Phát triển vượt bậc, dẫn đầu ĐBSCL
Tối 1/1, tại quảng trường Hòa Bình, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh (1/1/2004 - 1/1/2024) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới dự và trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đảng Bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang vì đã có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc.
Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, khi mới chia tách từ tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang là tỉnh nghèo khó nhất vùng ĐBSCL, một tỉnh thuần nông, xuất phát điểm kinh tế - xã hội thấp, quy mô kinh tế rất nhỏ, giao thông đi lại rất khó khăn. Nguồn nhân lực vừa thiếu vừa yếu, thu nhập bình quân đầu người khoảng 6 triệu đồng/năm, thu nội địa khoảng 180 tỷ đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm rất cao, gần 24%.
Trong suốt chặng đường 20 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang đã có nhiều nỗ lực, phấn đấu vươn lên và đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Nổi bật là công tác tổ chức xây dựng Đảng, tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị thường xuyên được kiện toàn. Từ chỗ thiếu và yếu, đến nay đội ngũ cán bộ, đảng viên đã tăng đáng kể cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, chỉ số năng lực cạnh tranh ngày càng được cải thiện, tăng bậc qua các năm và được xếp thứ hạng khá cao so với khu vực và cả nước.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh liên tục tăng, đặc biệt giai đoạn 2021 - 2023 tăng nhanh, tăng cao hơn khu vực và cả nước, năm 2022 đứng thứ tư và năm 2023 vươn lên xếp thứ 2 cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 80,33 triệu đồng, tăng hơn 13 lần so với năm 2004. Quy mô kinh tế tăng hơn 10 lần so với năm 2004, thu ngân sách năm sau cao hơn năm trước và vượt chỉ tiêu trung ương giao hàng năm. Đặc biệt là giai đoạn 2021 - 2023 bình quân mỗi năm thu tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với dự toán giao.
Phong trào xây dựng nông thôn mới được nhân dân hưởng ứng tích cực, đến nay đã có 3 đơn vị cấp huyện và 40/51 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 8 xã nông thôn mới nâng cao, đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn và đời sống nhân dân. Công tác giảm nghèo đi vào thực chất, nhiều mô hình giảm nghèo bền vững được phát huy. Tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm rất nhanh, hiện tại chỉ còn 3,8%.
Có thể khẳng định, những thành tựu đạt được trong thời gian qua là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu kiền trì, bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hậu Giang. Những kết quả này là tiền đề, là nền tảng quan trọng, tạo đà cho tỉnh Hậu Giang tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tiếp theo.
Toàn Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hậu Giang sẽ nỗ lực hết sức, nâng cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, tập trung huy động mọi nguồn lực nhằm thực hiện đạt mục tiêu đến năm 2030 phát triển tỉnh Hậu Giang trở thành tỉnh khá của vùng ĐBSCL, đến năm 2050 trở thành tỉnh khá của cả nước.
Thời kỳ vàng để phát triển
Phát biểu chức mừng tỉnh Hậu Giang tròn 20 tuổi, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá cao những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hậu Giang đã đạt được, nhất là trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời Chủ tịch nước khẳng định: “Hậu Giang đang trong thời kỳ vàng, hội tụ điều kiện thế mạnh, tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội”.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã chỉ đạo và gợi mở nhiều vấn đề để tỉnh Hậu Giang tiếp tục bứt phá, phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn mới. Hậu Giang là tỉnh nằm ở khu vực trung tâm, giáp ranh với thành phố Cần Thơ, có vị trí chiến lược của trung tâm vùng Tây Nam bộ. Với lợi thế, tiềm năng của một tỉnh vùng sông nước, Hậu Giang đã và đang đóng góp vào sự phát triển của vùng ĐBSCL và cả nước.
Để tăng tốc phát triển, Hậu Giang cần tập trung chuyển dịch mạnh mẽ kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ. Đẩy mạnh thực hiện quy hoạch tỉnh gắn với quy hoạch vùng, thúc đẩy phát triển các trụ cột kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh, đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ưu tiên phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp, gia tăng tỷ trọng cơ cấu kinh tế công nghiệp, dịch vụ, phát triển du lịch. Tập trung xây dựng hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, khắc phục hiệu quả tình trạng xâm nhập mặn. Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.
Phát triển kinh tế phải đi đôi với văn hóa, xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Hậu Giang cần đầu tư bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử cách mạng, gắn với du lịch sinh thái, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội. Chú trọng công tác giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Là tỉnh trung tâm của khu vực ĐBSCL, Hậu Giang cần tập trung giữ vững an ninh trật tự, phòng chống tội phạm để đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân và phát triển kinh tế xã hội. Tập trung chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương Hậu Giang anh hùng, những thành tựu to lớn đã đạt được sau 20 thành lập tỉnh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu đạt nhiều kết quả to lớn hơn nữa, xây dựng Hậu Giang trở thành điểm sáng, là tỉnh khá của ĐBSCL và cả nước.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành khẳng định, tỉnh Hậu Giang sẽ cụ thể hóa vào các nghị quyết, chương trình, kế hoạch công tác, nhất là gắn với lãnh đạo triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, chủ động, tích cực, sáng tạo trong triển khai thực hiện với phương châm “Hình thức tập trung, nội dung thiết thực, hành động quyết liệt, hiệu quả thực chất”.
"Là vựa lúa của miền Tây, tỉnh Hậu Giang cần tiếp tục đầu tư phát triển nông nghiệp với năng suất cao, chất lượng tốt, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, gia tăng giá trị lớn, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tích cực chuyển đổi số trong nông nghiệp, phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, gắn với tổ chức sản xuất theo mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã kiểu mới, tạo đột phá trong bảo quản, đáp ứng nhu cầu của thị trường, nâng cao thu nhập và đời sống của cư dân nông thôn", Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chỉ đạo.