| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 28/05/2024 , 09:16 (GMT+7)
Nguyễn Nam Cường

Nguyễn Nam Cường

Giảng viên Đại học FPT - Nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc 09:16 - 28/05/2024

Mùa hè và nỗi buồn ở lại?

Tôi là người yêu những kỷ niệm thời học trò nên tôi cực kỳ thích lễ tri ân, ngày trưởng thành của các con.

Là giảng viên, tôi cũng cảm thấy rất hạnh phúc khi chứng kiến các em được xúng xính trong màu áo tốt nghiệp, vui vẻ bên bạn bè. Hơn hết vì đó là những thành quả đáng tự hào của gia đình, của các em sau một năm học vất vả.

Mới đây, tôi được xem một video ngắn thật ý nghĩa. Một giáo viên tiểu học lo sốt vó khi buổi tiệc buffet cuối năm gần kề của lớp mới chỉ có 20 gia đình đăng ký. Các gia đình khác không đăng ký phần vì khó khăn, không mấy dư dả. Phần còn lại chính trẻ không dám xin cha mẹ vì phí tham gia lên đến 200.000 đồng. Thầy giáo vì vậy mà chạy đến từng hộ gia đình vận động và hứa chắc nịch, các con chỉ cần đến, mọi chuyện khác thầy sẽ lo trong khả năng của thầy.

Trong khi đó, ở một nơi khác, một em học sinh lớp 1 lại phải ngồi nhìn các bạn liên hoan cuối năm lại trở thành chủ đề bàn tán. Câu chuyện mẹ cháu không chịu đóng góp được thanh minh, đính chính bằng những tố cáo, bóc phốt và trần tình trên mạng Tiktok từ đôi bên và cả người bàng quan.

Đặc biệt hơn, những tranh cãi nảy lửa xung quanh câu chuyện làm nhiều người khá bất ngờ, bật ngửa. Điều tôi bất ngờ là có nhiều ý kiến đồng tình về cách xử lý của những người lớn vô tâm này. Họ cho rằng phải làm như vậy để “dằn mặt” người phụ huynh kia, để năm sau phụ huynh ấy nhớ mà đóng đầy đủ các khoản phí cùng người khác, những trách móc giáo viên mà không có nhiều ý kiến nào quan tâm đến cảm xúc, những ảnh hưởng của em học sinh non nớt đó.

Thật hư câu chuyện dở cười dở khóc này, người ngoài cuộc như tôi có khả năng không thể thấu hiểu hết mọi nguyên nhân. Nhưng có thể chắc một điều, ký ức không mấy đẹp đẽ này sẽ mang theo suốt cả đời cho hành trình trưởng thành của một đứa trẻ. Trẻ con vô tư, hồn nhiên nhưng chúng cũng có khả năng ghi nhớ hết được tất cả mọi thứ mà chúng gặp phải, đặc biệt là những dấu mốc ghi nhớ sự trưởng thành.

Nhớ lại ngày trước, những dịp kết thúc năm học, lễ tốt nghiệp của chúng tôi cực kỳ đơn giản. Chỉ vài viên kẹo chia nhau trên lớp, những ly nước đá bào đầy màu sắc là đã đủ vui. Ấy vậy mà ba mươi mấy năm trôi qua, không có đứa nào trong chúng tôi quên nhắc đến mỗi khi gặp lại nhau.

Cuộc sống thay đổi, lễ nghĩa con người có những quy định khác nhằm khẳng định hai chữ vị thế, đẳng cấp. Tiệc tốt nghiệp, lễ ra trường của con các hoành tráng, càng chứng tỏ độ chịu chơi và sự giàu có của phụ huynh, của trường này với trường nọ. Điều đó vô tình đẩy ngày vui của các con trở thành ngày dùng để khẳng định giá trị của cha mẹ, của người lớn thành đạt và giàu có.

