Đặc biệt có nhiều loại chim quý hiếm như diệc mốc, gà đẩy… chỉ có ở các vườn chim ở miền Tây. Ngoài ra, còn có hơn 150 loài thực vật thuộc 50 họ, cùng với 100 loài động vật khác và 15 loài bò sát sống chan hoà, xen lẫn tồn tại ở các sân chim đang đứng trước nguy cơ bị xoá sổ. Ngoài yếu tố thiên nhiên thì sự tác động của con người là nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ vườn chim ở miền Tây có thể biến mất. Đó là do nạn săn bắt trái phép diễn ra thường xuyên từ bẫy chim, thuốc chim, chui vào tận sân chim để bắt, bẫy chim…Cùng với nạn phá rừng lấn đất để nuôi tôm sú tự phát và tình trạng dân nhập cư chiếm đất sân chim làm nhà…làm cho môi trường hệ sinh thái ngập mặn bị phá huỷ, bị biến đổi làm cho các loài chim bỏ đi nơi khác và thưa dần.
Dầm Dơi, Chà Là, Cái Nước (Cà Mau) là những sân chim lớn được hình thành cách đây trên 50 năm, vào lúc cao điểm các sân chim này lên đến cả 100 ngàn con với hơn 25 loài, nhưng nay chỉ còn vài loài với số lượng giảm đi rất nhiều. Hay sân chim Bạc Liêu thuộc loại lớn nhất Nam Bộ trên diện tích 105 ha, từ năm 2000 được xếp vào hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam để bảo tồn loài và bảo tồn nơi cư trú nhưng vài năm qua, do nhiều nguyên nhân như nhiều hộ lấn đất đào ao nuôi tôm sú, lấn đất cất nhà trái phép, cùng với điện thắp, máy quạt chạy suốt đêm phục vụ nuôi tôm sú công nghiệp liền kề sân chim nên đàn chim ở đây giảm hơn 50% so với lúc cao điểm.