Cá tự nhiên chết bất thường
Hàng tấn cá biển tự nhiên nằm dưới tầng đáy chết bất thường
Theo ông Thênh, trong 2 ngày hiện người dân đã vớt được khoảng 5-7 tấn cá. Về nguyên nhân cá chết chưa được xác định rõ, nhưng quan sát môi trường vùng biển ở khu vực này nguồn nước có hiện tượng đổi màu, từ xanh chuyển sang đỏ như máu.
Theo người dân địa phương, chưa bao họ thấy hiện tượng cá chết như thế này. Về nguồn nước biển có màu đỏ và mùi hôi xuất hiện từ 5-7 ngày trước.
Sau đó 2 ngày, khi họ lặn xuống đáy thì người dân phát hiện thấy cá tầng đáy chết nhưng không đáng kể. Nhưng đến sáng ngày 24/11 xuất hiện hiện tượng thủy sản chết hàng loạt. Sau đó, sáng hôm sau 25/11, hiện tượng thủy sản chết đã giảm và dòng nước đỏ theo gió đã trôi ra xa khu vực này, hướng vào phía Nam vịnh Vân Phong.
Người dân vớt cá chết
Chưa xác định nguyên nhân
Sau khi nhận được phản ảnh của người dân, Chi cục Thủy sản Khánh Hòa đã cử cán bộ quản lý địa bàn kết hợp với cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, Hội Nông dân xã Vạn Thọ và đại diện UBND xã Vạn Thạnh tiến hành kiểm tra thực địa thu thập thông tin dịch tễ tại vùng nuôi, đồng thời thu mẫu cá và mẫu nước để xác định nguyên nhân.
Trong đó, mẫu cá và mẫu môi trường nước để xác định dịch bệnh được gửi về Chi cục Chăn nuôi và Thú y để xét nghiệm, còn mẫu nước tầng đáy và tầng mặt được gửi đến Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Trung (Viện Nghiên cứu NTTS III) để phân tích các chỉ số môi trường. Do đó, kết quả xác định nguyên nhân sẽ được làm rõ trong thời gian sớm nhất.
Cá chết ở vùng biển từ thôn Vĩnh Yên, xã Vạn Thạnh, kéo dài đến thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ thuộc huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa)
Ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, về số lượng thủy sản hiện đang nuôi trên các bè trong khu vực không nhiều và người nuôi đã phát hiện sớm, di chuyển lồng bè ra khỏi vùng nước đỏ đến khu vực đảo Hòn Mao nên thiệt hại không đáng kể.
Hiện Chi cục đã đưa ra những khuyến cáo đối với người dân ở khu vực này. Thứ nhất, không nên sử dụng các loài thủy sản chết ở khu vực này làm thực phẩm nhằm tránh hiện tượng bị ngộ độc thực phẩm khi chưa xác định nguyên nhân gây chết.
Ảnh: Kim Sơ
Thứ 2, người nuôi trồng thủy sản ở phía Nam Vịnh Vân Phong nên có biện pháp di chuyển lồng bè nuôi thủy sản tránh dòng nước có màu đỏ để tránh thiệt hại do môi trường gây ra. Trong trường hợp không thể di chuyển thì nên thu hoạch sớm những loài thủy sản nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm.
Người dân hoang mang khi thấy hàng tấn cá chết bất thường
Thứ 3, không nên thả giống thủy sản vào thời điểm thời tiết biến động bất thường, giai đoạn chuyển mùa như hiện nay.
Thứ 4, thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe thủy sản nuôi trong lồng để có biện pháp xử lý kịp thời, sử dụng các loại thức ăn bổ sung như Vitamin C, B complex và các enzym tiêu hoá vào trong khẩu phần thức ăn của thủy sản nuôi nhằm nâng cao sức đề kháng.
Ảnh: Kim Sơ
Thứ 5, khi phát hiện thủy sản nuôi và thủy sản tự nhiên chết hoặc có dấu hiệu bất thường, cần thông báo ngay đến các cơ quan quản lý tại địa phương để có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời...
Người dân vớt cá chết đầy thuyền
Theo Chi cục Thủy sản, qua thực tế quan sát và thu thập thông tin từ người dân tại khu vực, thời gian xuất hiện thủy sản chết khoảng 3 giờ sáng ngày 24/11. Nước vùng nuôi xuất hiện màu đỏ, có mùi hôi và sánh đặc. Các loài thủy sản chết bao gồm các loài thủy sản nuôi và tự nhiên sống ở tầng mặt và tầng đáy như cá bớp, cá bè, cá bống, tôm, cua, ghẹ, cá đục, cá chai... Tuy nhiên chủ yếu thiệt hại là thủy sản tự nhiên. |