng ruộng đến hơn 5km. Ngoài ra, thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao trong thời gian qua cũng ảnh hưởng đến sản xuất của bà con”, ông Hùng nói.

Ông Lê Đình Tường, Phó Trưởng phòng Kinh tế TP Hội An cho biết, nguồn nước tưới tiêu tại các hồ đập, công trình thủy lợi trên địa bàn đều bị thiếu nước dự trữ khá trầm trọng, nhiều nơi hiện đã trơ đáy. Khô hạn, nhiễm mặn nhiều nhất ở các cánh đồng xã Cẩm Kim với 40ha, có 10ha người dân không thể sản xuất lúa, chuyển sang trồng hoa màu.

Tại huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam), nhiều cánh đồng lúa của bà con cũng đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước trầm trọng. Riêng xã Duy Sơn có đến 120ha đất sản xuất không có nguồn nước. Địa phương này phải đắp 3 đập bổi thời vụ để tăng cường nguồn nước cho các trạm bơm cố định. Đồng thời, mở mới 1 tuyến kênh dài 350m để dẫn nước từ các trạm bơm về tăng cường tưới cho đồng ruộng.

Ở xã Duy Vinh (huyện Duy Xuyên) – địa phương nằm ở cuối kênh tưới nên thường xuyên chịu tác động của hạn mặn đến thời điểm này đang tích cực dẫn nước về phục vụ canh tác lúa HT. Mặc dù đến thời điểm này cơ bản có thể đảm bảo đủ nhưng trong thời gian tới, nguy cơ thiếu nước và hạn mặn rất cao.

Ông Hoàng Văn Hùng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Duy Vinh cho biết, vụ HT năm nay toàn xã sẽ cố gắng sản xuất hết diện tích khoảng 150ha. Hiện tại, nước bây giờ vẫn đủ để làm đất nhưng trước nền nhiệt cao như vậy thì vào thời điểm gieo sạ, tưới dưỡng thì sẽ thiếu.

Chủ động chống hạn mặn phục vụ sản xuất

Xác định được nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn, các ngành chức năng ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã thực hiện nhiều phương án nhằm ứng phó. Trong đó có các kịch bản được tính đến như cắt giảm diện tích trồng lúa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuẩn bị các máy bơm cơ động, nạo vét kênh mương, xây dựng kè dẫn nước...

Ngành chức năng tỉnh này đã đưa ra nhiều phương án để phòng chống hạn mặn trong vụ hè thu 2021. Ảnh: L.K.

Ngành chức năng tỉnh này đã đưa ra nhiều phương án để phòng chống hạn mặn trong vụ hè thu 2021. Ảnh: L.K.

Ngay từ khi bước vào đầu vụ sản xuất HT, Phòng NN-PTNT huyện Duy Xuyên nhận định, tình hình thời tiết hết sức phức tạp, nắng nóng tiếp tục kéo dài, hiện tượng mặn xâm nhập sâu lên phía thượng lưu sông Thu Bồn có nguy cơ rất cao.

Theo kế hoạch, toàn huyện này sản xuất 7.650ha, trong đó, diện tích đất lúa hơn 3.500 ha. Tuy nhiên, huyện Duy Xuyên sẽ cắt giảm 120ha diện tích sản xuất lúa ở những nơi có nguồn nước tưới được dự báo sẽ bị thiếu nước để chuyển sang bố trí cây trồng khác ít dùng nước và hiệu quả hơn.

Được biết, nguồn nước tưới cho các cánh đồng sản xuất lúa ở huyện Duy Xuyên chủ chủ yếu từ các công trình hồ chứa nước Vĩnh Trinh, Thạch Bàn, Phú Lộc, kênh N30 và trạm bơm Xuyên Đông do Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam quản lý cùng một số công trình thủy lợi nhỏ khác do địa phương quản lý. Với các hồ chứa lớn, huyện này đã xây dựng kế hoạch tưới cụ thể ở từng khu tưới như hồ Thạch Bàn đảm nhận tưới 726ha, Hồ Vĩnh Trinh đảm nhận tưới khoảng 766ha, hồ Phú Lộc đảm nhận tưới với diện tích là 160ha…

Theo ông Trần Huy Tường, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Duy Xuyên, trước mắt, để phòng chống hạn mặn, huyện đã đầu tư các công trình trạm bơm chống hạn tại một số xã như  Duy Tân, Duy Phước, Duy Sơn, Duy Trinh.

“Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư nạo vét lòng hồ đập Đá, xây dựng đập Bầu Trai xã Duy Trung; xây dựng trạm bơm chống hạn tại Khe Cát, xã Duy Thu. Đồng thời tiếp tục đề xuất UBND huyện cho chủ trương để đầu tư một số tuyến kênh trọng yếu để tăng cường công tác chống hạn ở các đơn vị như Duy Trung, Duy Sơn, Duy Tân, Duy Châu...”, ông Tường nói.

Một số biện pháp được ngành chức năng tỉnh Quảng Nam đưa ra như cắt giảm diện tích gieo trồng, chuẩn bị máy bơm nhằm đảm bảo điều kiện tốt nhất cho người dân sản xuất vụ lúa hè thu. Ảnh: L.K.

Một số biện pháp được ngành chức năng tỉnh Quảng Nam đưa ra như cắt giảm diện tích gieo trồng, chuẩn bị máy bơm nhằm đảm bảo điều kiện tốt nhất cho người dân sản xuất vụ lúa hè thu. Ảnh: L.K.

Để ứng phó với tình hình hạn mặn, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã chỉ đạo Sở NN-PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tính toán cân đối nguồn nước tại các hồ chứa thủy lợi do tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý, khai thác để bố trí diện tích sản xuất phù hợp; đối với các hồ chứa có nguy cơ cao thiếu nước thực hiện chuyển đổi cây trồng chịu hạn trên đất lúa hoặc không sản xuất; áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

Đồng thời, tổ chức rà soát, bổ sung và thực hiện phương án phòng, chống hạn và nhiễm mặn năm 2021 do UBND cấp huyện phê duyệt. Theo đó, chủ động thực hiện các biện pháp công trình, phi công trình, phân công trách nhiệm, các điều kiện để tổ chức thực hiện phòng chống hạn, nhiễm mặn có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

“Các địa phương tổ chức ra quân, huy động nhân dân thực hiện công tác nạo vét kênh mương, sửa chữa các công trình thủy lợi nhỏ, đào ao trữ nước, đóng giếng, lắp đặt trạm bơm dã chiến, thu giữ nguồn nước hồi quy, đắp bờ giữ nước, tận dụng mọi nguồn nước phục vụ sản xuất”, ông Thanh chỉ đạo.

  • Tags:
Xem thêm
Lãnh đạo Việt Nam chúc mừng ông Trump

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi thư chúc mừng ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ thứ 47.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuân về trên vùng biên cương

Quảng Bình Bà con dân tộc trên vùng miền núi huyện Bố Trạch đã có thêm cái tết ấm áp khi chương trình 'Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản' đến với bà con.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...