| Hotline: 0983.970.780

Thế hệ sinh viên Hà Nội đầu tiên nhập ngũ vào Nam

Hàng chục năm lặn lội đi tìm mộ

Thứ Tư 28/07/2021 , 05:55 (GMT+7)

Từ lúc xác nhận được tin anh trai hy sinh tại Kon Tum, ông Nguyễn Ngọc Hòa thường xuyên tìm đến Trung đoàn 66, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 để quy tập mộ.

Bức ảnh chụp 8 người thuộc đơn vị ông Nguyễn Lê Mỹ (hàng ngồi, ngoài cùng bên trái) và ông Phạm Ngọc Hùng (hàng đứng, thứ hai từ trái sang). Ảnh: NVCC.

Bức ảnh chụp 8 người thuộc đơn vị ông Nguyễn Lê Mỹ (hàng ngồi, ngoài cùng bên trái) và ông Phạm Ngọc Hùng (hàng đứng, thứ hai từ trái sang). Ảnh: NVCC.

Không có giấy báo tử

Bốn năm kể từ khi nghỉ hưu hồi 2017 đến lúc vào Kon Tum đắp mộ gió cho anh trai - liệt sĩ Nguyễn Lê Mỹ - ông Nguyễn Ngọc Hòa, ở ngõ 639 Hoàng Hoa Thám chưa lúc nào ngủ yên. Nhiệm vụ ấy vốn do cụ thân sinh Nguyễn Văn Thiện đảm nhiệm từ những ngày đầu giải phóng. Sau khi cụ Thiện tạ thế năm 2002, ông Hòa xem đó như bổn phận phải làm tròn với cha, anh.

“Ngày anh Mỹ nhập ngũ, tôi hơn 10 tuổi, còn nhỏ lắm nên không rõ chuyện. Chỉ nhớ, trước khi lên đường, anh dặn chúng tôi gắng học tốt và chăm sóc bố mẹ”, ông Hòa kể.

Trong trí nhớ của ông Hòa, người anh cả luôn hết lòng vì các em, từ việc đăng ký nhập ngũ khi vừa rời ghế nhà trường, cho tới cả chuyện gửi gắm những bạn bè ở lại. Ngày anh trai đóng quân dưới Thanh Trì, thỉnh thoảng ông Hòa vẫn theo xe đạp của một người bạn anh Mỹ xuống thăm.

Tấm ảnh lịch sử mà ông Nguyễn Đình Tư đồn đoán, ra đời trong hoàn cảnh ấy. Bố của một đồng đội trong đơn vị ông Mỹ mang máy ảnh, chụp lại 8 người trước khi vào miền Nam chiến đấu, và gửi tặng mỗi gia đình một bức làm kỷ niệm. Đằng sau bức ảnh có chú thích tên, nhưng sau 50 năm, nét chữ bị phai màu, khiến ông Hòa khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin.

“Suốt những năm tháng ấy, gọi là quy tập mộ nhưng tôi vẫn giữ 1% hy vọng, rằng anh trai còn sống. Chiến tranh khốc liệt, không nói trước nhưng cũng chẳng thể kết luận được điều gì, trừ phi mắt thấy, tai nghe”, ông Hòa nói.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa thắp hương bên mộ gió của anh trai Nguyễn Lê Mỹ tại Ngọc Rinh Rua, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Đức Minh.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa thắp hương bên mộ gió của anh trai Nguyễn Lê Mỹ tại Ngọc Rinh Rua, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Đức Minh.

Trường hợp của liệt sĩ Nguyễn Lê Mỹ khá đặc biệt. Thời điểm ông hy sinh, ngày 5/4/1971, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66 của ông bao vây cao điểm Ngọc Rinh Rua, một vị trí quan trọng trong tuyến phòng ngự của địch, do một tiểu đoàn hỗn hợp pháo binh và bộ binh chiếm giữ. Đó là một trận đánh ác liệt, kéo dài nhiều ngày đêm, khiến nhiều chiến sĩ không trở về.

