| Hotline: 0983.970.780

Cuộc sống khởi sắc tại khu tái định cư dự án hồ Krông Pách Thượng

Chủ Nhật 01/05/2022 , 10:06 (GMT+7)

Những căn nhà mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ giúp cho cuộc sống người dân tại khu tái định cư Cư Êlang ngày càng khởi sắc.

Cuộc sống dần đi vào ổn định

Những ngày cuối tháng 4, chúng tôi tìm về khu tái định cư số 1 thuộc dự án Hồ chứa nước Krông Pách Thượng tại xã Cư Êlang, huyện Ea Kar (Đắk Lắk) không khỏi ngỡ ngàng khi cơ sở hạ tầng được đầu tư bài bản, cuộc sống người dân khởi sắc qua từng ngày.

Nhìn từ xa những căn nhà rộng rãi nối liền nhau tạo thành một quần thể dân cư ổn định. Bên cạnh đó, một số hộ đang tất bật hoàn thiện căn nhà tại khu tái định cư để ổn định cuộc sống.

Đang loay hoay trồng lại vườn rau của gia đình, chị Hầu Thị Sủa (29 tuổi) cho biết, gia đình từ thôn 9 (xã Cư Yang) chuyển qua khu tái định cư hơn một năm. Sau khi chuyển qua khu tái định cư, gia đình chị Sủa đã dựng ngôi nhà gỗ khang trang trên mảnh đất được cấp. Số đất vườn còn lại, chị Sủa trồng rau, nuôi gà để cải thiện cuộc sống.

“Hơn một năm trước gia đình đến nơi ở mới, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, bà con lối xóm đã dựng căn nhà để sinh hoạt, cuộc sống dần ổn định”, chị Sủa nói và cho biết, ngoài đất ở gia đình còn được cấp thêm 5 sào đất canh tác lúa nước, 5 sào đất trồng hoa màu. Theo chị Sủa mỗi vụ gia đình thu về khoảng 4 tấn lúa khô nên không lo thiếu lương thực. Hiện tại, mọi sinh hoạt, sản xuất của gia đình tại đây đã dần đi vào ổn định.

Căn nhà khang trang của gia đình ông Mo Văn Vệ tại khu tái định cư Cư Êlang. Ảnh: Quang Yên.

Căn nhà khang trang của gia đình ông Mo Văn Vệ tại khu tái định cư Cư Êlang. Ảnh: Quang Yên.

Cách nhà chị Sủa hơn 100 mét, là căn nhà khang trang, bên trong chứa máy gặt, máy cày hiện đại của gia đình ông Mai Seo Măng (62 tuổi).

Lúc nhận tin phải chuyển đi nơi ở mới, ông Măng cũng lo lắng, bởi dẫu sao cũng gắn bó với thôn 15 (xã Cư Yang, huyện Ea Kar) gần cả đời người. Thế nhưng theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước, ông Măng đồng ý chuyển nhà, nhường đất thực hiện dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng. Sang nơi ở mới, ông dựng lại căn nhà cũ, trồng cây lúa, bắp; nuôi gà, vịt làm thức ăn cho gia đình. Hiện tại, cuộc sống gia đình ông cơ bản ổn định.

“So với nơi ở cũ, khu tái định cư có nhiều thuận lợi như đường bê tông bằng phẳng, điện kéo tận nhà. Ở thôn cũ, trường cấp 1 cách nhà hơn 5 cây số; vừa xa mà toàn đường đất đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Nay khu mới, trường học gần hơn; Có phân hiệu nằm trong khu tái định cư, trẻ đi chừng 500m là tới”, ông Măng kể.

Nhiều chính sách hỗ trợ người dân

Ngoài những ngôi nhà dân, điểm nhấn của dự án là trường Tiểu học Trần Bình Trọng, trường Mầm non Tuổi thơ được đầu tư xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu học tập của con em các hộ dân khu tái định cư và người dân địa phương.

Là một trong những người chuyển về khu tái định cư đầu tiên, thầy Nông Văn Khí, giáo viên Trường Tiểu học Trần Bình Trọng cho biết, gia đình vào thôn 15 (xã Cư Yang, huyện Ea Kar) sinh sống từ năm 1987.

Vợ chồng anh Vàng Seo Kheo bên ôtô mới mua của gia đình. Ảnh: Quang Yên.

Vợ chồng anh Vàng Seo Kheo bên ôtô mới mua của gia đình. Ảnh: Quang Yên.

