Bất an
Trong bối cảnh giá gà rớt liên tục một cách thê thảm nhưng vợ chồng Đỗ Danh Hải và Thân Thị Nghiên ở thôn Đề Thám, xã Đồng Tâm (Yên Thế) vẫn duy trì tổng đàn gà từ 3 – 4 ngàn con/lứa. “8 tháng trời, lứa gà nào bán cũng lỗ. Đầu năm nay, gia đình bán hai con bò và một đàn lợn nhưng vẫn không bù được số tiền lỗ từ gà là 160 triệu đồng” – ông Hải bảo.
Cũng theo ông Hải, gia đình đang nợ ngân hàng 300 triệu đồng sắp đến kỳ thanh toán. Từ tháng 5/2014, giá gà bắt đầu tăng, ít nhà còn gà bán nên mấy lứa gà gần đây của gia đình đã cho lãi 70 triệu đồng. Thế nhưng lo ngại nhất của người nuôi gà chính là việc định hướng thị trường.
Bà Nghiên nói: “Có đoàn cán bộ tỉnh Quảng Ninh đến xem mô hình nuôi gà của gia đình, hỏi, tôi trả lời rằng, điều bất an nhất của người chăn nuôi là thị trường tiêu thụ. Ông cán bộ tỉnh đó thấy lạ khi không thấy tôi đề cập đến dịch bệnh. Mặc dù dịch bệnh xảy ra với gà thì hay bị mất trắng. Thế mà nó vẫn xếp thứ hai sau thị trường”.
Tôi cũng bất ngờ về điều này. Bà Nghiên lý giải: Dịch bệnh là bất khả kháng nhưng người chăn nuôi lại làm chủ được tình hình. Phòng bệnh, chăm sóc con gà khỏe mạnh là việc của người chăn nuôi. Còn giá cả thị trường thì người chăn nuôi rất bị động.
“Khi thua lỗ mình vẫn cứ lao vào nuôi với tâm lý nuôi nhiều ở lứa sau để cứu vớt lứa trước. Cứ thế trượt dài đến một khi không dừng lại được thì nợ nần chồng chất. Vì thế, người chăn nuôi rất cần định hướng thị trường” – bà Nghiên kiến nghị.
Bằng kinh nghiệm của gần chục năm nuôi gà, bà Nghiên rút ra một điều rằng, chính vì thiếu định hướng thị trường và không linh hoạt của cơ quan quản lý nên người chăn nuôi luôn rơi vào thế bị động.
Chẳng hạn, cuối năm 2013, từ hiệu ứng của chương trình 5 triệu con gà nên cả xã có 90% số hộ đổ xô nuôi với số lượng lớn nhưng đến khi giá gà rớt thê thảm, lỗ triền miên thì cũng có gần chừng ấy hộ bỏ chuồng không nuôi nữa. Một vài tháng trở lại đây, giá gà bắt đầu nhích lên thì lại thấy rục rịch trong dân đi vay vốn về đầu tư nuôi gà.
“Cứ cách làm thụ động trong vòng quay luẩn quẩn như gà mắc tóc thế người chăn nuôi không biết đâu mà lần” – bà Nghiên tâm sự.
Ai chịu trách nhiệm?
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang từng rất rốt ráo vào cuộc một cách quyết liệt khi chương trình 5 triệu con gà được ký kết. Từ đi thăm, kiểm tra, chỉ đạo điều hành đều được tiến hành khá công phu.
Thế nhưng thời điểm này, liên hệ để gặp, lắng nghe tiếng nói của họ đối với người dân thì hết sức khó khăn với lý do: bận họp.
Sau hơn 1 năm chương trình được thực hiện, điều mọi người dễ nhận thấy là khi chưa có ký kết, việc tiêu thụ gà đồi vẫn diễn ra bình thường và ít có biến động lớn về giá cũng như gánh nặng nợ ngân hàng của người dân. Rõ ràng, trách nhiệm của các nhà quản lý trong việc hoạch định chính sách, dự báo thị trường còn có phần hạn chế, nếu không nói là duy ý chí.
