| Hotline: 0983.970.780

Hàng chục ngôi nhà ở khu tái định cư bị bỏ hoang

Thứ Ba 26/07/2022 , 07:50 (GMT+7)

Những ngôi nhà được xây dựng để bố trí tái định cư cho người dân nhưng không được sử dụng. Sau nhiều năm đã xuống cấp, gây lãng phí.

Khu vực tổ 3 (thôn Tây, xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi) cách xa trung tâm, đường sá đi lại khó khăn và nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở. Ảnh: L.K.

Khu vực tổ 3 (thôn Tây, xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi) cách xa trung tâm, đường sá đi lại khó khăn và nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở. Ảnh: L.K.

Người dân ở các tổ 1, 3 , 4 của thôn Tây (xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng) sinh sống ở dưới triền núi, có nguy cơ sạt lở nên mỗi năm cứ đến mùa mưa bão thường phải sơ tán đến địa điểm an toàn. Trước thực tế này, huyện Trà Bồng đã tiến hành đầu tư xây dựng khu tái định cư ở tổ 2 để người dân các khu vực trên chuyển về sinh sống, tránh gây thiệt hại về tính mạng và tài sản mỗi khi thiên tai xảy ra.

Khu tái định cư được xây dựng với kinh phí hơn 9 tỷ đồng, được hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2015.

59 hộ dân được bố trí tái định cư, trong đó mỗi hộ nhận gần 300m2 đất và một căn nhà trị giá 45 triệu đồng. Ngoài ra, khu tái định cư này cũng được đầu tư tương đối bài bản với hệ thống đường giao thông bê tông hóa, nước sạch, điện thắp sáng cùng các cơ sở hạ tầng thiết yếu như trường học, nhà sinh hoạt cồng đồng….

Huyện Trà Bồng kỳ vọng, khu vực này sẽ trở thành điểm sáng về tái định cư, giúp người dân ổn định đời sống, yên tâm sản xuất, không còn nỗi lo về sạt lở mỗi khi vào mùa mưa bão. Thế nhưng, thực tế sau đó lại xuất hiện một số bất cập khi nhiều hộ dân không chịu nhận đất, nhận nhà. Một số hộ khác thì chỉ đến sinh sống 1 thời gian ngắn sau đó bỏ về nơi ở cũ.

Hàng chục ngôi nhà ở khu tái định cư ở tổ 2 (thôn Tây, xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi) được xây dựng với kinh phí hàng chục triệu đồng nhưng người dân không chịu về sinh sống. Ảnh: L.K.

Hàng chục ngôi nhà ở khu tái định cư ở tổ 2 (thôn Tây, xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi) được xây dựng với kinh phí hàng chục triệu đồng nhưng người dân không chịu về sinh sống. Ảnh: L.K.

Anh Hồ Văn Thái (trưởng thôn Tây, xã Trà Sơn) cho biết, sau khi khu tái định cư được xây dựng xong, có khoảng 7 hộ dân ở tổ 4 chuyển về đây ở 1 thời gian rồi trở lại chỗ cũ. Còn những hộ ở tổ 3 thì nhất quyết không chịu chuyển về. Trong khi đó, tại khu vực người dân tổ 3 đã từng xảy ra 1 vụ sạt lở vào năm 2020. Tuy vụ việc không gây ra thiệt hại về người nhưng việc họ vẫn bán trụ ở nhà cũ là rất nguy hiểm.

“Chính quyền xã, thôn cũng đã nhiều lần lên vận động người dân ở tổ 3 chuyển về khu tái định cư nhưng không có lần nào có kết quả. Nguyên nhân các hộ đưa ra 1 phần là do phong tục tập quán, 1 phần là do về đây không có đất sản xuất, trong khi khu tái định cư này lại cách nương rẫy cũ của họ rất xa, mỗi lần đi làm rẫy phải đi hết 1 nửa ngày đường”, anh Thái cho biết.

