| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 27/04/2024 , 11:32 (GMT+7)
Nguyễn Nam Cường

Nguyễn Nam Cường

Giảng viên Đại học FPT - Nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc 11:32 - 27/04/2024

Hàn Quốc làm gì để cứu nông thôn?

Một trong những chiến lược tái thiết lại hình ảnh địa phương, Hàn Quốc có bước đi gần, bước đi xa và khâu chuẩn bị kỹ càng.

Hơn 8 giờ tối, vị trưởng làng gần 80 tuổi, vẫn còn cầm đèn pin đến thăm 8 lao động nam thời vụ của huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Ông muốn xác định lại xem, các lao động này còn cần hỗ trợ thêm gì từ ông và họ đã thật sự ổn định được chỗ ở mới chưa? Đây cũng là lần thứ 3 trong ngày ông đến thăm những lao động này trong số 20 nam lao động của Hậu Giang lần đầu tham gia chương trình phái cử lao động thời vụ theo hình thức cộng đồng tại ấp Doam, huyện Gangjin, tỉnh Jeollanam.

Tôi ấn tượng về tấm chân tình ấy. Mà đâu chỉ có trưởng làng, từ chiều các vị cao niên trong làng đã chờ xe đoàn chúng tôi đến để được tiếp nhận lao động về “cứu” cho làng nông nghiệp của họ. Được biết nơi sinh hoạt trong vài tháng tới của lao động là phòng sinh hoạt cộng đồng của ấp, dân làng đã tình nguyện nhường lại chỗ này, chờ huyện xây ký túc xá mới cho lao động nước ngoài. Họ mua thêm chăn, xin thêm tủ lạnh, lắp điều hòa, tân trang lại nhà vệ sinh, cải thiện hệ thống sưởi nền... từ sau mùa đông trước khi người lao động đến hơn 1 tháng.

Là người thông dịch cho đoàn, liên tiếp mấy ngày tôi luôn được trưởng phòng nông chính, chủ tịch hợp tác xã Nonghyeop huyện Gangjin, và cán bộ xã liên tục nhờ phiên dịch hỏi, người Việt Nam thích ăn gì vào buổi sáng, có thích Kimchi không? Bởi, họ muốn những lao động thời vụ người Việt Nam sẽ không có quá nhiều trở ngại hay gặp bất cứ vấn đề khó khăn nào khác trong suốt khoảng thời gian từ 5-8 tháng tới. Điều đó góp phần giúp cho nông dân làng của họ giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn lao động nông nghiệp mỗi khi mùa vụ bắt đầu.

Là một huyện nằm tận cùng ở Tây Nam bán đảo Triều Tiên, từng nổi tiếng với với những vần thơ của nhà thơ Kim Yun Sik, địa phương nổi danh với làng nghề gốm xanh từ thời Cao Ly này cũng không thể tránh khỏi tình trạng dân số siêu già, tỷ lệ sinh thấp đẩy địa phương có nguồn tài nguyên xanh, bề dày văn hóa lịch sử này vào tình trạng “diệt vong” theo chỉ định của Bộ An ninh Hành chính Hàn Quốc từ tháng 8/2021. Đã vậy, sau dịch covid trong bối cảnh tiền won mất giá nhiều năm liền đẩy giá vật tư đầu vào lĩnh nông nghiệp tăng cao. Nông dân đã khó, nay thêm phần khó khác đè trên vai. Vậy là địa phương và người dân không chờ, họ ra khơi tìm giải pháp.

Đó không phải là giải pháp tức thời, tự phát. Việc này, đã được Gangjin đầu tư từ 10 năm trước. Họ chủ động đến huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang để kết nghĩa, đều đặn hằng năm đến vùng quê Ngã Bảy không những tài trợ cho giáo dục, nhà ở mà còn nhiều hoạt động giao lưu khác để thắt chặt tạo mối quan hệ giao lưu kết nghĩa giữa hai địa phương. Bởi vậy với mối thâm tình ấy, đầu tháng 2/2024 này tỉnh Hậu Giang đã đồng ý ký MOU chương trình phái cử lao động thời vụ nông nghiệp theo hình thức cộng động với Gangjin mà không hề chút do dự nào.

Cùng thời điểm này, tại tỉnh Gyeongsang Bắc, thành phố Andong tuyển 57 lao động thời vụ theo chương trình này trong đợt 1/2024 cho nông dân của họ. Và chuẩn bị tiếp nhận thêm 33 lao động nữa vào đợt hai. Điều này, có thể thấy Hàn Quốc đang kích hoạt hệ thống lao động thời vụ nước ngoài bằng nhiều hình thức, đa dạng loại visa để làm hồi sinh lại nông thôn của họ bên cạnh các chiến lược khác như: cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, bảo tồn và phục tráng tài nguyên du lịch nông thôn.

Dân số trẻ về thành phố, tỷ lệ sinh nông thôn thấp, số người già trên 65 tuổi có nơi đã gần chạm 50% số dân của địa phương, giá nhân công trong nước cao, lao động nông nghiệp lao động nước ngoài giá rẻ là giải pháp người Hàn đang chọn. Đồng thời, họ tiếp nhận những địa phương có lịch sử ngoại giao để phối hợp quản lý việc lao động chống trốn là những bước đi có sự chuẩn bị trước của họ.

Trong bài phát biểu của mình, huyện trưởng Gang Jin Won còn khẳng định, họ sẽ có những chuyến khảo sát về Hậu Giang để hướng tới kế hoạch cấp học bổng tuyển học sinh trung học phổ thông ưu tú của huyện này sang Gangjin học, thành lập làng Việt với gian hàng phở, bánh mì để người Việt có thể định cư tại quê hương của họ.

Một trong những chiến lược tái thiết lại hình ảnh địa phương họ có bước đi gần, bước đi xa và khâu chuẩn bị kỹ càng. Thành công với phong trào làng mới. Tính chủ động, phối hợp bằng hành động “tự lực, tự cường” không phải là khẩu hiệu mà bằng hành động lại được người Hàn Quốc áp dụng trong giai đoạn mới, một lần nữa đã thể hiện rõ rệt.

Vài thập kỷ qua, Việt Nam cũng nhận thức rõ tầm quan trọng nông thôn là tương lai, nông nghiệp là sinh mệnh. Chúng ta cũng có nhiều chương trình hành động nhằm kéo giảm khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Trong đó có gửi lao động nông nhàn sang nước ngoài làm việc theo chương trình thời vụ. Bài toán gửi người lao động sang nước ngoài để làm việc nhằm hướng tới cải thiện thu nhập cho nông dân, mơ ước nông dân tiếp cận được kỹ thuật và tri thức nông nghiệp tiên tiến để trở về áp dụng cho quê nhà.

Thu nhập của nông dân từ những chương trình này là có thật. Như trường hợp lao động visa E9, chúng ta cần có những bước chuẩn bị cho lao động thời vụ mang tri thức mới trở về có thể áp dụng được trên chính mảnh vườn, thửa ruộng của mình để sự gửi đi và nhận về ít nhất phải được cần bằng như chính cách người Hàn Quốc đang giao lưu với chúng ta.