Do không tìm thấy xác, đơn vị cho rằng ông Mỹ mất tích và không làm giấy báo tử về cho gia đình. Cuối 1971, qua một lá thư từ chiến trường gửi về, cụ Thiện mới biết sự việc. Dù vậy, cụ giấu kín thông tin với cả nhà và âm thầm đi xác minh thông tin. Sang năm 1972, thông qua cụ Phạm Ngọc Xứng là bố của liệt sĩ Phạm Ngọc Hùng - cùng đơn vị với liệt sĩ Mỹ - cụ Thiện tìm được nhà của ông Nguyễn Đình Tư, một thương binh cùng Trung đoàn 66 trở về. Nhờ ông Tư, cụ Thiện biết con trai đã nằm lại ở chiến trường Kon Tum.

“Thời gian ấy, tôi mới học cấp II. Thỉnh thoảng thấy bố ngồi im trầm tư, tôi gặng hỏi nhưng cụ giấu. Hòa bình lập lại, không thấy anh Mỹ về, chúng tôi mới biết sự thật. Có lẽ, bố tôi muốn giữ nỗi buồn ấy cho riêng mình”, ông Hòa xúc động chia sẻ. Cũng theo ông Hòa, nhờ lá thư từ chiến trường kia, gia đình ông mới xin được giấy báo tử và làm chế độ cho liệt sĩ Mỹ ở Quận đội Hoàn Kiếm vào năm 1977.

Ông Trương Văn Thắng (giữa), Đội trưởng Đội Quy tập hài cốt liệt sỹ Quân đoàn 3. Ảnh: Đức Minh.

Ông Trương Văn Thắng (giữa), Đội trưởng Đội Quy tập hài cốt liệt sỹ Quân đoàn 3. Ảnh: Đức Minh.

Hành trình hàng chục năm

Chiến tranh đi qua, nhưng bất cứ người làm cha, làm mẹ nào cũng muốn biết tường tận về nơi con mình hy sinh. Cụ Nguyễn Văn Thiện không phải ngoại lệ. Vào những năm 1990, khi đã ngoài 70 tuổi, cụ khiến cả gia đình bất ngờ khi xin vào Tây Nguyên dạy vẽ cho người dân. Mục đích không ngoài việc hỏi han thông tin về con trai cả.

Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Lâm Đồng, tỉnh nào cũng in dấu chân cụ Thiện. Chỉ cần nghe ở đâu có Trung đoàn 66, Sư đoàn 10 từng đóng quân, là cụ tìm tới bằng được. Có những chuyến đi, theo lời kể của ông Hòa, kéo dài cả tháng. Thậm chí sáng dạy vẽ, chiều cụ sẵn sàng lên xe đi tìm tới tinh mơ hôm sau.

Trời không phụ lòng người. Quãng năm 1996, cụ Thiện và ông Hòa kết nối được với Phòng Chính trị Sư đoàn 10. Tháng 7/1997, Phòng Chính trị Sư đoàn 10 gửi thư trả lời. Những thông tin về đơn vị của liệt sĩ Nguyễn Lê Mỹ như Đại đội 11, Tiểu đoàn 9 được xác nhận.

Ngoài ra, Phòng Chính trị Sư đoàn 10 còn nêu chi tiết về trường hợp hy sinh: "Do trận đánh không dứt điểm, đơn vị tạm rút về phía sau, nhưng không thấy đồng chí Mỹ trở về nên kết luận mất tích. Tháng 3/1974, giữa ta và địch thực hiện chính sách trao đổi tù binh. Trong đợt đơn vị đón người của ta về có đồng chí Tâm - người trực tiếp tham gia cùng chiến đấu cho biết, đồng chí Mỹ đã hy sinh tại trận địa. Do tính chất phức tạp của chiến tranh, sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, đơn vị đã nhiều lần đi tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ, đến nay cũng vẫn chưa có kết quả".

