Sự kiện này nằm trong khuôn khổ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hà Lan do Lãnh sự quán Hà Lan tại TP. HCM phối hợp với Sở Giao thông vận tải TP. HCM, Hội hữu nghị Việt Nam - Hà Lan, Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Lan Việt Nam (DBAV) và Đại sứ Xe đạp Hà Lan - Dutch Cycling Embassy tổ chức.
Sự kiện không chỉ là một trải nghiệm thú vị và hấp dẫn, kết nối cộng đồng đạp xe, mà còn thúc đẩy bền vững, giảm khí thải carbon, cải thiện chất lượng không khí và tránh tai nạn xe hơi bằng cách sử dụng xe đạp để di chuyển trong thành phố.
Ông Daniel Stork, Tổng Lãnh sự Vương quốc Hà Lan tại TP. HCM cho biết, hiện nay, Tổ chức Xe đạp Hà Lan (Dutch Cycling Embassy) đang hợp tác với Sở GTVT TP.HCM để khám phá các khả năng phát triển hơn nữa cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp của TP. HCM và thúc đẩy phương tiện giao thông xanh.
“Chúng tôi rất vui được chia sẻ kinh nghiệm để tránh tắc nghẽn, ô nhiễm và giúp mọi người sống hạnh phúc hơn”, ông Daniel Stork nói.
Ở TP.HCM, xe đạp chưa phải là phương tiện đi lại phổ biến nhất. Tuy nhiên, TP.HCM vẫn đang nỗ lực để trở thành một thành phố đạp xe như các thành phố Amsterdam, Rotterdam ở Hà Lan.
Phương tiện giao thông đô thị phổ biến tại TP. HCM là xe máy, ô tô hoặc thậm chí là phương tiện bay. Nhưng đó không phải giải pháp tối ưu cho các câu hỏi thực sự về phương tiện giao thông bền vững trong thế kỷ 21.
Thách thức lớn nhất đối với tính bền vững trong khu vực đô thị thường là không gian hạn chế trong thành phố và nguy cơ tắc nghẽn với việc sở hữu xe ô tô tăng lên. Sự kết hợp giữa giao thông công cộng và xe đạp, xe đạp điện là giải pháp lành mạnh và có thể không gây khí thải, mang lại hạnh phúc cho cư dân thành phố.
Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. HCM cho biết, thời gian qua TP. HCM cũng đã thí điểm xe đạp công cộng và mang lại nhiều tín hiệu tích cực cũng như sự ủng hộ của người dân TP. HCM và khách du lịch. Đây là giải pháp để phát triển giao thông công cộng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường của TP. HCM.
Thông qua sự kiện nhằm nâng cao nhận thức về việc sử dụng xe đạp như một lựa chọn nghiêm túc cho việc đi lại hàng ngày và đi làm ở TP. HCM. Xe đạp không chỉ góp phần làm đa dạng hóa các phương pháp giao thông đô thị ở trung tâm thành phố mà còn mang lại lợi ích sức khỏe cho người sử dụng, giá cả hợp lý hơn, giảm ô nhiễm môi trường và chất lượng không khí. Do đó, nó tạo ra một ngành du lịch mới, đóng góp cho phục hồi và phát triển kinh tế.