Rồi dần dà, các con cũng nhận thức được điều ấy từ người lớn, ngấm ngầm trở thành thói quen trong cách hành xử của bản thân từ lúc nào cũng không nhận thức được. Chúng không còn những xúc cảm thấu cảm, cảm giác sẻ chia, chỉ chọn cách đi thể hiện lại bản sao của cha mẹ vào chính những người bạn ngồi cùng bàn, cùng chơi và cùng lớn lên với mình.

Mới đây, trên một diễn đàn dành cho phụ huynh xứ sở có sự cạnh tranh về giáo dục vào mức khốc liệt nhất thế giới là Hàn Quốc, thêm một lần dậy sóng. Toàn bộ tất cả học sinh của một lớp tiểu học đã hống hách, ra mặt bắt nạt một người bạn cùng lớp. Chúng còn cô lập, khinh thường bạn mình chỉ vì em là người duy nhất trong lớp ấy không được cha mẹ cho đi du lịch nước ngoài giống chúng.

Phụ huynh của em học sinh bị bắt nạt không có ý trách móc, chỉ là đơn giản muốn chia sẻ, với mức lương 3 triệu rưỡi won (hơn 60 triệu đồng) hằng tháng của mình, chị hoàn toàn không có khả năng cho con đi du lịch Mỹ, Ý như các gia đình khác. Chị chỉ muốn các bậc phụ huynh khác thấu hiểu và đừng bỏ con mình lại phía sau. Người mẹ này còn chia sẻ thêm, phí học thêm, tiền ăn mỗi ngày của con, tính toán cho con đi du lịch trong nước cũng đã là khó trước đà lạm phát, giá cả tăng cao sau dịch Covid.

Có phải vì như vậy mà người Hàn Quốc sợ lập gia đình, sợ sinh con hơn bao giờ hết dù gánh nặng nuôi con luôn được chính phủ hỗ trợ cho những gia đình có kinh tế khó khăn. Nhưng ở một quốc gia chuộng hình thức, thích sự phô trương này vô tình gây nên áp lực không hề nhẹ cho người trẻ trước ngưỡng cửa thành thân lập thất.

Tỷ suất sinh lao dốc giảm không phanh, trong khi đó người trên 65 tuổi lại tăng vọt tính theo ngày tháng, nhiều trường học mỗi mùa khai giảng chỉ có 1 hay vài trẻ đến. Họ phải cho đóng trường, giảm biên chế giáo viên và kêu gọi học sinh nước ngoài đến trao học bổng, nhằm đào tạo, tạo nguồn lao động mới cho quốc gia có tương lai siêu già.

Trở lại Việt Nam, tôi thử search trên Google cụm từ “thu hội phí”, hàng loạt tít báo như: phụ huynh bị tẩy chay vì không đóng quỹ, con bị cho ra rìa vì mẹ không đóng quỹ hay giáo viên gặp khó vì phải đi đòi quỹ học sinh... có hằng hà kết quả như vậy, kéo dài từ năm này đến năm khác. Nhìn kết quả này, tôi hình dung đến câu chuyện của xứ bạn mà tưởng tượng về một viễn cảnh, nếu không có trường, không có học sinh như nước bạn chắc mới hết những kết quả như vậy. Nhưng thật đáng sợ nếu điều ấy thật sự xảy ra.

Là phụ huynh của một trẻ “đặc biệt”, tôi thật sự có chút chạnh lòng, ganh tỵ và nhiều cảm xúc khác đan xen khác mỗi khi mùa tổng kết năm học lại về. Khác với nhiều trẻ khác, con tôi không có mùa hè và cũng không có lễ trưởng thành, tri ân. Cháu đang phải vật lộn với con chữ để có thể tập nói bình thường và ước mơ được nhập học vào năm học tới vì đã trễ rất nhiều năm. Nhưng kèm đó là một nỗi lo của thì tương lai, nếu con tôi được nhập học, những buổi liên hoan cuối năm của con sẽ như thế nào?

Chúng ta có một slogan, mỗi ngày đến trường là một niềm vui. Hà cớ gì ngày cuối cùng của trẻ, chúng ta lại để một nỗi buồn cho chúng?

Bình luận mới nhất