
Bà Tôn Nữ Thục Uyên, quyền Giám đốc Văn phòng TBT Việt Nam. Ảnh: Bảo Thắng.
Các yêu cầu về ghi nhãn đối với thực phẩm xuất khẩu vào EU được áp dụng từ ngày 13/12/2014, theo Quy định EU 1169/2011 về thông tin thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng của Ủy ban châu Âu.
Bà Tôn Nữ Thục Uyên, Quyền giám đốc Văn phòng TBT Việt Nam cho biết một số yêu cầu quan trọng như: việc ghi nhãn không được gây hiểu nhầm, nhãn sản phẩm phải được ghi chính xác, rõ ràng và dễ hiểu. Đặc biệt, nhãn sản phẩm không được phép gợi ý rằng thực phẩm giúp ngăn ngừa, điều trị và chữa bệnh cho người.
“Ghi dấu và ghi nhãn không được gây cản trở thương mại quá mức cần thiết để thực hiện mục tiêu hợp pháp”, bà Uyên nói và cho biết thêm, rằng quốc gia nhập khẩu không được phép yêu cầu nhà nhập khẩu đăng ký hoặc chứng nhận trước về nhãn hoặc dấu làm điều kiện để được đưa sản phẩm đã đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật bắt buộc ra thị trường, trừ trường hợp cần thiết vì nguy cơ đối với con người, động vật, thực vật, sức khỏe, tính mạng, môi trường hoặc an ninh quốc gia.
Ngoài ra, không ảnh hưởng tới quyền yêu cầu phê duyệt trước thông tin cụ thể trên nhãn theo các quy định trong nước liên quan.
Đối với nhãn sản phẩm, theo lãnh đạo Văn phòng TBT Việt Nam, thường bao gồm những thông tin (khoảng 12 thông tin) cơ bản như: tên thực phẩm; danh mục nguyên liệu; số lượng các nguyên liệu hoặc các nhóm nguyên liệu nhất định; khối lượng tịnh của thực phẩm; hạn sử dụng tối thiểu hoặc “sử dụng đến ngày”; điều kiện bảo quản/hoặc điều kiện sử dụng đặc biệt nếu có; tên hoặc tên doanh nghiệp và địa chỉ của doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm.
Cùng với đó, bất kỳ nguyên liệu hoặc phụ liệu nào liệt kê trong Phụ lục II của Quy định 1169/2011 hoặc bắt nguồn từ các chất hoặc sản phẩm liệt kê trong Phụ lục II gây dị ứng hoặc khó chịu được sử dụng trong sản xuất hoặc chế biến thực phẩm và có trong sản phẩm cuối cùng, mặc dù dưới một hình thức khác.
Nhãn trên sản phẩm phải có hướng dẫn sử dụng trong trường hợp khó có thể sử dụng thực phẩm đúng cách nếu không có những hướng dẫn đó. Riêng đối với đồ uống chứa hơn 1,2% hàm lượng cồn, nồng độ cồn theo hàm lượng.

Nhãn sản phẩm lưu hành tại thị trường EU cần thông tin chi tiết.
Chia sẻ thêm về việc ghi nhãn thông tin sản phẩm, TS Tôn Nữ Thục Uyên nhấn mạnh, rằng không được lừa dối người tiêu dùng về số lượng, thành phần, xuất xứ; thể hiện các thành phần không có trong sản phẩm; thể hiện đặc tính sản phẩm mà các sản phẩm khác đều có.
Đại diện Văn phòng TBT Việt Nam cũng thông tin, vấn đề công bố dinh dưỡng trên nhãn sản phẩm rất được người tiêu dùng châu Âu quan tâm. Doanh nghiệp cần ghi nhãn mặt trước bao gói, tự nguyện lặp lại thông tin công bố dinh dưỡng bắt buộc quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng ở mặt trước bao gói.
Thông tin lặp lại của sản phẩm phải được thể hiện dưới 1 trong các dạng: giá trị năng lượng (kJ và kcal) + béo/bão hòa/đường/muối.
Cuối cùng, nhãn sản phẩm phải thỏa mãn vấn đề tuyên bố dinh dưỡng và sức khỏe. Ví dụ tuyên bố liên quan tới chức năng: canxi đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của xương; tuyên bố giảm rủi ro bệnh tật: sử dụng canxi thường xuyên giúp giảm nguy cơ loãng xương; tuyên bố liên quan tới sự phát triển và sức khỏe của trẻ nhỏ: canxi cần cho sự phát triển xương của trẻ nhỏ.
Một dạng khác của tuyên bố dinh dưỡng, sức khỏe như: tuyên bố melatonin góp phần làm giảm cảm giác say máy bay: chỉ được sử dụng cho thực phẩm có ít nhất 0.5mg melatonin trên định lượng. Phải cung cấp thông tin cho người tiêu dùng rằng tác dụng đạt được khi sử dụng 0.5mg melatonin gần giờ ngủ trong ngày đầu tiên và trong vài ngày tiếp sau đó.
Nhận xét rằng, các yêu cầu về bao bì, nhãn mác của EU rất nghiêm ngặt, chi tiết, bà Uyên đề nghị doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm tuyệt đối không được sửa thông tin đi kèm thực phẩm nếu việc làm đó gây hiểu nhầm, hoặc làm giảm mức độ bảo vệ người tiêu dùng.
Doanh nghiệp cũng phải đảm bảo thông tin liên quan đến thực phẩm đóng gói sẵn dành cho người tiêu dùng, hoặc cung cấp cho các cơ sở phục vụ ăn uống quy mô lớn được truyền tải đến doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm nhận thực phẩm đó để khi cần thiết, cung cấp thông tin bắt buộc về thực phẩm đến tay người tiêu dùng sau cùng.
Trong trường hợp thực phẩm đóng gói sẵn, thông tin bắt buộc về thực phẩm phải được ghi trực tiếp trên bao bì hoặc trên nhãn gắn lên bao bì.
Thông tin bắt buộc về thực phẩm phải được ghi bằng ngôn ngữ dễ hiểu đối với người tiêu dùng của nước thành viên nơi thực phẩm được bán. Trong phạm vi lãnh thổ của mình, các nước thành viên nơi thực phẩm được bán có thể quy định rằng các chi tiết phải được nêu bằng một trong những ngôn ngữ chính thức của EU.
“Doanh nghiệp cần có biện pháp chủ động tìm hiểu các thông tin về hàng rào kỹ thuật (TBT), nhằm bảo đảm quyền lợi trước những rủi ro liên quan không cần thiết cho thương mại”, bà Uyên khuyến nghị.
Trên thực tế, Văn phòng TBT Việt Nam nhìn nhận, các biện pháp kỹ thuật có thể là những rào cản tiềm ẩn đối với thương mại quốc tế bởi chúng có thể được nước nhập khẩu sử dụng để bảo hộ cho sản xuất trong nước, gây khó khăn cho việc thâm nhập của hàng hoá nước ngoài vào thị trường nước nhập khẩu.
Do đó, thông qua các điều khoản về minh bạch hóa, Hiệp định TBT khuyến khích mạnh mẽ các nước thành viên sử dụng tiêu chuẩn quốc tế làm căn cứ cho các biện pháp quy chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp, nhằm tạo thuận lợi cho thương mại.