Hơn 25 năm đau đáu với câu hỏi, “Mỹ còn sống hay đã hy sinh” của cụ Thiện, của ông Hòa, phần nào được giải đáp. Nhưng với gia đình, như thế là chưa đủ đền đáp người đã khuất.

Ngôi mộ gió của liệt sĩ Nguyễn Lê Mỹ, đầu hướng về phía Bắc. Ảnh: Đức Minh.

Ngôi mộ gió của liệt sĩ Nguyễn Lê Mỹ, đầu hướng về phía Bắc. Ảnh: Đức Minh.

Nhờ mối lương duyên với ngành quân đội, từ những năm 2000, ông Hòa thay bố vào Tây Nguyên tìm mộ anh trai. Năm 2003, ông vào Gia Lai, tìm đến Sư đoàn 10 và gặp ông Đàm Duy Hùng, cán bộ Phòng Chính trị Sư đoàn. Quá trình xác minh cho thấy, ông Nguyễn Lê Mỹ có tên trong danh sách liệt sĩ của Trung đoàn 66 hy sinh ở Kon Tum. Những lần thăm sau đó, ông Hòa được dẫn đến chân ngọn Ngọc Rinh Rua, nơi ông Mỹ ngã xuống.

Mọi chuyện sáng tỏ vào khoảng năm 2010, khi ông Hòa gặp đại tá Phạm Chào, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 3. Hồi 1971, ông Chào là cán bộ của Trung đoàn 66, thuộc mặt trận B3 - Tây Nguyên (sau là Sư đoàn 10). Là người chịu trách nhiệm ghi lại diễn biến các trận đánh, ông Chào kể rành rọt về thế yên ngựa của đồi Ngọc Rinh Rua hôm ấy, về những màn đọ hỏa lực quyết liệt giữa ta và địch, đồng thời giải thích tại sao liệt sĩ Mỹ lại không thể quy tập được ngay sau trận đánh. Nguyên do bởi sườn đồi theo hướng Tiểu đoàn 9 của ông Mỹ tấn công quá dốc, khiến đồng đội tuyến sau không kịp tiến lên lo hậu cần.

Cởi được nút thắt trong lòng, nhưng ông Hòa chưa dừng lại. Trong khoảng 6, 7 năm kế tiếp, hễ nghe ở đâu có cựu chiến binh Trung đoàn 66 là ông lại tìm đến. Ông tâm niệm, chiến tranh trôi qua gần 40 năm (thời điểm năm 2014), nhiều sự vật, sự việc khó có thể kiểm chứng. Do đó, càng nghe thông tin nhiều chiều, ông càng biết tường tận những gì đã thực sự xảy ra với anh trai Nguyễn Lê Mỹ.

Đều đặn hàng năm, ông Hòa khi thì một mình, lúc đưa cả vợ con, vào Kon Tum, thắp hương tại Nhà tưởng niệm Sư đoàn 10. Đến hè 2021, tròn 50 năm ngày mất của anh trai, ông đề đạt nguyện vọng lên chiến trường xưa, nơi anh Mỹ hy sinh năm 1971. Được cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3 và Thượng tá Trương Văn Thắng, Đội trưởng Đội Quy tập hài cốt liệt sỹ Quân đoàn tạo điều kiện, ông Hòa hoàn thành tâm nguyện, đắp mộ gió cho người anh xấu số, và mang một nắm đất Ngọc Rinh Rua về rải trên mộ bố mẹ.

Xem thêm
Nông nghiệp - PTNT năm 2024: Vượt gian khó lập kỳ tích

14h00 hôm nay (27/12), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, triển khai kế hoạch năm 2025 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Báo Nông nghiệp Việt Nam xin điểm lại một số dấu ấn nổi bật của ngành trong năm 2024.

Làm đường hư hỏng công trình thủy lợi, hơn 5 ha đất sản xuất bỏ hoang

YÊN BÁI Cả cánh đồng ruộng bậc thang rộng khoảng 5 ha của người dân thôn Khe Mạng bỏ hoang, cỏ mọc um tùm bởi công trình thủy lợi bị hư hỏng do làm đường giao thông.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.