Điều lo ngại nhất trong hoạt động tiêu thụ gà đồi Yên Thế hiện nay theo ông Phương đó là sự lũng đoạn của các nhóm cò mồi trên địa bàn. Chính sự lộn xộn này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến giá bán của người dân. “Các DN, đầu mối mua gà đến Yên Thế không thể mua trực tiếp với hộ chăn nuôi mà thường phải thông qua các cò mới được tiếp cận. Tôi cho rằng, nếu tình trạng này không được chấm dứt sẽ ảnh hưởng lớn đến giá gà và thương hiệu gà của Yên Thế” – ông Nguyễn Văn Phương lo lắng. |
Ông Nguyễn Văn Phương – Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương tỉnh Bắc Giang bắt đầu câu chuyện với chúng tôi cũng từ chương trình 5 triệu con gà.
Ông Phương cho hay, trước thực tế giá gà liên tục giảm, nợ ngân hàng của người chăn nuôi đến mức báo động thì Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh đề án xây dựng 2 chuỗi liên kết tiêu thụ gà bền vững.
“Hiện đề án đã nằm trên bàn Chủ tịch tỉnh. Khi đề án được phê duyệt sẽ có tiền hỗ trợ và ưu tiên để người dân vay vốn. Nếu vẫn cách làm như hiện nay thì thương hiệu gà Yên Thế khó mà giữ được” – ông Phương nói.
Về nguyên nhân giá gà giảm liên tục trong 8 tháng, nhất là dịp Tết Giáp Ngọ, ông Phương lý giải: Sản lượng gà trắng của Thái Lan nuôi tại Việt Nam tăng vào dịp cuối năm 2013 một cách đột biến, cùng với đó là giá bán rẻ. Đây cũng là năm mà đùi gà và phụ tạng gà Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam số lượng lớn, giá rẻ nên đã chi phối nhiều đến lượng tiêu thụ gà đồi Yên Thế.
Mặt khác, do chương trình 5 triệu con gà vào cuối 2012 như một lực hút nên đến gần cuối 2013, người nuôi gà Yên Thế lại ồ ạt nuôi với số lượng lớn. Áp Tết Nguyên đán, gà Yên Thế rơi vào thế cung vượt cầu. Đến khi chương trình này không làm được bài bản và thấy giá cả có xu hướng giảm, người nuôi đã bán gà non làm ảnh hưởng đến thương hiệu gà đồi Yên Thế.
Một vấn đề khác, theo ông Phương là cả người nuôi gà và nhà quản lý đã không lường trước những biến động của nhu cầu thị trường.
Chẳng hạn các tháng 5, 6 và 10 là thời điểm có nhiều vịt thả đồng đưa ra bán ở thị trường. Mùa nắng nóng nhu cầu người tiêu dùng sử dụng vịt thả đồng sẽ nhiều hơn là ăn thịt gà. Lẽ ra những tháng này nên giảm số lượng gà nuôi.
Mặt khác, công tác xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu gà Yên Thế hiện nay làm chưa được tốt. Có nơi đề nghị cung cấp băng đĩa và màn hình gắn tại các điểm siêu thị giới thiệu về gà Yên Thế nhưng giờ vẫn chưa làm được.
Đặc biệt là giá TĂCN quá cao, chất lượng không ổn định. Có những lô hàng chất lượng kém. Bằng chứng, cũng chừng ấy con gà và cách nuôi ấy nhưng trọng lượng con gà của hai lứa nuôi chênh lệch nhau khá lớn. “Điều này cho thấy trong thức ăn của gà có vấn đề về hàm lượng dinh dưỡng” – ông Phương nói.
Đồng tình với ý kiến của ông Phương về giá TĂCN quá cao, ông Nông Văn Tâm – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế cho rằng: “Giá thức ăn quá cao dẫn đến lợi nhuận người nuôi gà quá thấp. Đây cũng là lý do khiến tổng đàn gà hiện nay bị giảm đi đáng kể. Từ chỗ từng duy trì được 4,5 – 6 triệu con đến nay số hộ nuôi chỉ bằng 1/3 và tổng đàn gà chỉ xấp xỉ 3,2 triệu con”.
Ông Tâm kiến nghị cần sử dụng TĂCN trong nước, chứ không thể để tình trạng thóc gạo thì rẻ bèo mà giá TĂCN lại cao ngất ngưởng. “Hàng năm, vật nuôi sử dụng hết 13 triệu tấn thức ăn mà nhập khẩu đến 10 triệu tấn thì còn đâu là lợi nhuận nữa” – ông Tâm kêu.(Hết)