| Hotline: 0983.970.780

Vụ đông xuân phía Bắc thắng lợi toàn diện

Thứ Hai 31/05/2021 , 08:34 (GMT+7)

Với phương châm 'xanh nhà hơn già đồng', Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khuyến cáo bà con nông dân khẩn trương thu hoạch vụ đông xuân 2020-2021, sớm làm đất vụ hè thu, vụ mùa.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại Hội nghị Sơ kết Sản xuất vụ đông xuân 2020-2021, triển khai kế hoạch vụ hè yhu, Mùa và định hướng vụ đông 2021 các tỉnh phía Bắc. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại Hội nghị Sơ kết Sản xuất vụ đông xuân 2020-2021, triển khai kế hoạch vụ hè yhu, Mùa và định hướng vụ đông 2021 các tỉnh phía Bắc. Ảnh: Bảo Thắng.

Được mùa lớn

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), tổng diện tích gieo cấy vụ đông xuân 2020-2021 ước đạt trên 1 triệu ha, giảm 12.000ha so với vụ đông xuân 2019-2020. Tuy nhiên, sản lượng lúa toàn miền Bắc ước đạt 6,9 triệu tấn, tăng khoảng 34.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Năng suất vụ đông xuân 2020-2021 ước đạt 63,6 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha so với vụ đông xuân 2019-2020. Năng suất cao nhất là vùng Đồng bằng sông Hồng, ước đạt 65,9 tạ/ha.

Vùng năng suất tăng cao nhất là Bắc Trung bộ, tăng 1,9 tạ/ha. Những tỉnh có năng suất lúa tăng cao gồm: Thừa Thiên - Huế (trên 6 tạ/ha), Lai Châu (4,8 tạ/ha), Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Trị (khoảng 2 tạ/ha). Ngoài lúa, tính đến ngày 15/4/2021, tổng diện tích gieo trồng rau màu ước đạt 547.000ha, tăng 20.000ha so với cùng kỳ.

Tại Hội nghị sơ kết sản xuất vụ đông xuân 2020-2021, triển khai kế hoạch vụ hè thu, mùa và định hướng vụ đông 2021 các tỉnh phía Bắc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá, sản xuất lúa vụ đông xuân 2020-2021 thắng lợi, đạt về năng suất, giá trị và lợi nhuận. Thành công của vụ đông xuân 2020-2021 đến không dễ dàng. Thứ nhất, nông dân nhiều tỉnh, thành, nhất là khu vực Bắc Trung bộ vẫn chịu dư chấn từ thiên tai hồi năm 2020.

Thứ hai, vụ đông xuân 2020-2021 nghiêng âm, ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển một số diện tích lúa gieo cấy sớm. Thứ ba, dịch Covid-19 bùng phát dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu thụ rau màu.

Cuối cùng, mưa dông bắt đầu từ nửa đầu tháng 4/2021, gây ảnh hưởng đến 6.000ha lúa và hoa màu ở một số tỉnh Bắc Trung bộ như Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chủ trì Hội nghị sơ kết cùng Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh và Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chủ trì Hội nghị sơ kết cùng Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh và Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường. Ảnh: Bảo Thắng.

Nhờ Bộ NN-PTNT sớm triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2020-2021 và xác định vụ này nghiêng ấm, kế hoạch gieo cấy được đảm bảo. Bộ đã dự báo và tuyên truyền tới bà con nông dân từng đợt không khí lạnh (12 đợt cả vụ), và hiện tượng nắng nóng cục bộ ở một số tỉnh vùng núi Tây Bắc Bộ, như Mường La, Sông Mã (Sơn La) hồi tháng 3/2021.

Với sự vào cuộc sát sao của Bộ NN-PTNT, cộng thêm thời tiết vụ đông xuân 2020-2021 nhìn chung thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng, phát triển, các tỉnh phía Bắc chuyển đổi thành công cơ cấu cây trồng trên đất lúa. 

Song song với đó, các tỉnh, thành phố phía Bắc xây dựng thành công chương trình nông thôn mới, phong trào đồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn phát triển tạo ra các vùng nguyên liệu, vùng sản xuất hàng hóa có giống lúa chất lượng cao.

Bên cạnh năng suất, vụ đông xuân 2020-2021 ở các tỉnh phía Bắc còn ghi nhận sự chuyển dịch về cơ cấu giống lúa. Lúa chất lượng tại các tỉnh phía Bắc đạt khoảng 534.000 ha, chiếm 49,2% tổng diện tích gieo cấy, tăng khoảng 34.000ha so với năm trước. Vùng Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ lúa chất lượng cao nhất, với tỷ lệ 58,9% so với diện tích gieo cấy.

Diện tích gieo cấy lúa lai đạt 256.000ha, khoảng 23,6% tổng diện tích lúa gieo cấy, tăng 3.100ha so với năm trước. Một số tỉnh có diện tích gieo cấy lúa lai lớn như Thanh Hóa (84.800ha), Nghệ An (42.000ha), Phú Thọ (13.700ha)…

Lãnh đạo nông nghiệp xã Giao An, huyện Giao Thủy, Nam Định thăm cánh đồng trước lúc gặt. Ảnh: Bảo Thắng.

