Từ sau dịp lễ 30/4 năm nay, 'chữa lành' đã trở thành từ khóa hot nhất trên mạng xã hội. Fanpage trường Đại học FPT Cần Thơ mới đây còn đặt một status dễ thương, nếu có 5 phút để đi "chữa lành", bạn sẽ đến nơi nào trong trường chúng ta? Những status như vậy không những làm người ta thấy vui mà còn có ý muốn chia sẻ, giải tỏa những căng thẳng, áp lực từ học tập hay công việc tự mang đến cho con người mỗi ngày.
Song, cũng có những status “chữa lành” mà ẩn sâu trong đó là không chỉ để người ta vui mà còn đáng để suy ngẫm. Chẳng hạn chọn về quê để “chữa lành” là một trong số đó. Trend này có thể nói vẫn còn đang thịnh hành, nhất là với các bạn làm văn phòng ở các thành phố lớn ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương. Chúng đang khuấy động ở Tiktok và Facebook, được nhiều người bình luận, chia sẻ rầm rộ.
Không chỉ có Việt Nam, "Tôi là nông dân" số mới nhất của đài NBS Hàn Quốc kể về câu chuyện chọn nông thôn làm nơi "chữa lành" của vợ chồng ông Yun, 62 tuổi. Từng là trưởng phòng quản lý một chung cư lớn ở Seoul, ông đã chọn làm nông dân ở độ tuổi thất thập cổ lai hy.
Ông kể, do tính chất công việc, ông thường xuyên bị stress nặng nên quyết định chọn Yeongwol, một huyện miền núi sâu thuộc tỉnh Gangwon để trồng cây Dureup (một loại rau rừng có giá trị dinh dưỡng hơn cả thịt bò, có giá vài triệu đồng cho 1kg) là nơi "chữa lành" cho gia đình.
Thế nhưng, cũng giống như bao gia đình nông dân khác, công việc làm nông không phải dễ dàng và có được nguồn thu nhập ổn định. Bao lần có ý định muốn từ bỏ. Rồi một biến cố khác, lớn hơn để vợ Yun một lần nữa quyết định bám trụ lại vùng núi non này. Người con thứ 3 đang là nhân viên văn phòng ở Seoul bị bệnh máu trắng, gánh nặng kinh tế thêm lần nữa chồng lên những gánh nặng kinh tế khác dù con trai cũng đã có bảo hiểm y tế lo. Với gia đình ông bà, nông thôn vẫn là nơi an toàn nhất trước những khó khăn của gia đình.
Để thích nghi hơn với cuộc sống nông thôn, vợ Yun tích cực tham gia vào các lớp học hỗ trợ gián tiếp từ chính phủ và địa phương. Sau khi hoàn thành và nhận được chứng nhận cấp sản phẩm rau rừng nhà trồng là nông sản hữu cơ, thân thiện môi trường, gia đình mới thật sự dần đi vào ổn định hơn trước. Từng phản đối ba mẹ, con trai út của Yun cũng chấp nhận mình là nông dân. Anh bắt đầu giúp cha mẹ hình thành kênh quảng bá bán rau rừng online để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Ngoài gián tiếp, gia đình Yun còn bắt đầu nhận hỗ trợ trực tiếp từ chính sách của chính phủ. Tới đây, người con trai lớn cũng trở về từ Seoul, cùng Yun và con trai út thành lập trang trại nhà kín thông minh và xây kho đông lạnh bảo quản, nhằm khép kín quy trình trồng, từ khâu chuẩn bị giống đến khâu tiêu thụ sản phẩm.
Thử tìm kiếm Google về nội dung quy nông, quy hương tại Việt Nam, những tít báo như: tôi thất bại, tôi tháo chạy khỏi nông thôn khi bỏ phố về làng... tôi bỗng dưng chạnh lòng. Nếu phân tích, có nhiều người nhận được liệt kê: Người bỏ phố về quê chưa thật sự chuẩn bị năng lực đối ứng với cuộc sống nông thôn, hạ tầng nông thôn yếu kém không đủ giữ chân người tìm về. Hay phần vì tốc độ đô thị hóa làm nông thôn trở nên lạc hậu? Nông thôn Việt vì vậy chỉ có thể là chốn “chữa lành” tạm cho những lần tháo chạy khỏi thế giới căng thẳng của người trẻ?
Và cũng có phải vì như vậy mà nông thôn ở châu Âu như Pháp, họ đã có chiến lược xây dựng làng quê là một nguồn tài nguyên mạnh, không chỉ trên phương diện vật chất mà còn là tinh thần, thật sự để là nơi an toàn đáng để chọn sống, nơi một lần đến là muốn trở lại chứ không phải chỉ là chốn chữa lành tạm. Cho du khách tìm về.
Những chương trình hỗ trợ đồng bộ từ nhiều bên, nhiều phía để cho người nông thôn có sinh kế bền vững. Kèm với đó là những chính sách trực tiếp, gián tiếp hỗ trợ đi song hành nhằm giảm khoảng cách giữa nông thôn và đô thị. Chiến lược phát triển du lịch nông thôn để nông thôn mạnh hơn về hạ tầng, đường sá và trường trạm, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người trẻ từ tìm về sinh kế và an cư lạc nghiệp.
Tôi đọc khá nhiều luận án, luận văn thấy người Hàn Quốc chọn phân tích khá kỹ lưỡng về những thành công của châu Âu, Nhật Bản cho chiến lược xây dựng nông thôn của họ, khi dân số ở nước này đã chạm lằn ranh dân số siêu già. Để giảm khoảng cách nông thôn và thành thị, người Hàn Quốc còn cho xây dựng những vùng đô thị đệm. Nó như là một nơi trung chuyển mang nhiều ý nghĩa chiến lược cho cả thành thị và nông thôn trong chiến lược đem người về cho nông thôn và giảm áp lực di dân thụ động mà đô thị lớn đang phải gánh gồng.
Những chương trình phim tài liệu như đài NBS, KBS, SBS cũng là kênh quảng bá giúp cho nông thôn. Những bộ phim tài liệu này như là một câu chuyện phim thực tế về người nông dân mới, trong thời đại mới của người Hàn Quốc. Qua những chương trình như thế, tôi dẫu là một người nước ngoài vẫn cảm nhận được nông thôn họ thật sự khỏe, để "chữa lành".
Thật vậy, để nông thôn là nơi có thể "chữa lành" được nhiều vết thương khác nhau thì nông thôn đó phải thật sự khỏe.