Theo thầy Khí, nơi ở cũ đất canh tác nhiều, song điều kiện sản xuất không thuận lợi, không chủ động được nguồn nước tưới nên năng suất, sản lượng thấp. Chưa kể, cơ sở hạ tầng không được đầu tư nên việc đi lại, giao thương hàng hóa khó khăn, cuộc sống gia đình tôi và nhiều hộ dân ở thôn 15 luôn trong tình trạng thiếu thốn.

Cuối năm 2019, gia đình thầy Khí chuyển đến khu tái định cư số 1 để giao đất thực hiện Dự án Hồ chứa nước Krông Pách Thượng. Đến khu tái định cư, gia đình thầy được giao đất ở, đất sản xuất. Thầy Khí cho hay, đến nay gia đình đã sản xuất được 3 vụ lúa, điều kiện sản xuất thuận lợi nên mỗi vụ gia đình thu về khoảng 4 tấn.

“Công việc ở khu tái định cư cũng thuận lợi hơn nhiều, nhà cách trường chỉ khoảng 500m, đường bê tông bằng phẳng nên dù nắng hay mưa cũng không lo lắng việc đến trường như trước đây. Qua khu ở mới, các trẻ nhỏ cũng tiếp cận được với cơ sở vật chất, điều kiện học tập tốt hơn”, thầy Khí chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Thìn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, khu tái định cư số 1 thuộc hợp phần bồi thường giải phóng mặt bằng, di dân và tái định cư thuộc Dự án Hồ chứa nước Krông Pách hượng. Khu tái định cư số 1 có tổng diện tích sau khi điều chỉnh hơn 370 ha. Trong đó, khu đất tái định cư 65 ha; diện tích canh tác là 306 ha gồm đất trồng cây hằng năm, đất trồng lúa. Quy mô của khu tái định cư số 1 sẽ bố trí 300 hộ dân sinh sống. Hiện nay, hầu hết người dân đã chuyển về khu tái định cư số một sinh sống.

Được cơ quan chức năng tạo mọi điều kiện, cuộc sống người dân tại khu tái định cư đang khởi sắc từng ngày. Ảnh: Quang Yên.

Được cơ quan chức năng tạo mọi điều kiện, cuộc sống người dân tại khu tái định cư đang khởi sắc từng ngày. Ảnh: Quang Yên.

“Người dân khi về khu tái định cư được cơ quan chức năng hỗ trợ vận chuyển đồ. Người dân được cấp đất ở, đất sản xuất. Đặc biệt trong 6 tháng đầu khi về khu tái định cư mới người dân được hỗ trợ gạo, mắm muối, dầu ăn và tiền thuê nhà. khu tái định cư thuộc dự án Hồ chứa nước Krông Pách Thượng được tính toán kỹ và khẳng định người dân di dời về đây cuộc sống sẽ tốt hơn nơi cũ rất nhiều. Đến nay có thể khẳng định người dân tại khu tái định cư đang dần ổn định và khởi sắc”, ông Thìn nói.

Khu tái định cư số 2 thuộc dự án Hồ chứa nước Krông Pách Thượng đang được cơ quan chức năng triển khai cơ sở hạ tầng. Dự kiến đến tháng 6/2022, cơ sở hạ tầng khu tái định cư hoàn thiện sẽ tiến hành di dời những hộ dân còn lại trong lòng hồ nhằm đảm bảo tiến độ chung của toàn dự án.

Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng có tổng mức đầu tư 4.421 tỷ đồng do Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 8 thuộc Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư. Hợp phần bồi thường giải phóng.mặt băng, di dân và tái định cư có tổng kinh phí gần 1.887 tỷ đồng do chính quyền địa phương thực hiện. Trong đó, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ di dân hơn 1.270 tỷ đồng; chi phí đầu tư xây dựng vùng tái định cư hơn 487,5 tỷ đồng, còn lại các chi phí khác.

Xem thêm
Kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Trương Hòa Bình; khiển trách bà Trương Thị Mai

Ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Trương Thị Mai, ông Trương Hòa Bình đã có những vi phạm, khuyết điểm bị Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật.

Mời gọi doanh nghiệp ngành lúa gạo Việt Nam đầu tư tại Cuba

Cần Thơ Cuba mong muốn học hỏi kinh nghiệm cũng như mời gọi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong ngành lúa gạo Việt Nam tham gia đầu tư, thúc đẩy sản xuất lương thực tại Cuba.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.