Lãnh đạo nông nghiệp xã Giao An, huyện Giao Thủy, Nam Định thăm cánh đồng trước lúc gặt. Ảnh: Bảo Thắng.

Làm đất sớm vụ hè thu, vụ mùa

Vui mừng khi vụ đông xuân 2020-2021 được mùa, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh bày tỏ: "Nhìn bà con được mùa, bán nông sản có lợi nhuận cao, tôi rất phấn khởi. Thành công của vụ đông xuân góp phần không nhỏ vào tăng trưởng ngành nông nghiêp năm 2021, đồng thời đảm bảo an ninh lương thực quốc gia".

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, thành tích này đáng biểu dương, nhưng các tỉnh chưa được chủ quan bởi mới có 15% lúa được thu hoạch. Với phương châm "Xanh nhà hơn già đồng", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khuyến cáo bà con sớm tập trung dứt điểm vụ đông xuân 2020-2021, làm đất sớm để chuẩn bị cho vụ hè thu, vụ mùa 2021.

"Kinh nghiệm từ vụ đông xuân cho thấy, nếu chủ động triển khai sớm, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả từ Bộ NN-PTNT đến địa phương, năng suất và sản lượng lúa, rau màu sẽ ổn định", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhận định.

Dựa trên định hướng của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, Cục Trồng trọt đề nghị các tỉnh Bắc Trung bộ: Vùng hè thu chạy lụt thu hoạch trước ngày 5/9. Riêng vùng thấp trũng thu hoạch trước 20/8. Vùng hè thu thâm canh thu hoạch chậm nhất 20/9. Vụ mùa sớm thu hoạch trong tháng 9, mùa chính vụ kết thúc cấy trong tháng 7. 

Với Đồng bằng sông Hồng và vùng Trung du miền Núi phía Bắc, Cục Trồng trọt khuyến cáo: vụ mùa sớm gieo từ 5-15/6, cấy xong trước 20/7. Mùa trung gieo mạ từ 20-25/6, cấy xong trước 20/7. Mùa muộn gieo từ đầu tháng 6 đến đầu tháng 7, cấy tuổi mạ khoảng 25-30 ngày, thu hoạch cuối tháng 10, đầu tháng 11.

Một nông dân ở huyện Giao Thủy, Nam Định thăm ruộng trước khi thu hoạch. Ảnh: Bảo Thắng.

Một nông dân ở huyện Giao Thủy, Nam Định thăm ruộng trước khi thu hoạch. Ảnh: Bảo Thắng.

"Các tỉnh, thành phía Bắc nên chủ động sớm gieo cấy vụ hè thu và vụ mùa, do năm nay vụ đông xuân được đẩy sớm. Cần ưu tiên những giống cây ngắn ngày, đặc biệt là những vùng chạy lũ. Vào cuối vụ, địa phương cần lưu ý thời tiết cực đoan có thể xảy ra", Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nói.

Về kế hoạch tiêu thụ nông sản, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh thông báo, mọi chuyện vẫn thông suốt bất chấp ảnh hưởng của Covid-19. Một số tỉnh, thành có nông sản thu hoạch trong thời gian ngắn như Bắc Giang, đã sớm đưa ra nhiều kịch bản. Ba tỉnh có cửa khẩu sang Trung Quốc, là Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh đảm bảo kim ngạch xuất khẩu, và lưu thông hàng hóa.

Về kỹ thuật chăm sóc, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh yêu cầu nông dân phía Bắc hạn chế gieo sạ. Ông cũng đặc biệt lưu ý bệnh lùn sọc đen, bệnh bạc lá tới bà con, bởi thời tiết vụ hè thu và vụ mùa thuận lợi cho bệnh phát triển, lây lan trên diện rộng.

Trong vụ hè thu và vụ mùa 2021, dự kiến miền Bắc gieo cấy trên 1,2 triệu ha, giảm khoảng 7.000ha so với năm 2020. Năng suất dự kiến đạt 51,8 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha. Sản lượng ước đạt 6,3 triệu tấn, tăng 4.000 tấn so với vụ hè Thu, vụ mùa 2020.

Trên cơ sở kế hoạch của Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố phía Bắc, Cục Trồng trọt dự kiến diện tích cây vụ đông 2021 khoảng 400.000ha. Trong đó, rau các loại chiếm 200.000ha, ngô 110.000ha, khoai lang 32.000ha. Tổng sản lượng ước đạt 4,8 triệu tấn.

Về nhóm cây trồng chủ lực vụ đông, Cục Trồng trọt định hướng gồm: ngô, đậu tương, khoai lang, khoai tây, rau đậu các loại. Trong đó, cây ngô, ngoài mục tiêu lấy hạt, ưu tiên phát triển nhóm ngô thực phẩm, thời gian sinh trưởng ngắn, thu bắp tươi phục vụ thị trường ăn tươi, chế biến và ngô sinh khối cho chăn nuôi đại gia súc.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh lưu ý, một địa phương không nên trồng quá nhiều loại rau màu, chỉ nên tập trung vào 3, 4 cây chủ lực, giúp dễ quản lý về thâm canh, sâu bệnh. Đáng mừng là hiện nay, cơ cấu giống của ngành nông nghiệp rất tốt. Chẳng hạn với lúa, ngoài lúa lai, bộ giống lúa thuần đang tốt và sẵn có.

  • Tags:
Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.