Cũng theo anh Thái, thực tế cho thấy, việc người dân không chịu về khu tái định cư sinh sống đã gây ra nhất nhiều khó khăn. Đặc biệt là đối với các em học sinh. Vì ở xa, nên mỗi ngày, các em học sinh phải đi bộ từ 4 giờ sáng để đến trường. Đó là chưa kể những ngày mưa lũ, giao thông bị chia cắt, đành phải nghỉ học. Chính quyền cũng động viên người dân sửa chữa lại những ngôi nhà bỏ không ở khu tái định cư để các em học sinh về ở lại, thuận tiện cho việc học tập nhưng không có hộ nào đồng ý.

Nhiều ngôi nhà sau nhiều năm không sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: L.K.

Nhiều ngôi nhà sau nhiều năm không sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: L.K.

Ghi nhận thực tế, trong tổng số 59 căn nhà được xây dựng để bố trí tái định cư cho người dân ở thôn Tây, xã Trà Sơn thì có đến 24 căn nhà bỏ hoang. Do không sử dụng suốt một thời gian dài nên hầu hết những căn nhà này đều đã xuống cấp trầm trọng, cỏ dại mọc xung quanh sân vườn. Phía bên trong ngôi nhà trống hoắc, nền móng sụt lún, các bức tường loang lỗ, rêu phủ.

Không những vậy, do ảnh hưởng của cơn bão số 9 năm 2020, nhiều ngôi nhà còn bị tốc hết mái, cửa sổ, cửa chính bị hư hỏng. Thậm chí, một số căn nhà còn trở thành chuồng nuôi gia súc của những hộ dân lân cận. Tuy vậy, đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa thể có giải pháp khắc phục.

Trao đổi với PV, ông Trần Văn Sương, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng cho biết, vừa rồi, huyện cũng đã giao cho xã Trà Sơn tiến hành họp dân để tìm phương án giải quyết. Trước mắt là tuyên truyền, vận động người dân chuyển về khu tái định cư sinh sống bởi điều kiện nơi ở cũ hiện tại và sau này rất khó khăn.

“Nếu người dân được bố trí không có nhu cầu ở nữa thì tiến hành thu hồi để chuyển cho những hộ khác. Bởi hiện nay nhu cầu nhà ở của người dân địa phương còn rất nhiều. Trong thời gian tới, sau khi xử lý xong thì chúng tôi sẽ có báo cáo cụ thể”, ông Sương nói.

Xem thêm
Đại biểu Quốc hội kiến nghị nâng ít nhất 2,5 lần giá khoán bảo vệ rừng

Thảo luận tại nghị trường, các đại biểu Quốc hội quan tâm đến vấn đề khoán bảo vệ rừng và đề xuất cần nâng mức hỗ trợ lên ít nhất 2,5 lần.

Hỗ trợ nông dân có lúa bị thiệt hại bên đường cao tốc qua Hậu Giang

Hậu Giang Các đơn vị liên quan thống nhất hỗ trợ nông dân có diện tích lúa bị thiệt hại cặp bên dự án làm đường cao tốc đoạn qua tỉnh Hậu Giang.

VinFast VF 3 - 'chân ái' sang xịn mịn của dân văn phòng

Với mức giá chỉ từ 240 triệu đồng, chính sách trả góp hơn 2 triệu đồng/tháng, thiết kế nhỏ gọn và phong cách, VF 3 đang là cái tên 'hot rần rần' với người dùng Việt, đặc biệt là giới văn phòng, công sở.

Giấc mơ 'trên giấy' của làng chài Nguyệt Đức: [Bài 2] Nỗi niềm của ông chủ tịch

Tỉnh Bắc Giang nhiều năm qua đã nỗ lực hoàn thiện đề án đưa người dân làng chài Nguyệt Đức lên bờ. Đường đi đã có nhưng chờ mãi 'cánh cửa' vẫn chưa được mở!